Chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Y tế đã có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế số ca mắc trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Khám chẩn đoán bệnh lý về mắt cho trẻ.
Khám chẩn đoán bệnh lý về mắt cho trẻ.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm kết mạc cấp do virus (đau mắt đỏ) lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Đau mắt đỏ thường xảy ra ở địa bàn lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt. Tùy vào mức độ của bệnh, nguyên nhân cũng như khả năng đáp ứng với thuốc mà quá trình điều trị có thể từ vài ngày đến vài tuần. Nếu không chủ động các biện pháp phòng tránh, bệnh dễ có nguy cơ lây lan thành dịch.

Thống kê sơ bộ hai tuần đầu tháng 9 tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trung bình mỗi ngày có từ 30-40% bệnh nhân đến khám và điều trị do viêm kết mạc cấp. Trong đó, khoảng gần 30% là trẻ em dưới 5 tuổi. Đây cũng là thời điểm vào năm học mới, trẻ trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, tăng khả năng tiếp xúc gần làm dịch bệnh lây lan mạnh. Lý do là vì trẻ chưa có kỹ năng trong phòng bệnh, sức đề kháng yếu, khó khăn trong việc vệ sinh mắt và tra nhỏ thuốc.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu). Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp như người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc).

Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ khỏi rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng. Để hạn chế lây lan, các bác sĩ lưu ý người bị đau mắt đỏ không nên đi bơi, hạn chế đến nơi đông người như các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, siêu thị. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên cho mắt nghỉ ngơi (nhắm mắt, nhìn xa), không xem các phương tiện điện tử. Trẻ mắc bệnh cần nghỉ học, tránh lây bệnh cho người khác.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang.

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà-phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.