(Tiếp theo và hết)
Thailand có một phần diện tích lớn nằm trong khu vực “Tam giác vàng”, nơi được xem là điểm nóng hàng đầu thế giới về sản xuất ma túy. Bên cạnh các chuyên án trấn áp tội phạm, những năm gần đây, chính quyền Thailand chú trọng phát triển các dự án giúp người dân địa phương thoát khỏi cây thuốc phiện, dần xây dựng cuộc sống ấm no nhờ nông, lâm nghiệp và du lịch theo hướng bền vững.
“Phép mầu” Doi Tung
Khu vực rừng núi rộng lớn bao trùm phía bắc Thailand, đông bắc Myanmar và tây bắc Lào thường được biết đến với tên gọi “Tam giác vàng”. Nơi đây từng được ví như “thủ phủ thuốc phiện” của thế giới, bởi có khí hậu thích hợp cho loại cây này phát triển. Trong khi đó, địa thế hiểm trở của khu vực rừng núi giáp ranh giữa ba quốc gia giúp các băng nhóm tội phạm dễ dàng lẩn tránh tầm kiểm soát của chính phủ các nước để xây dựng “nền công nghiệp ma túy” và phân phối đi khắp các nẻo đường.
Theo thống kê của Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), vào những năm 1990, diện tích trồng anh túc ở “Tam giác vàng” chiếm tới hơn hai phần ba diện tích trồng loại cây này trên toàn thế giới. Trong giai đoạn 2008 đến 2017, số lượng ma túy amphetamine và methamphetamine bị lực lượng chức năng thu giữ ở khu vực này tăng từ 8 tấn lên 70 tấn.
Cũng theo UNODC, Thailand có lúc chiếm tới 26% giá trị thị trường ma túy bất hợp pháp ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2019, Chính phủ Thailand ước tính mỗi năm nước này mất khoảng 166 tỷ baht (khoảng 4,6 tỷ USD) để giải quyết vấn đề ma túy bất hợp pháp.
Hơn 30 năm trước, tại nhiều vùng ở tỉnh Chiang Rai của Thailand, nếu nhìn từ trên cao xuống chỉ thấy một mầu đất đỏ của những sườn đồi trọc do người dân đốt rừng làm rẫy. Cuộc sống người dân nơi đây rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, sống lệ thuộc vào việc trồng cây anh túc, sau đó bán hoặc trao đổi thuốc phiện với các nhóm vũ trang, các ông trùm buôn ma túy để lấy hàng hóa thiết yếu.
Năm 1987, khi tới thăm Doi Tung, huyện Mae Fa Luang, Chiang Rai, Hoàng thái hậu Sringarindra, thân mẫu cố Quốc vương Thailand Bhumibol Adulyadej (Rama IX) nhìn nhận rằng, nghèo đói chính là nguyên nhân sâu xa đẩy người dân nơi đây dính líu đến ma túy và các hoạt động phi pháp. Do đó, cách tiếp cận hiệu quả để đẩy lùi ma túy bất hợp pháp là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề đói nghèo thông qua việc trao cho người dân cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Dự án Doi Tung ra đời một năm sau chuyến thăm của Hoàng thái hậu Sringarindra. Mô hình này do Quỹ Mae Fah Luang dưới sự bảo trợ của Hoàng gia và Chính phủ Thailand triển khai thực hiện trong giai đoạn 1988-2017. Doi Tung được ví như phép mầu khi giúp xóa sổ cây thuốc phiện và biến khu vực này thành địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ngày nay.
Trong giai đoạn đầu, dự án tập trung đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của người dân, những tiện ích công cộng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tiếp đến, người dân địa phương được học cách trồng rừng và các loại cây kinh tế như cà-phê, mắc-ca. Trong giai đoạn tiếp theo, họ được hướng dẫn phục hồi môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sinh kế cho phù hợp điều kiện địa lý, xã hội. Du lịch cũng bắt đầu được chú trọng phát triển.
Thương hiệu Doi Tung ra đời năm 2000, tập trung trong 5 lĩnh vực kinh doanh gồm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm qua chế biến, cà-phê, sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Cà-phê và nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống từ Doi Tung được khách du lịch đánh giá cao. Cà-phê Doi Tung đã xuất hiện trên một số đường bay quốc tế. Một phần doanh thu của doanh nghiệp xã hội Doi Tung được dùng để chi trả cho người dân trong làng, một phần khác được sử dụng để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục và môi trường địa phương.
Ông Wisut Buachoom, Giám đốc Văn phòng Chiang Rai của Tổng cục Du lịch Thailand chia sẻ, thành công của Doi Tung góp phần thu hút khách du lịch tới thăm Chiang Rai. Từ một vùng cao nguyên từng gắn liền với thuốc phiện và nghèo đói, năm 2019, Chiang Rai đón 3,72 triệu khách du lịch. Ngay sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch của Chiang Rai phục hồi nhanh chóng khi đón 3,16 triệu khách chỉ trong hai quý đầu năm 2023.
Hiệu quả từ cách tiếp cận toàn diện
Chúng tôi tìm đến huyện Mae Ai, tỉnh Chiang Mai để tận mắt chứng kiến hiệu quả từ dự án Roi Jai Rak mà chính quyền và người dân địa phương đang cùng nhau triển khai để đẩy lùi tệ nạn ma túy, xóa đói nghèo theo cách tiếp cận toàn diện, bền vững trong tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ trung tâm Chiang Mai, đoàn xe nối đuôi nhau trên chặng đường đèo uốn lượn. Cảnh rừng núi ngút ngàn hai bên vút qua ô cửa kính xe. Trong hành trình gần 4 giờ đồng hồ có nhiều đoạn đường xoắn như ruột gà, cua gấp liên tục.
Dự án Roi Jai Rak được triển khai tập trung ở bốn làng chính là Huay San, North Meung Ngam, Nam Meung Ngam, Suk Reutai và 20 làng nhỏ hơn ở tiểu khu Taton, huyện Mae Ai, tỉnh Chiang Mai. Dự án có tổng diện tích là 5.939 ha, với 1.067 hộ gia đình và 4.297 nhân khẩu.
Trò chuyện với chúng tôi, người dân làng hồ hởi kể về hành trình thoát “cái chết trắng”, từng bước học hỏi, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tháng 10/2016, trùm ma túy Laota Saenlee, kẻ được ví như “vua thuốc phiện” miền bắc Thailand với mạng lưới buôn bán ma túy khắp Đông Nam Á, bị bắt và khởi tố. Vụ án vô cùng phức tạp một phần bởi khi đó Laota chính là trưởng làng Huay San.
Sau thành công của dự án Doi Tung, Văn phòng Ủy ban Kiểm soát Ma túy (ONCB) của Thailand đã thúc đẩy Quỹ Mae Fah Luang dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Thailand tiếp tục triển khai thêm dự án mới để đẩy lùi ma túy và giảm đói nghèo ở các vùng núi phía bắc đất nước. Chủ tịch của Quỹ Mae Fah Luang khi đó, ông Disnadda Diskul cho biết, tỷ lệ thành công của dự án mà quỹ cam kết chỉ ở mức 50%, phần còn lại phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng đồng hành của cộng đồng.
Ngày 15/11/2017, cuộc họp cộng đồng đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan chính quyền ở cả ba cấp trung ương, khu vực và địa phương để lắng nghe ý kiến của người dân. Dự án Roi Jai Rak chính thức ra đời năm 2018 và dự kiến tiếp tục nhận được hỗ trợ đến năm 2029.
Hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ dự án là xây dựng đập nước ở độ cao 930 m so mực nước biển, để cung cấp nước uống và sinh hoạt cho các hộ gia đình. Nam giới, phụ nữ, người già, trẻ em đã cùng nhau vận chuyển tổng cộng 39 tấn vật tư, thiết bị lên ngọn đồi cách làng 14 km để xây đập chứa nước.
Nhắc tới kỷ niệm xưa, nhiều người dân nghẹn ngào xúc động, bởi đó là hoạt động cộng đồng đầu tiên khi họ thoát khỏi sự đàn áp của trùm ma túy. Các quan chức chính phủ, lực lượng quân đội, cảnh sát, kiểm lâm sát cánh hằng ngày cùng người dân. Mối quan hệ giữa dân làng và giới chức địa phương cải thiện rõ rệt.
Nghề nông là nghề chính của các thành viên trong cộng đồng. Vì vậy, dự án đã mời các chuyên gia nông nghiệp đến hướng dẫn người dân. Cộng đồng địa phương được tiếp cận tổng thể từ giống, phân bón cho cây trồng, thức ăn cho vật nuôi, bí quyết chăm sóc và cơ chế phân phối để có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tạo thu nhập ổn định.
Dự án cũng đã hỗ trợ cộng đồng nâng cao tay nghề trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Một nhóm thợ lành nghề từ dự án Doi Tung tham gia giám sát chặt chẽ tiến độ sản xuất và thường xuyên tư vấn cho các nhóm phụ nữ trong dự án Roi Jai Rak. Chợ cộng đồng được quy hoạch lại, tạo ra không gian cho người dân trưng bày và bán các sản phẩm của mình. Các quầy hàng thực phẩm và các tiệm massage mang lại cơ hội việc làm cho nhiều người dân trong khu vực.
Đi được nửa chặng đường triển khai dự án, đến nay 62% diện tích trong khuôn khổ dự án Roi Jai Rak được hưởng lợi từ hệ thống phân phối nước quanh năm. Tổng diện tích đất nông nghiệp tăng thêm 25%, trong khi năng suất lúa tăng 30%. 146 người nghiện ma túy tình nguyện tham gia chương trình cai nghiện và chỉ 12% trong số những người này bị cám dỗ quay trở lại với chất gây nghiện.
Thuốc phiện, ma túy không phải là chủ đề duy nhất trong cuộc trò chuyện của chúng tôi với đại diện chính quyền và người dân địa phương. Ngồi trong nhà sinh hoạt cộng đồng được dựng ngay bên bờ ruộng lúa và hoa màu xanh mát, những người nông dân say sưa nói về rau quả hữu cơ, du lịch bền vững, triết lý kinh tế vừa đủ, những điều mà cộng đồng địa phương đang trên hành trình tiến tới.