Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) về ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết, hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy tổng hợp của các băng nhóm tội phạm có tổ chức gia tăng đáng kể trong thập niên qua. Cuộc chiến chống ma túy ở khu vực “Tam giác vàng”, nơi biên giới của Thailand, Myanmar và Lào gặp nhau, diễn ra khốc liệt khi các nhóm tội phạm ngày càng tinh vi và liều lĩnh.
“Làn sóng” ma túy trỗi dậy khắp châu Á
Theo báo cáo công bố hồi tháng 6 của UNODC, hoạt động buôn bán ma túy tổng hợp ở châu Á bùng nổ đến mức “cực đoan”, khi các nhóm tội phạm thiết lập những tuyến đường buôn bán mới để né tránh cuộc trấn áp của cơ quan thực thi pháp luật các nước. Nghiên cứu của UNODC chỉ ra rằng, các vụ bắt giữ ma túy đá ở Đông Nam Á tăng vọt lên mức cao kỷ lục khi các băng đảng vận chuyển các lô hàng lớn hơn và liều lĩnh hơn.
Số liệu mà cơ quan của LHQ thu thập được cho thấy, giá bán buôn và bán lẻ các loại ma túy xuống mức thấp chưa từng có trên toàn khu vực vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung ma túy hiện rất dồi dào. Số lượng lớn các vụ bắt giữ và nhập viện liên quan ma túy tại các cơ sở điều trị là bằng chứng rõ ràng hơn về hoạt động buôn bán chất gây nghiện đang diễn ra mạnh mẽ.
Đại diện UNODC tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Jeremy Douglas cho biết, khi lệnh đóng cửa biên giới do dịch bệnh và các biện pháp hạn chế đi lại được dỡ bỏ, các tổ chức tội phạm quốc tế cũng tăng cường hoạt động trở lại. Quy mô hoạt động của các nhóm tội phạm ma túy vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tương đương mức ghi nhận năm 2019.
Các quan chức hải quan nhận thấy số lượng vụ vận chuyển ma túy methamphetamine qua đường hàng không gia tăng trong nửa cuối năm 2022, sau khi nước này mở cửa trở lại biên giới. Các mạng lưới buôn ma túy ở Đông Nam Á vốn gần như biến mất trong đại dịch nay đã hoạt động mạnh trở lại.
Các đối tượng buôn bán ma túy cố gắng thích nghi trong điều kiện kiểm soát an ninh nghiêm ngặt hơn. Trong nhiều năm, phần lớn hoạt động sản xuất ma túy đá ở châu Á diễn ra trong các vùng rừng núi hiểm trở thuộc “Tam giác vàng”, khu vực hẻo lánh nơi biên giới ba nước Thailand, Lào và Myanmar hội tụ và từ lâu là một trong những trung tâm sản xuất ma túy quy mô lớn nhất của thế giới.
Ông Douglas cho biết, mặc dù “Tam giác vàng” được giám sát chặt chẽ song khối lượng lớn ma túy vẫn đi qua vùng này. Thời gian gần đây, các nhóm tội phạm chuyển hướng sang các tuyến hàng hải phía tây, đưa “hàng” qua miền trung Myanmar đến biển Andaman, nơi dường như ít người để ý hơn. Từ Myanmar, các loại ma túy tổng hợp sau đó đi ra khắp thế giới, tới những nơi xa xôi như Nhật Bản, New Zealand và Australia. Nam Á cũng đang bị thu hút sâu hơn vào thị trường này, với khối lượng lớn methamphetamine được vận chuyển từ Myanmar đến Bangladesh và đông bắc Ấn Độ.
Các phát hiện của UNODC trong những năm gần đây vẽ nên bức tranh về “ngành công nghiệp ma túy” đang bùng nổ ở khắp châu Á bất chấp đại dịch. Một số tập đoàn ma túy lợi dụng thời điểm các chính phủ tập trung ngăn chặn dịch bệnh và thực thi các biện pháp y tế công cộng để trỗi dậy. Các nhóm tội phạm có tổ chức cũng lợi dụng tình hình bất ổn chính trị tại Myanmar kể từ năm 2021, để biến các khu vực biên giới vốn đã phức tạp của nước này trở thành trung tâm sản xuất và buôn hàng cấm lý tưởng hơn.
Điểm nóng ở biên giới
Mô tả về những thách thức trong việc bảo đảm an ninh cho hàng trăm km lãnh thổ biên giới giáp với các nước láng giềng là Lào và Myanmar, đơn vị đặc nhiệm chống ma túy tinh nhuệ Pha Muang của Thailand, có trụ sở tại tỉnh miền bắc Chiang Mai cho biết, các băng đảng dường như đang “giám sát” chặt chẽ lực lượng chức năng để lẩn tránh. Nếu các đơn vị đặc nhiệm chống ma túy tăng viện ở Chiang Rai, các đối tượng sẽ di chuyển đến tỉnh lân cận Chiang Mai.
Nhiều đối tượng buôn ma túy ở “Tam giác vàng” hiện nay được trang bị máy bay không người lái để giám sát các tuyến đường theo kế hoạch của chúng, nhằm bảo đảm quá trình vận chuyển tới các điểm hẹn dọc biên giới được thông suốt. “Hàng” qua được biên giới Thailand chỉ là khâu đầu tiên trong hành trình vận chuyển ma túy về phía nam để phân phối trong nước, cũng như đưa tới các cảng để vận chuyển đến các thị trường khu vực và quốc tế.
Theo Kênh Truyền hình Thai PBS, trong khoảng thời gian chín tháng tính đến tháng 6/2022, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy Pha Muang đã tiến hành hơn 260 chiến dịch, thu giữ 54 triệu viên methamphetamine, 177 kg ma túy ketamine, 120 kg ma túy “đá” và 12 kg heroin; 320 nghi phạm bị bắt giữ, 27 đối tượng bị tiêu diệt.
Những vụ đấu súng giữa lực lượng đặc nhiệm Pha Muang với các băng đảng ma túy dường như báo hiệu rằng năm 2023 tiếp tục là một năm “đẫm máu”. Số lượng ma túy methamphetamine xâm nhập từ “Tam giác vàng” thường lên tới hàng triệu viên trong mỗi vụ bắt giữ, trong khi các lô “hàng” heroine và ketamine dạng tinh thể cũng lên tới hàng trăm kg. Trong khi đó, số người chết trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng chức năng Thailand và những kẻ buôn lậu xuyên biên giới tăng lên hàng chục người.
Đầu tháng 1/2023, lực lượng đặc nhiệm ở tỉnh Chiang Rai đã thu giữ 500.000 viên ma túy đá và tiêu diệt năm kẻ buôn lậu sau một cuộc đọ súng. Trước đó, lực lượng này đã chặn những kẻ buôn lậu vận chuyển hàng trăm kg ketamine sau khi các đối tượng vượt biên từ Myanmar vào tỉnh Chiang Mai. Sáu kẻ buôn ma túy bị tiêu diệt trong cuộc đụng độ đó.
Đêm 19/2/2023, sau khi phát hiện một nhóm người có hành vi khả nghi di chuyển quanh một bến tàu ở huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Thailand đã tiến hành đột kích và phát hiện một băng nhóm đang chở đầy ma túy đá trên một chiếc thuyền nhỏ. Lực lượng chức năng Thailand thu giữ được 32 bao tải lớn, chứa tới 6,4 triệu viên ma túy đá được vận chuyển từ Myanmar.
Quy mô của vụ bắt giữ ở Chiang Saen khiến Inshik Sim, điều phối viên của UNODC ở Bangkok đăng trên mạng xã hội X (Twitter) rằng: Khu vực này có thể là điểm buôn bán ma túy đá lớn nhất toàn cầu. Kể từ đó, trên trang cá nhân của mình, điều phối viên của LHQ liên tục đăng tải thông tin về các vụ bắt giữ ma túy quy mô lớn ở “Tam giác vàng” và các vùng lân cận: 6,5 triệu viên “thuốc ngựa” yaba chứa hỗn hợp methamphetamine và cafeine tại Mong Hsat thuộc bang Shan của Myanmar; 1,1 triệu viên ma túy “đá” ở tỉnh Nan phía bắc Thailand và 3,2 triệu viên ở tỉnh Bueng Kan; 800.000 viên meth và 30 kg meth tinh thể ở tỉnh Songkhla phía nam Thailand với nguồn gốc rõ ràng xuất phát từ “Tam giác vàng”.
Trong khi “ngành công nghiệp” sản xuất ma túy tổng hợp bùng nổ ở “Tam giác vàng” trong nhiều năm, LHQ cảnh báo tình trạng trồng cây thuốc phiện cũng gia tăng trở lại ở khu vực này kể từ tháng 2/2021, sau những bất ổn chính trị xảy ra ở Myanmar. Việc sản xuất thuốc phiện ngày càng tăng, phần lớn được chế biến thành heroine, góp phần khiến hoạt động buôn bán loại thuốc này trong khu vực thêm “sôi động” và ước tính giá trị có thể lên tới 10 tỷ USD.
Theo các chuyên gia chính sách, dù khoảng 1 tỷ viên ma túy đá đã bị thu giữ ở Đông Nam Á vào năm 2021, song việc kiểm soát sẽ không ngăn cản được các tập đoàn sản xuất ma túy lớn ngừng hoạt động ở “Tam giác vàng”. Đại diện UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương Jeremy Douglas cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, khi các lực lượng chức năng càng cố gắng ngăn chặn ma túy, thì mỗi năm số lượng chất cấm được sản xuất càng nhiều thêm, đặc biệt lượng ma túy tổng hợp dường như vô hạn.
Ông Douglas cho rằng, cách tiếp cận một chiều thông qua các cuộc truy quét tội phạm đã không mang lại nhiều hiệu quả như trước. Theo đại diện của UNODC, để đấu tranh với tội phạm ma túy, chính quyền các nước cần thay đổi chính sách hành động theo hướng toàn diện hơn, như ngăn chặn việc buôn bán hóa chất và các nguyên liệu cần thiết để sản xuất ma túy, giám sát hoạt động rửa tiền từ ma túy, ngăn chặn sự gia tăng nhu cầu sử dụng, đồng thời giải quyết các tác động của ma túy đến sức khỏe và xã hội.
(Còn nữa)