Thiết bị di động ảnh hưởng kết quả học tập
Bản báo cáo công bố cuối tháng 7 cho thấy, có “mối liên hệ tiêu cực” giữa việc sử dụng điện thoại di động không kiểm soát và kết quả học tập. The Guardian dẫn lời Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay cho biết: “Cuộc cách mạng kỹ thuật số nắm giữ tiềm năng to lớn, nhưng cũng như những cảnh báo trước đây, cần phải chú ý cách sử dụng những công nghệ này trong giáo dục”.
Một đề tài nghiên cứu về tâm lý giáo dục ở 14 quốc gia của UNESCO đã chỉ ra rằng, dù chỉ ở gần thiết bị di động cũng có thể khiến học sinh mất tập trung và có tác động tiêu cực đến việc học. “Việc sử dụng các thiết bị phải nhằm nâng cao trải nghiệm học tập và vì lợi ích của học sinh và giáo viên, chứ không phải gây bất lợi cho họ. Kết nối trực tuyến không thể thay thế cho sự tương tác của con người”, bà nói thêm. Theo kết quả nghiên cứu, UNESCO khuyến nghị các quốc gia xem xét áp dụng lệnh cấm đối với điện thoại thông minh trong lớp học.
Ông Manos Antoninis, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Chúng tôi đã tìm hiểu về những sai lầm trong quá khứ khi sử dụng công nghệ trong giáo dục để không lặp lại trong tương lai. Điều đó cho thấy cần dạy trẻ em kỹ năng sống cả khi có và không có công nghệ; lấy những thông tin phong phú mà trẻ nhỏ cần, nhưng bỏ qua những gì không cần thiết; để công nghệ hỗ trợ, nhưng không bao giờ thay thế sự tương tác của con người trong dạy và học”.
Một nghiên cứu độc lập năm 2015 của Trường Kinh tế London (Anh), việc cấm điện thoại di động tại trường học dẫn đến điểm kiểm tra cao hơn, trong đó những học sinh có thành tích thấp được hưởng lợi nhiều nhất. “Hạn chế sử dụng điện thoại di động có thể là một chính sách chi phí thấp để giảm bất bình đẳng trong giáo dục”, nghiên cứu cho biết. Theo CNBC, một nghiên cứu khác được Đại học Chicago (Mỹ) công bố cho thấy, sự hiện diện đơn thuần của điện thoại di động làm giảm khả năng nhận thức của con người. Các nhà giáo dục Tây Ban Nha cũng thực hiện điều tra cho biết, việc cấm điện thoại di động trong trường học đã giúp giảm các vụ bắt nạt. Kết quả tương tự được các nhà nghiên cứu ở Na Uy ghi nhận.
“Chữa nghiện” internet
Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều trường học ở các bang Ohio, Colorado, Maryland, Connecticut, Pennsylvania, Virginia và California đã cấm các thiết bị di động trong lớp học từ đầu năm nay. Một số trường ở Mỹ thậm chí đã áp dụng lệnh cấm điện thoại thông minh từ sớm hơn là năm 2020. Các trường học ở bang Tasmania của Australia đã ban hành lệnh cấm điện thoại di động vào năm 2020. Mặc dù Ấn Độ không có lệnh cấm chính thức đối với điện thoại thông minh trong trường học, nhưng chính quyền mỗi bang và ban giám hiệu trường học được phép đưa ra quyết định riêng về vấn đề này. Giới chức Anh đã ủng hộ việc cấm điện thoại di động trong trường học từ nhiều năm nay.
Trung Quốc đã tạm dừng việc sử dụng điện thoại di động trong trường học vào tháng 2/2021 để chấn chỉnh nạn “nghiện” game và internet, cũng như giúp học sinh tập trung vào việc học. Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) vào cuối tháng 7 vừa qua tiếp tục công bố dự thảo quy tắc yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị và cửa hàng ứng dụng cung cấp cho người dùng tùy chọn “chế độ hạn chế”, qua đó giúp các bậc phụ huynh ngăn trẻ nhỏ dán mắt vào các thiết bị điện tử. Theo SCMP, dự thảo hướng dẫn của CAC sẽ lấy ý kiến công chúng cho đến ngày 2/9. Theo đó, các nhà cung cấp thiết bị thông minh cần thiết lập chế độ trẻ em nhằm cấm người dùng dưới 18 tuổi truy cập internet trên thiết bị di động trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Đồng thời, ở “chế độ hạn chế”, điện thoại thông minh sẽ kiểm soát thời lượng sử dụng ở mức 40 phút mỗi ngày đối với trẻ em dưới 8 tuổi, một giờ mỗi ngày đối với trẻ từ 8 đến 15 tuổi và hai giờ mỗi ngày đối với trẻ 16 và 17 tuổi. Việc sử dụng thêm sẽ cần có sự can thiệp của cha mẹ.
Trong những năm gần đây, giới chức Trung Quốc lo ngại về tỷ lệ cận thị và nghiện internet ngày càng tăng trong giới trẻ. Vào năm 2019, trẻ vị thành niên bị hạn chế chơi game, chỉ được cho phép tối đa 90 phút mỗi ngày vào các ngày trong tuần và cấm chơi từ 10 giờ tối đến 8 giờ sáng ngày thứ 6, cuối tuần và ngày lễ. Các nhà chức trách cũng tạm ngừng phê duyệt trò chơi điện tử mới trong tám tháng. Đến năm 2021, các quy định chỉ cho phép trẻ vị thành niên chơi trò chơi trực tuyến từ 8 đến 9 giờ tối vào cuối tuần. Hàng loạt nền tảng mạng xã hội và game online của Trung Quốc đã được yêu cầu thiết lập hạn chế đối với những người chơi trò chơi điện tử dưới 18 tuổi thông qua “chế độ dành cho thanh, thiếu niên”. Chế độ đó tự động hạn chế người dùng tùy vào nội dung và thời lượng sử dụng. Ứng dụng Douyin (tên gọi mạng xã hội TikTok của Trung Quốc) cấm thanh, thiếu niên sử dụng ứng dụng này quá 40 phút.
Việc kiểm soát lượng thời gian trẻ em online được xem là biện pháp hữu hiệu chống bệnh nghiện internet. Nhiều bậc cha mẹ đã ủng hộ những hạn chế này. Các công ty truyền thông xã hội và trò chơi đã thiết lập hoặc tăng cường cài đặt “chế độ thanh, thiếu niên” trên các ứng dụng nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên. Chế độ cũng bao gồm các tính năng giới hạn sử dụng, kiểm soát khoản thanh toán và hiển thị nội dung phù hợp lứa tuổi. Đối với một số ứng dụng hoặc trò chơi online phổ biến, người dùng phải đăng ký tên thật và quét toàn bộ khuôn mặt trên cổng nhận dạng để ngăn chặn gian lận.
Tập trung vào trải nghiệm
Điện thoại thông minh đã trở thành một nhu cầu thiết yếu hằng ngày, nhờ nó người ta có thể thanh toán hoặc đặt chỗ, sử dụng mạng xã hội và trong giáo dục giúp tìm kiếm tài liệu làm việc và học tập. Tuy nhiên, rõ ràng là việc sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ em đang gia tăng trên toàn cầu. Ở các nước phát triển, nơi tiếp cận công nghệ phổ biến, trẻ em được tiếp xúc nhiều hơn với điện thoại thông minh ngay từ khi còn nhỏ. Điều này có thể dẫn đến những lo ngại về tác động đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo Statista, tổng số người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới dự kiến đạt hơn 525 triệu vào năm 2023. Sự tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục cho đến năm 2028. Ấn Độ được dự đoán sẽ có hơn một tỷ người dùng điện thoại thông minh trong năm nay. Trung bình, người Philippines dành 5 giờ 47 phút cho điện thoại di động, trong khi Nhật Bản dành ít nhất là 1 giờ 39 phút.
Trong 20 năm qua, tài liệu và sách vở trên giấy đã được thay thế bằng màn hình trong nhiều lớp học và học sinh có thể loại bỏ những cuốn bách khoa toàn thư nặng nề để truy cập Wikipedia - trang web tổng hợp kiến thức có 244 triệu lượt xem mỗi ngày vào năm 2021. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ trong lớp học, buộc hàng triệu học sinh, sinh viên trên toàn thế giới phải chuyển sang học trực tuyến. Theo UNESCO, khoảng 50% trường trung học cơ sở trên thế giới được kết nối internet cho mục đích sư phạm vào năm 2022.
Trong khi một số thay đổi có thể được chấp nhận, UNESCO cho rằng cần thảo luận nghiêm túc về mong muốn công nghệ chiếm bao nhiêu không gian trong lớp học. Báo cáo của cơ quan này nêu rõ: “Việc chú ý quá nhiều vào công nghệ trong giáo dục thường phải trả giá đắt” và khẳng định “thay vì dựa vào công nghệ để giáo dục trẻ em, giáo dục nên tiếp tục tập trung vào sự tương tác của con người.