Chính sách thu hút lao động nhập cư của các nước

Nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong việc giữ chân lao động nước ngoài, vốn đã trở thành một lực lượng không thể thiếu trong nhiều ngành kinh tế. Tăng hạn ngạch nhập cư, nới lỏng các hạn chế về thị thực đang là biện pháp nhiều nước tiến hành để thu hút thêm lao động có tay nghề cao từ nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Hàn Quốc đang thiếu lao động trong nhiều ngành nghề. Ảnh: NIKKEI ASIA
Hàn Quốc đang thiếu lao động trong nhiều ngành nghề. Ảnh: NIKKEI ASIA

Thực trạng thiếu lao động nghiêm trọng

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, có tới hơn 33% người trong độ tuổi 70-74 vẫn tham gia lực lượng lao động, đứng đầu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tỷ lệ làm việc ở nhóm tuổi này và cao hơn nhiều so mức trung bình 15,2% của các nước thuộc OECD. Lượng lớn người cao tuổi tham gia lao động, song cũng chưa đủ để giảm bớt tình trạng thiếu nhân công trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Lao động nhập cư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thị trường việc làm tại Hàn Quốc. Dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, kể từ đầu năm 2020, lượng lao động nước ngoài mới nhập cư hằng tháng ở nước này vào khoảng 35% mức của năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Nhật Bản cũng gặp vấn đề tương tự, với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt khiến lao động nhập cư không được tiếp cận việc làm, do đó các vị trí tuyển dụng phụ thuộc vào những người lao động cao tuổi trong nước.

Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết, năm ngành gồm nông nghiệp, sản xuất cơ bản, lương thực, vận tải và đóng tàu đang đối mặt tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhất. Các ngành này vốn dựa vào lao động nhập cư và tình trạng thiếu hụt nói trên xảy ra khi các biện pháp kiểm soát biên giới ảnh hưởng các dòng lao động nhập cư. Tính đến tháng 6 vừa qua, ngành công nghiệp đóng tàu đang thiếu 4.800 lao động, ngành sản xuất cơ bản cần thêm 27.000 lao động, ngành lương thực thiếu 14.200 lao động, trong khi các công ty xe bus và taxi cần 2.300 lao động.

Bộ trưởng Nhập cư Australia Andrew Giles cảnh báo, Australia có nguy cơ bị mất nguồn lao động nhập cư có tay nghề cao sang các quốc gia khác, nếu không cải thiện chương trình thu hút lao động nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động. Bộ trưởng Giles nhấn mạnh, Australia cần thiết lập các chính sách hấp dẫn hơn để có thể đi đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu về nhân tài.

Dữ liệu việc làm trong tháng 7/2022 do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Australia ở mức thấp kỷ lục 3,5%, với 480.100 vị trí việc làm được tuyển dụng, tăng 111,1% kể từ tháng 2/2022. ABS phân tích, tỷ lệ thất nghiệp của Australia giảm mạnh trong tháng 7 nhờ số người có việc làm mới tăng cao, trong khi số người thất nghiệp giảm đáng kể. Dòng chảy này phản ánh nhu cầu tuyển dụng và giữ chân người lao động cao, trong khi tình trạng thiếu hụt lao động đang ngày một trầm trọng hơn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng người nhập cư vào Australia trong ba năm gần đây liên tục giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trên diện rộng, từ nông nghiệp, ngành hàng sản xuất, công nghệ cao, cho tới các lĩnh vực dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, bán hàng…

Năm 2020, Đức đã thông qua một đạo luật, nhằm khuyến khích khoảng 400.000 lao động nước ngoài mà Đức cần mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu chỉ thu hút được 30.000 lao động. Kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội Các phòng công nghiệp và thương mại Đức tiến hành cho thấy khoảng 56% số công ty ở Đức đang thiếu nhân sự. Đây được xem là một trong những rủi ro lớn nhất mà các công ty phải đối mặt. Cơ quan Việc làm liên bang của Đức cũng ghi nhận có tới gần 150 ngành đang trong tình trạng tắc nghẽn do thiếu nhân lực, trong khi hơn 120 ngành khác có nguy cơ cao. Tính trên toàn nước Đức, hiện có hơn 1,7 triệu việc làm đang để ngỏ.

Thiết lập lại chương trình nhập cư

Bộ trưởng Nhập cư Andrew Giles nhấn mạnh sau đại dịch, Australia đang có cơ hội thiết lập lại chương trình nhập cư kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, một nền tảng cơ bản cho việc phát triển đất nước. Ngoài ra, Australia cần chú ý tạo điều kiện tốt hơn cho những người lao động nước ngoài đang làm việc ở Australia để họ có thể làm các công việc phù hợp hơn, bao gồm việc công nhận các bằng cấp và đào tạo trước đây.

Tuy nhiên, trước sức ép của một số chính quyền địa phương và doanh nghiệp yêu cầu chính phủ nhanh chóng tạo điều kiện cho người lao động nhập cư tới làm việc, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định, lao động nhập cư chỉ là một phần của giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động kỹ năng hiện nay. Chính phủ Australia sẽ tập trung đầu tư cho lĩnh vực dạy và đào tạo nghề, bao gồm cung cấp 465.000 suất học nghề miễn phí cho người lao động Australia có nhu cầu, đồng thời nâng cấp hạ tầng thiết yếu cho các hoạt động này.

Trong khi đó, Bộ Nhập cư New Zealand cho biết, quốc gia này sẽ tạm thời điều chỉnh một số quy định về nhập cư nhằm thu hút thêm 12.000 lao động trong năm 2023 để lấp lỗ hổng thiếu hụt lao động trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn trong tìm nhân viên. Các quy định được điều chỉnh bao gồm cơ chế làm việc kết hợp du lịch; nới lỏng các quy định về tiền lương đối với những người nhập cư có tay nghề cao trong các lĩnh vực như chăm sóc người cao tuổi, xây dựng, chế biến thịt, hải sản và du lịch mạo hiểm. Ngoài ra, thị thực của một số lao động theo diện chương trình thị thực làm việc kết hợp du lịch sẽ được gia hạn sáu tháng nhằm giữ chân các lao động hiện nay.

Chính phủ Hàn Quốc mới đây thông báo về kế hoạch thu hút người nước ngoài có tay nghề cao đến định cư ở các vùng nông thôn, vốn đang gặp khó khăn do tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo một loại thị thực mới với tên gọi Thị thực dành riêng cho khu vực, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 tới, dành cho những công dân nước ngoài muốn sinh sống và làm việc tại các vùng nông thôn do Chính phủ Hàn Quốc chỉ định. Theo chính sách thị thực mới, những người lao động nước ngoài có tay nghề cao, đáp ứng các tiêu chí nhất định sẽ được cấp thị thực cư trú (F-2) nếu làm việc trong các ngành do chính quyền địa phương của Hàn Quốc chỉ định. Bên cạnh đó, sau khi được cấp thị thực, công dân nước ngoài phải có thời gian sinh sống trong khu vực đăng ký ít nhất 5 năm. Trong thời gian này, họ được phép mời vợ, chồng và con ở tuổi vị thành niên đến Hàn Quốc sinh sống.

Hiện, các hệ thống thị thực tương tự đã được chính phủ một số nước trên thế giới áp dụng như Thị thực khu vực làm việc có tay nghề cao ở Australia và Chương trình nhập cư Đại Tây Dương của Canada... Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch bồi dưỡng các chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông nước ngoài bằng cách đẩy nhanh thủ tục để họ trở thành công dân Hàn Quốc, hoặc cấp thị thực cư trú dài hạn cho sinh viên quốc tế học sau đại học về khoa học và công nghệ tại đây.

Trong khi đó, Chính phủ Đức thúc đẩy kế hoạch cải cách Luật Nhập cư nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao. Đức xem xét nới lỏng quy định để các sinh viên mới tốt nghiệp đại học có thể làm việc hợp pháp tại Đức với Thẻ xanh, cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Đạo luật Nhập cư cho người có chuyên môn cao có hiệu lực từ cách đây hai năm. Bộ Lao động và Bộ Nội vụ Đức sẽ cho phép những người có kinh nghiệm nghề nghiệp và hợp đồng lao động được tới Đức làm việc, cho dù trình độ chuyên môn của họ chưa được công nhận ở mức hoàn toàn tương đương.

Về phần mình, Chính phủ Tây Ban Nha nới lỏng Luật Nhập cư để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) làm việc tại nước này nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực như du lịch và nông nghiệp. Theo cải cách trên, người nước ngoài từ bên ngoài EU đã sống ở Tây Ban Nha từ hai năm trở lên có thể xin giấy tạm trú. Bên cạnh đó, luật này cũng sẽ cho phép sinh viên quốc tế làm việc nhiều nhất 30 giờ/tuần trong khi học và bắt đầu làm việc tại Tây Ban Nha cho đến khi kết thúc chương trình học.