Cấp bách phòng, chống cháy, nổ

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng tình trạng cháy ở Hà Nội vẫn xảy ra và chưa có dấu hiệu được loại bỏ. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả này, ngoài việc chủ quan, sơ xuất, bất cẩn, thậm chí vi phạm của một bộ phận người dân? 

Hiện trường vụ cháy xảy ra trên phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: VOV.VN
Hiện trường vụ cháy xảy ra trên phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: VOV.VN

Liên tiếp sự cố

Sáng 25/4, một xưởng may rộng 300 m2 ở xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bất ngờ cháy lớn khiến con trai chủ xưởng tử vong. Trưa 26/4, cửa hàng ba tầng chuyên bán đồ điện tử ở quận Hoàng Mai xảy ra hỏa hoạn, rất may bốn người bị mắc kẹt trên tầng hai căn nhà đã được giải cứu an toàn. Ngày 27/4, hàng loạt ki-ốt trên phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) bốc cháy ngùn ngụt khiến nhiều tài sản bị hủy hoại. Ngày 1/5, xảy ra vụ cháy tại xưởng sản xuất gỗ dán Công ty TNHH Hải Nam tại thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Sáng 2/5, tiếp tục một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra đã thiêu rụi toàn bộ bốn cửa hàng kinh doanh chăn ga, gối đệm ở huyện Thường Tín. Trước đó, ngày 21/4, vụ cháy gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa đã khiến bảy người trong cùng một gia đình thương vong. Như vậy, chỉ trong 10 ngày, tại Hà Nội đã có gần chục vụ cháy lớn, nhỏ xảy ra.

Đặc điểm chung của những vụ hỏa hoạn trong thời gian vừa qua là cháy trong khu dân cư, tại những căn hộ dạng nhà ống liền kề, san sát chỉ có một lối thoát nạn duy nhất hoặc là nhà nằm sâu trong ngõ hẻm, lực lượng cứu hộ cứu nạn rất khó tiếp cận. Thực tế, không phải người dân không lường trước hậu quả nghiêm trọng nếu có cháy, nổ. Thế nhưng, đâu là nguyên nhân để tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn? 

Có thể thấy, xảy ra cháy nổ là do một phần người dân còn chủ quan, thiếu ý thức. Và dù biết có thể để lại hậu quả nặng nề, song bản thân nhiều người lại chưa thật sự quan tâm tới mặt hàng kinh doanh của mình có tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ hay không để có biện pháp phòng, chống kịp thời. Hoặc dù họ có biết nguy hiểm, thậm chí không được phép kinh doanh tại khu dân cư nhưng vẫn lén lút… làm liều. Thí dụ, như tại vụ cháy ngày 1/5, dù có quyết định đình chỉ đối với khu vực kho, xưởng sản xuất thuộc Công ty TNHH Hải Nam từ ngày 8/10/2021, nhưng công ty này vẫn lén lút hoạt động để rồi xảy ra sự cố đáng tiếc.

Hãy phòng hơn là chữa cháy

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, bên cạnh sự xuất hiện nhiều chung cư hiện đại thì vẫn còn tồn tại những dãy nhà, khu tập thể cũ, kho xưởng nằm trong ngõ sâu, nhỏ hẹp, cách xa nguồn nước, đường đi lại khó khăn. Tại Hà Nội, phần lớn nhà dân có kiến trúc dạng nhà ống, tầng một chỉ có lối ra-vào duy nhất là cửa chính. Nhiều hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, song không bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn như lối ra thoát nạn; ngăn cháy lan; bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa, trang bị phương tiện chữa cháy… còn hạn chế. Việc mở đường thoát hiểm trên ban công, trên tầng tum không phải khó, nhưng có những gia đình đã rào lại bằng khung sắt để bảo đảm an ninh. Có những gia đình làm cửa thoát hiểm nhưng không thường xuyên kiểm tra an toàn, chìa khóa để đâu cũng không nhớ, nếu chẳng may hỏa hoạn, liệu có đủ bình tĩnh và thời gian để đi tìm chìa khóa?... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy nổ thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức người dân về phòng cháy còn hạn chế, chưa có nhiều giải pháp về thiết kế, phương tiện để đề phòng hỏa hoạn bất ngờ xảy ra. 

Ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên, quận Đống Đa cho biết, hiện nay, nhiều hộ dân đã tự ý cơi nới, rào chắn chung quanh nhà với lý do để bảo đảm an ninh, tránh trộm cắp. Chính quyền địa phương cũng đã vận động tuyên truyền người dân dỡ bỏ, tạo các lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn xảy ra. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành và có biện pháp xử lý nếu vẫn cố ý vi phạm.

Thời điểm này, cả nước đang chuẩn bị bước vào những ngày nắng nóng cao điểm, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu bất cứ lúc nào. Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) thường xuyên đưa ra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cần thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ mùa nắng nóng. Do đó, mỗi người dân cần tích cực, chủ động phòng cháy tốt, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời và có hiệu quả. Nếu có điều kiện, các gia đình nên lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm như đầu báo cháy, báo khói, báo rò rỉ gas. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. 

Luật Phòng cháy, chữa cháy được Quốc hội sửa đổi, bổ sung lần gần đây nhất vào ngày 24/11/2020 quy định rõ: Đối với “nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình” thì phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bao gồm phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông và nguồn nước. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế hầu như còn bỏ ngỏ, ít nhận được sự quan tâm đúng mức.