Cảnh báo từ EU

Ngày 29/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức kiện Malta lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) với cáo buộc chương trình “hộ chiếu vàng” của nước này vi phạm luật của Liên hiệp châu Âu (EU). Dù vậy, phía Malta phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc.
0:00 / 0:00
0:00
"Hộ chiếu vàng" của Malta bị EU cáo buộc vi phạm luật pháp của khối. Ảnh: THE GUARDIAN
"Hộ chiếu vàng" của Malta bị EU cáo buộc vi phạm luật pháp của khối. Ảnh: THE GUARDIAN

Theo hãng tin Bloomberg, Malta sẽ đối mặt vụ kiện liên quan “Chương trình quốc tịch cho nhà đầu tư”, thường được gọi là “hộ chiếu vàng” của đảo quốc này. Phát biểu ý kiến với giới truyền thông, ông Didier Reynders, Ủy viên phụ trách tư pháp của EU cho biết: “Malta đã vi phạm luật của EU khi cấp quyền công dân khối này cho các khách hàng để đổi lại các khoản thanh toán hoặc đầu tư được xác định trước, trong khi trên thực tế, người được cấp quyền công dân không có bất kỳ liên kết thật sự nào với quốc gia thành viên liên quan”. Ông Reynders cũng nhấn mạnh rằng: “Các giá trị của EU không phải để bán”.

Trong khi đó, Malta đã “bác bỏ mạnh mẽ cách giải thích mà EC đưa ra”, cho rằng chương trình “hộ chiếu vàng” không vi phạm các nguyên tắc về hợp tác thân thiện được quy định trong Hiệp ước Maastricht (văn kiện đặt nền móng cho sự ra đời của EU). Người phát ngôn Bộ Nội vụ Malta cho biết: “Chương trình dựa trên các quy trình thẩm định mạnh mẽ nhằm giải quyết các rủi ro liên quan rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đồng thời, quy trình này bảo đảm chỉ những cá nhân xứng đáng mới có quốc tịch Malta”. Malta cũng khẳng định, đang hợp tác với EC “một cách xây dựng và thiện chí”.

Dù vậy, trong một tuyên bố, EC tiết lộ mặc cho sự phản đối của khối, trong những tháng gần đây, Malta chỉ ngừng chương trình cấp “hộ chiếu vàng” cho công dân các nước Nga và Belarus, song tiếp tục thực hiện chương trình này với công dân các nước khác và chưa có ý định chấm dứt. EC cho biết, nếu thua kiện tại ECJ, Malta phải tuân thủ phán quyết của tòa án hoặc chịu phạt nặng.

Theo Le Monde, kể từ năm 2013, Malta đã triển khai chương trình “hộ chiếu vàng”. Theo đó, những người nước ngoài giàu có muốn trở thành công dân Malta chỉ cần đầu tư khoảng một triệu euro (khoảng 970.000 USD) vào nước này, bao gồm thuê hoặc mua bất động sản với giá trị và khung thời gian nhất định, thể hiện mối liên kết với Malta. Họ cũng phải vượt qua các quy trình thẩm định để bảo đảm rằng họ có uy tín và tư cách tốt. Chương trình này đã thu hút rất đông người trong giới thượng lưu trên thế giới, chủ yếu là người Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia… Bởi, sở hữu hộ chiếu của Malta đồng nghĩa là những người này và gia đình của họ được phép sống và làm việc tại bất kỳ nước nào trong EU mà không cần thị thực. Theo chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley Passport Index, hộ chiếu của Malta có đặc quyền được miễn thị thực nhập cảnh tới 182 điểm đến. Kể từ năm 2013, Malta đã thu được 1,1 tỷ euro (1,08 tỷ USD) từ chương trình “hộ chiếu vàng”.

Tuy nhiên, nhiều cuộc điều tra đã phát hiện các vấn đề tiêu cực trong quá trình này. Cụ thể, giới chức EU phát hiện nhiều người nộp đơn xin cấp hộ chiếu Malta chỉ đơn giản là thuê nhà để xe nhằm đáp ứng nhu cầu, trong khi không thực sự sống ở Malta. Một số người khác không có liên kết hoặc xác định Malta là quê hương đã công khai ý định sử dụng nước này như một bàn đạp để tiếp cận các quốc gia EU khác. Trong khi đó, Chính phủ Malta đã không minh bạch về việc ai được cấp quyền công dân thông qua kế hoạch của họ. Nhiều kết quả điều tra cho thấy, quyền công dân Malta đã được trao cho nhiều người liên quan gian lận, rửa tiền và trốn thuế cũng như các tội phạm tài chính khác nhau.

Malta không phải quốc gia duy nhất áp dụng chương trình “hộ chiếu vàng”. Trước đó, CH Cyprus và Bulgaria cũng là hai quốc gia triển khai việc cấp hộ chiếu này. Dù vậy, cả hai đã ngừng chương trình này khi bị EU “tuýt còi” sau hàng loạt những bê bối. Giới phân tích cũng đánh giá, chương trình nói trên dù thu hút được cả nhà đầu tư song cũng tạo ra những nguy cơ tiềm tàng về trốn thuế, rửa tiền và nghiêm trọng hơn là mất an ninh trong khu vực.