1/Trong tháng 3, VinGroup đã có nhiều động thái để thúc đẩy phát triển xe điện ra thị trường. Đầu tiên là thành lập Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Sau khi thành lập, GSM tuyên bố sẽ cách mạng thị trường taxi khi sử dụng các xe điện của VinFast để triển khai taxi mang thương hiệu Taxi xanh SM.
Kế đến là việc GSM công bố mức giá cho thuê xe điện tự lái, sau đó là tuyển dụng tài xế taxi điện. Đáng chú ý, các lái xe này sẽ được đãi ngộ tốt hơn với các hãng taxi truyền thống và còn được đào tạo thêm nghiệp vụ.
Một thông tin đáng chú ý khác, đó là mức giá của taxi điện VinFast cũng được hé lộ, với giá mở cửa 1km đầu tiên là 20.000 đồng/km. Từ km tiếp theo đến km thứ 25, giá cước là 15.500 đồng/km. Và từ km thứ 26 trở đi, giá cước còn 12.500 đồng/km. Mức giá này không có sự chênh lệch nhiều so các hãng truyền thống, nhưng theo lãnh đạo của GSM, các xe taxi của hãng sẽ có dịch vụ tốt hơn vì xe điện không ồn, không mùi xăng.
Đặc biệt, để đẩy nhanh xe điện ra thị trường, GSM cũng đã liên tục ký kết với hai đơn vị vận tải có quy mô là Be Group và Ahamove. Theo đó, với Be, một trong những nội dung quan trọng là GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện.
Trong giai đoạn đầu, Be Group và GSM sẽ phối hợp Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho lái xe Be Group để thuê hoặc mua ô-tô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hợp lý.
Thông qua hợp tác này, GSM hy vọng ô-tô điện và xe máy điện sẽ giúp các lái xe nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hiệu quả kinh doanh. Loại phương tiện này có chi phí vận hành tiết kiệm và trải nghiệm không tiếng ồn, không khói xăng.
Còn với Ahamove, Công ty cổ phần Dịch vụ Tức thời Ahamove đã chính thức nhận bàn giao 200 chiếc xe máy điện VinFast Feliz S để đưa vào vận hành dịch vụ cho thuê xe điện (EV Rental) trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Như vậy, kể từ ngày 1/4, khách du lịch đến Đà Nẵng có thể dễ dàng đặt thuê xe máy điện VinFast thông qua website của công ty hoặc ứng dụng Ahamove. Bên cạnh 200 xe đã mua từ VinFast, Ahamove đang xúc tiến hợp đồng thuê 1.000 xe máy điện từ Công ty GSM để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Những bước đi này của GSM, dưới góc nhìn của doanh nghiệp cho thấy, GSM đang tiến vào một “cuộc chiến” tranh giành thị phần trong thị trường taxi đang khá chật chội, nhưng góc nhìn khác, những nỗ lực này của GSM đang thúc đẩy quá trình điện hóa thị trường taxi.
2/Vào năm 2021, VinFast đã thành lập Công ty VinBus để vận hành các tuyến bus điện. Đến nay, VinBus đã có 14 tuyến bus điện tại Hà Nội, chạy cả trong nội khu các dự án Vinhomes và cả các tuyến ngoài nội khu.
Đáng chú ý hơn, các tuyến bus điện của VinFast nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe bus năm 2022 do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội công bố, xe bus VinFast được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, trên cả nước, mới chỉ Hà Nội được phép thí điểm dịch vụ xe bus điện. Tại TP Hồ Chí Minh, xe bus điện chỉ mới mở hai tuyến hoạt động trong nội khu đô thị Vinhomes.
Nguyên nhân của tình trạng này, là đang thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá tính hiệu quả của bus điện, từ đó chưa có cơ sở để tính toán bài toán trợ giá đối với xe bus điện. Tại TP Hồ Chí Minh, trợ giá của xe bus điện thí điểm được áp dụng tương đương với xe bus sử dụng khí CNG.
Những khó khăn này, lại đi ngược chủ trương “xanh” hóa đô thị mà Chính phủ đề ra. Cụ thể, Quyết định 876 về Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải đã đề ra những mục tiêu rõ ràng về tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh trong các giai đoạn. Thí dụ như đến năm 2025, tỷ lệ xe bus điện tại Hà Nội đạt từ 45-50%, đến năm 2030 là 100%. Tương tự, tỷ lệ tại TP Hồ Chí Minh lần lượt là 25% và đến 2030 là 100%...
Sự chậm trễ trong ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đến cơ chế trợ giá, khiến việc mở rộng của doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Doanh nghiệp hoạt động luôn phải đạt tiêu chí lợi nhuận, bảo đảm dòng tiền duy trì doanh nghiệp. Do đó, khi thiếu các cơ chế trợ giá, kẹp trong sự giảm sút của lượng hành khách theo hằng năm, doanh nghiệp rất khó để tính toán bài toán vận hành cho bus điện. Hiện, mới chỉ có VinBus với lợi thế là sử dụng các xe bus “của nhà trồng được” mới đưa vào vận hành thử nghiệm. Và những gì diễn ra với VinBus đang tái diễn với thị trường taxi điện khi chỉ mỗi GSM triển khai taxi điện.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nếu thành phố không gỡ “quy định” dừng gia tăng, cấp phép cho xe taxi thì việc đưa xe taxi điện vào hoạt động chỉ có thể thực hiện với các xe thay hoặc xe hết niên hạn sử dụng, với DN thành lập mới để hoạt động chở khách bằng xe ô-tô điện theo hình thức taxi là không thể được.
Để taxi điện hoạt động được ngoài đầu tư phương tiện còn phải cần đến hệ thống hạ tầng với rất nhiều chi phí, trong đó có các trạm sạc và mặt bằng xây trạm sạc. Những khó khăn này kèm theo giá cả của xe điện sẽ khiến thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp kéo dài, khó khăn. Đó là chưa kể, taxi là loại hình vận tải có điều kiện. Một trong đó là giới hạn số lượng xe trên địa bàn. Có nghĩa, nếu cơ quan quản lý không “nới” số lượng xe, thì GSM rất khó có thể đưa xe điện vào vận hành.