Cách thức xử lý khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ

Các cơ quan quản lý của Mỹ đã và đang có những hành động mạnh mẽ để xử lý những ngân hàng đang gặp khủng hoảng, đặc biệt là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 3/2022, lên mức 5 - 5,25%, cao nhất kể từ năm 2008.
0:00 / 0:00
0:00
Những ngân hàng gặp khủng hoảng sẽ được các cơ quan tài chính Mỹ tiếp nhận. Ảnh: AP
Những ngân hàng gặp khủng hoảng sẽ được các cơ quan tài chính Mỹ tiếp nhận. Ảnh: AP

Thành lập những ngân hàng “bắc cầu”

Chỉ trong vòng hai tháng kể từ ngày 8/3/2023, liên tiếp bốn ngân hàng quy mô vừa và nhỏ của Mỹ phá sản. Bắt đầu từ Silicon Valley Bank (SVB) đến SignatureBank (SB), Silvergate Bank (Silvergate) và sau cùng là First Republic Bank (FRB) được đặt dưới sự tiếp quản của Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) vào ngày 28/4/2023.

Silvergate là ngân hàng lớn thứ 121 nước Mỹ, hoạt động tập trung vào các giải pháp và dịch vụ cơ sở hạ tầng tài chính cho ngành công nghiệp kỹ thuật số. Theo The Wall Street Journal, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Silvergate là 11,4 tỷ USD. Sự đổ vỡ của Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX, một khách hàng quan trọng, đã khiến Silvergate Bank mất khoảng tám tỷ USD tiền gửi trong năm 2022. Để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng, Silvergate đã phải bán đi 5,2 tỷ USD chứng khoán, ngoài ra còn vay của Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang thêm 4,3 tỷ USD. Điều này dẫn tới cuối năm 2022, Silvergate ghi nhận một khoản lỗ lũy kế là 755 triệu USD.

Đến ngày 8/3/2023, Silvergate Capital Corporation - công ty mẹ của Silvergate - đã đưa ra thông cáo ngừng hoạt động và tự nguyện thanh lý tài sản ngân hàng để chi trả cho các nhà đầu tư, cổ đông phù hợp các quy trình pháp quy hiện hành. Các cổ đông và các nhà đầu tư chủ chốt của Silvergate đã chấp thuận phương án này nên những cơ quan quản lý tài chính và ngân hàng Mỹ, bao gồm cả FDIC, đã không can thiệp vào việc chấm dứt hoạt động tự nguyện của Silvergate.

Giải pháp thành lập ngân hàng “bắc cầu” được áp dụng để xử lý đối với việc phá sản của SVB - ngân hàng lớn thứ 18 nước Mỹ với tổng tài sản cuối năm 2022 là 211 tỷ USD và SB - ngân hàng lớn thứ 29 nước Mỹ với tổng tài sản 110 tỷ USD. Cấu trúc được thiết kế để “bắc cầu” khoảng cách giữa sự sụp đổ của một ngân hàng cho đến thời điểm FDIC có thể ổn định hoạt động của ngân hàng đó và có thể triển khai các giải pháp phù hợp.

Đối với SVB, Cục Bảo vệ và đổi mới tài chính California đã giao FDIC quản lý tài sản SVB vào ngày 10/3. Để bảo vệ người gửi tiền được bảo hiểm, FDIC đã thành lập một ngân hàng “bắc cầu” là Ngân hàng bảo hiểm tiền gửi quốc gia Santa Clara (DINB). Sau một ngày, FDIC lập tức chuyển giao cho DINB tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của SVB với mức cao nhất là 250.000 USD. Các khoản tiền gửi vượt quá 250.000 USD sẽ không được bảo hiểm. Những khoản tiền trong phạm vi bảo hiểm được chi trả cho khách hàng từ ngày 13/3. Đối với phần tiền gửi không được bảo hiểm, người gửi tiền sẽ nhận được chứng chỉ tiếp nhận tiền gửi.

Khi FDIC bán tài sản của SVB, FDIC sẽ thanh toán thêm cho người gửi tiền không được bảo hiểm. DINB cũng sẽ duy trì hoạt động bình thường của SVB từ ngày 13/3, bao gồm cả dịch vụ ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ khác. FDIC với tư cách là cơ quan tiếp nhận sẽ giữ lại các tài sản từ SVB để xử lý sau này. Khách hàng vay phải tiếp tục thực hiện thanh toán như bình thường. Việc nhanh chóng xử lý chỉ trong ba ngày thông qua việc thành lập ngân hàng “bắc cầu” đã giảm sự xáo trộn trên thị trường tài chính.

Đối với SB, Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York đã chỉ định FDIC là đơn vị tiếp nhận. FDIC đã thành lập ngân hàng “bắc cầu” Signature Bridge, tiếp nhận toàn bộ các khoản tiền gửi và tài sản của SB. Các hoạt động ngân hàng được tiếp tục từ ngày 13/3. Người gửi tiền và người vay tự động trở thành khách hàng của Signature Bridge và tiếp tục được cung cấp dịch vụ, không bị gián đoạn. Cách thức xử lý đối với SB cũng tương tự SVB, với vai trò của FDIC và Quỹ Bảo hiểm tiền gửi (DIF). Các quản lý cấp cao của ngân hàng cũ bị cách chức. FDIC đã bổ nhiệm ông Greg D.Carmichael, một chuyên gia tài chính ngân hàng, làm Giám đốc điều hành của ngân hàng “bắc cầu” Signature Bridge.

Các giải pháp hỗ trợ

Giải pháp này được áp dụng đối với FRB, ngân hàng lớn thứ 14 nước Mỹ, có tổng tài sản tính đến cuối tháng 3 là 233 tỷ USD. FRB là một thành phần của Chỉ số S&P 500 và Chỉ số ngân hàng Nasdaq KBW. Khủng hoảng tại FRB bắt đầu xảy ra từ ngày 12/3, sau sự sụp đổ của ngân hàng SVB. Lo ngại những tác động dây chuyền, FRB đã phải trấn an các nhà đầu tư bằng các khoản vay bổ sung từ FED, Ngân hàng JPMorgan và Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang, với thanh khoản sẵn có, tổng cộng là 70 tỷ USD.

Ngày 16/3, 11 ngân hàng tư nhân lớn của Mỹ cho biết, dùng 30 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản cho FRB. Thế nhưng, khách hàng vẫn tiếp tục rút tiền khỏi FRB bất chấp những nỗ lực giải cứu. Tính đến ngày 24/4, khách hàng đã rút ròng ra khỏi ngân hàng tổng cộng hơn 100 tỷ USD. Đến ngày 1/5, FDIC đã đặt FRB dưới quyền kiểm soát và tiến hành bán đấu giá công khai đối với ngân hàng này.

JPMorgan, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, đã mua lại và tiếp quản FRB, bao gồm việc tiếp nhận 92 tỷ USD tiền gửi, danh mục cho vay trị giá 173 tỷ USD và danh mục đầu tư 30 tỷ USD, đồng thời trả cho FDIC khoản tiền mà FRB đã vay trị giá 10,6 tỷ USD. FDIC cũng cho biết, sau khi được mua lại, 84 văn phòng giao dịch của FRB sẽ mở cửa trở lại với danh nghĩa là chi nhánh của JPMorgan. Tất cả khách hàng hiện tại của FRB mặc nhiên trở thành khách hàng của JPMorgan.

Theo CNBC, ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành của JPMorgan cho rằng, việc mua lại ngân hàng mang lại lợi ích cho cổ đông, thúc đẩy chiến lược phát triển của ngân hàng. Còn theo các nhà lập pháp đứng đầu các Ủy ban ngân hàng chủ chốt của Quốc hội Mỹ, việc tiếp quản FRB và bán cho JPMorgan là một thí dụ về sự hợp tác công - tư thành công để bảo vệ hệ thống tài chính của Mỹ.

Để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính, Chính phủ Mỹ đã đưa ra chương trình cho vay dành cho các ngân hàng (BTFP). Theo đó, FED sẽ cung cấp các khoản vay kỳ hạn một năm với lãi suất phù hợp cho các ngân hàng. Các ngân hàng có thể sử dụng những loại chứng khoán đủ điều kiện như trái phiếu chính phủ và nợ bảo đảm bằng thế chấp để bảo vệ cho các khoản vay này. Theo ông Ryan Swift, chuyên gia của Công ty nghiên cứu BCA Research ở Montreal (Canada), với BTFP, các ngân hàng sẽ không phải bán lỗ danh mục trái phiếu của mình kể cả khi họ đang chịu áp lực về thanh khoản. Thay vào đó, các ngân hàng có thể vay tiền từ FED. Như vậy, BTFP vừa giúp FED có thể tiếp tục tăng lãi suất để theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, vừa giúp các ngân hàng không phải chịu lỗ khi bán các trái phiếu của mình để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, FED, FDIC và Văn phòng Kiểm soát tiền tệ Mỹ (OCC) cũng ủng hộ các ngân hàng lớn của Mỹ hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng gặp khủng hoảng thông qua các khoản tiền gửi hoặc tiền vay liên ngân hàng, thể hiện sự gắn kết và ổn định của hệ thống tài chính Mỹ.

FDIC, đơn vị đã hỗ trợ hàng chục tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng đổ vỡ, đã công bố các giải pháp khác nhau để cải cách bảo hiểm tiền gửi, trong đó có đề xuất cho phép giới hạn cao hơn hoặc bảo hiểm không giới hạn cho các tài khoản của doanh nghiệp. Đồng thời, FED đã xây dựng kế hoạch chấn chỉnh cách thức quản lý đối với các ngân hàng có quy mô trung bình tương tự các ngân hàng đã phá sản.

Một nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học đến từ các trường đại học hàng đầu nước Mỹ mới đây cảnh báo, các ngân hàng vừa và nhỏ sẽ dễ bị tổn thương trước làn sóng rút tiền ồ ạt của những người rút tiền gửi không được bảo hiểm. Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 100 ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Mặc dù vậy, Giám đốc điều hành JPMorgan, Jamie Dimon cho rằng, tình trạng “chảy máu” trong các ngân hàng đã được ngăn chặn. “Có thể sẽ có những sự cố nhỏ khác, nhưng điều này gần như có thể được giải quyết triệt để”. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng: “Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn lành mạnh và linh hoạt. Người Mỹ nên cảm thấy tin tưởng vào sự an toàn của tiền gửi”.