Buồn lo ở “thủ phủ” đào, quất Hà Nội

Ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô cũng đã sắp cận kề, việc hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão cho các làng nghề hoa mang tính biểu tượng của Hà Nội như Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên đang là việc cần làm ngay.
Chủ một vườn đào tại phường Nhật Tân gom đốt các cây đào chết do lũ trên mảnh vườn của mình.
Chủ một vườn đào tại phường Nhật Tân gom đốt các cây đào chết do lũ trên mảnh vườn của mình.

Nỗi buồn trắng tay

Mưa, lũ từ hoàn lưu bão số 3 khiến nước sông Hồng lên cao trên báo động 2 đã gây ngập trắng vùng trồng đào, quất và hoa màu phía ngoài đê và bãi giữa của các phường Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên thuộc quân Tây Hồ (Hà Nội) trong nhiều ngày. Theo chính quyền quận Tây Hồ ước tính, diện tích trồng đào thiệt hại khoảng 105 ha, còn quất khoảng 35,5 ha.

Chiều 17/9, chúng tôi đến khu vực trồng đào phía dưới cầu Nhật Tân của phường Phú Thượng, tuy nước đã rút gần hết nhưng bùn vẫn ngập tới tận đầu gối. Cả vùng xanh tươi ngút ngàn nay hàng vạn gốc đào đã rũ rượi, nhuộm một màu bùn. Theo người dân ở đây, công việc dọn dẹp phải mất hàng tháng nữa mới tạm ổn.

Tại vườn của ông Mai Văn Duân, gần 700 gốc đào đã héo úa, đóng cứng cong queo bởi bùn khô phủ kín. Ông Duân đang cùng gia đình cưa từng gốc, đập rũ bùn mang đi đốt. Nỗi thất vọng ngập tràn trên khuôn mặt, ông buồn bã, từ khi bị bão lụt đến nay là cả tuần rồi, chúng tôi phải vật lộn với nước lũ nhưng không cứu vãn được gì nữa, đào chết hết rồi, năm nay nhà chú mất trắng cháu ạ! Quanh đây, nhà nào cũng thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng. Để khôi phục lại vườn đào như trước đây cũng phải mất hai năm.

Vừa rắc phân lót chống phèn lên các luống đào, ông Duân mong mỏi, là làng nghề truyền thống nên chúng tôi đang rất cần nguồn vốn cũng như cây đào giống để khôi phục sản xuất. Hiện tại, hỏi qua các nơi đều không có nên chúng tôi cũng không biết đi mua cây giống ở đâu nữa, chỉ mong chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.

Cũng trong tình trạng trên, hơn một mẫu đất (3.600 m2) trồng đào gần khu vực bãi đá thuộc phường Nhật Tân của nhà anh Hoa cũng bị ngập trắng do lũ lụt. Lội qua các luống đất còn nhão nhoét bùn, chúng tôi gặp anh đang lụi hụi gom từng cây đào chất vào đống to giữa vườn để đốt. Anh chia sẻ, cây quất còn có thể di chuyển lên chỗ cao cứu được chút ít chứ đào thì chịu chết không bứng đi đâu được. Tính ra nhà tôi thiệt hại gần 500 triệu đồng, coi như trắng tay. Giờ phải tính tìm chỗ vay để mua cây giống làm vụ khác thôi. Cái khó là nguồn cung cây giống cũng đang cạn kiệt do các vùng trồng chung quanh cũng bị ngập, cây giống chết gần hết, chắc hai, ba năm nữa mới có đào để bán. Các hộ chung quanh nhà anh Hoa cũng bị thiệt hại nặng nề, có vườn đào thất thốn hàng trăm cây cũng héo úa chết khô. Riêng nhà anh Kỳ, hơn hai vạn cây hoa cúc họa mi cùng đào cây cũng mất hết do lũ.

Theo ông Hoàng Chính Nghĩa, Quyền Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Dịch vụ Tổng hợp Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội), ban quản trị HTX đang lên kế hoạch triển khai các phương án hỗ trợ bà con có hoa màu bi thiệt hai do cơn bão số 3. Ông Nghĩa cho biết, mưa to, gió lớn tàn phá trực tiếp rồi lũ lụt sau đó đã khiến nhiều hộ thành viên của HTX bị thiệt hại nặng nể. Chỉ tính riêng diện tích trồng đào của phường Phú Thượng khoảng 30 ha nhưng đã bị thiệt hại hơn 25 ha. HTX có hơn 1.000 thành viên, riêng vùng trồng đào ngoài đê hiện có khoảng 400 thành viên đang canh tác là bị thiệt hại nặng nhất. Đồng thời diện tích 30 ha tại bãi giữa do HTX quản lý chủ yếu trồng hoa màu như rau sạch, đu đủ, đinh lăng… nuôi cá cũng bị thiệt hại toàn bộ do nước ngập quá sâu và trong thời gian dài. Tính sơ bộ, những hộ trồng đào có diện tích lớn con số bị thiệt hại cũng lên đến vài tỷ đồng.

Còn với 500 hộ trồng quất cảnh ở phường Tứ Liên, đã có 35 ha bị thiệt hại, chiếm gần 70% tổng diện tích canh tác 43 ha, chưa tính khu vực trồng quất giống, hoa màu và các loại cây cảnh khác. Ông Nguyễn Huy Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề quất cảnh truyền thống phường Tứ Liên cho biết, các gia đình ở vùng thấp đã chủ động vận chuyển cứu cây, nhưng do lũ về nhanh, số lượng cây lớn nên chỉ cứu được phần nhỏ. Bên cạnh đó, do nguồn nước ô nhiễm nên chỉ cần ngập khoảng một ngày là cây quất sẽ bị sốc nước, váng phù sa bám trên cây, không thể rửa được nên hầu hết sẽ héo chết. Các gia đình làm nghề rất xót xa khi sản phẩm mình làm ra sắp đến ngày thu hoạch lại mất hết.

Buồn lo ở “thủ phủ” đào, quất Hà Nội ảnh 1

Gia đình anh Nguyễn Thế Anh (Tứ Liên) trắng tay khi bị hỏng gần 5.000 cây quất do ảnh hưởng của bão số 3.

Mong nhiều hỗ trợ thỏa đáng

Vần, xếp lại các chậu cây còn bám đầy bùn, anh Nguyễn Thế Anh chủ vườn quất có hơn 6.000 cây chia sẻ, lúc lũ lên tôi phải nhờ hết anh em họ hàng, bạn bè rồi thuê cả lao động phổ thông để cứu quất. Vận chuyển ngày đêm lên chỗ cao tránh lũ cũng chỉ cứu được khoảng 1.000 cây. Tôi gần như thành tay trắng rồi, bởi có bao vốn liếng, chúng tôi đã dồn hết ra vườn đây. Giờ chỉ mong Nhà nước có chính sách cho vay với lãi suất 0 đồng để người dân bị thiệt hại đỡ khổ.

Vấn đề nữa là việc tìm cây giống cũng đang rất khó khăn, bởi khu vực trồng quất giống ở bãi giữa coi như bị xóa sổ, các khu khác có quất giống như Văn Giang (Hưng Yên) cũng bị ngập hết. Có lẽ, khi dọn dẹp xong vườn tôi phải bỏ công đi tìm giống cây ở các vùng xa hơn như Bắc Giang, Hải Dương, anh Thế Anh nói.

Theo ông Hoàng Chính Nghĩa, ban lãnh đạo HTX đã quyết định sẽ hỗ trợ ngay 3.000 đồng/m2 đất canh tác cho mỗi thành viên HTX tại phường Phú Thượng bị thiệt hại do bão lũ. Bên cạnh đó, chính quyền phường cũng đang vận động bà con trồng các loại cây ngắn ngày như hoa lay ơn thay vào diện tích trồng đào để tạo nguồn thu vào dịp Tết. Giống hoa sẽ được UBND quận giới thiệu nhà cung cấp bảo đảm về giá và chất lượng. Còn đối với đào, đầu năm sau các hộ bị mất trắng sẽ phải mua giống từ các vùng như Lạng Sơn, Phú Thọ… về trồng lại, ghép giống để có đào cành cho năm tới.

Nhiều hộ gia đình trồng quất cảnh thuộc phường Tứ Liên đã bị mất trắng vườn, như trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình cũng mất trắng 2.000 cây quất cảnh. Anh cho biết, đầu năm gia đình tôi đã vay mượn đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho vụ quất này, giờ không biết phải tính sao nữa.

Cùng với các hộ trồng đào phía trong đê chưa bị ảnh hưởng, một số hộ đã chủ động thu mua các gốc đào trưởng thành từ nhiều nơi về chăm sóc, cùng với đó một số lại mang đào lên trồng tại các vùng thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La)… hy vọng sẽ đáp ứng đủ hoa đào trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. Về các phương án hỗ trợ người dân, ông Nguyễn Huy Hải cho biết, chúng tôi đang thống kê thiệt hại của các hộ làm nghề. Hiện người dân Tứ Liên mong được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất 0 đồng của Nhà nước với thời gian dài, hoặc đã vay rồi thì có thể cắt lãi cho bà con. Còn về cây giống hiện đang là vấn đề nan giải, nguồn cung vừa hiếm, giá lại khá cao nên chúng tôi chưa có hướng nào để giúp bà con, các gia đình chắc cũng phải tự khắc phục. Tuy thế, theo ông Hải số lượng quất còn lại tại phường vẫn đủ cung cấp cho thị trường Hà Nội dịp Tết sắp tới.

Ngày 17/9, UBND quận Tây Hồ đã có cuộc họp với đại diện các phường về phương án hỗ trợ bà con bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Theo tinh thần cuộc họp, việc đầu tiên, HĐND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã phê duyệt 85 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ đang trồng đào, quất bị thiệt hại trên địa bàn quận. Cụ thể, Phòng kinh tế sẽ kết hợp các UBND phường và HTX thống kê mức độ thiệt hại của từng hộ. Từ đó, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ cho các hộ vay trong thời gian 3 năm với lãi suất rất thấp - khoảng 0,025% nhằm giúp bà con mua giống mới, cải tạo đất… sớm phục hồi vùng canh tác trong thời gian tới.

Theo ghi nhận, trước mắt, người dân đang rất mong được sự hỗ trợ dọn dẹp khối lượng lớn bùn đất, rác thải đang lấp đầy các vườn để bà con nhanh chóng cải tạo đất trồng hoa màu ngắn ngày tạo nguồn thu bảo đảm cuộc sống trước mắt. Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh các phương án hỗ trợ về vốn ưu đãi, cũng như tìm nguồn cung cây giống cho các hộ bị thiệt hại.