Bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh mới

Sự hiện diện của một số thương hiệu Việt Nam ở các thị trường, lĩnh vực đẳng cấp thế giới đang chứng tỏ sự lớn mạnh của doanh nghiệp nước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến, xuất khẩu phần mềm của FPT đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2023.
Dự kiến, xuất khẩu phần mềm của FPT đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2023.

Dám khát vọng, dám mơ lớn

“Có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I đã chia sẻ ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Sự ủng hộ về mặt chính sách của hai quốc gia đang gia tăng niềm tin kinh doanh, tác động tích cực đến dòng đầu tư toàn cầu tới Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp Mỹ cũng như các tập đoàn toàn cầu.

Bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh mới ảnh 1

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT Technology). (Ảnh: TRẦN KHÁNH)

Cùng với đó, các chính sách trong những năm gần đây của Mỹ như onshoring (đưa việc sản xuất quay về Mỹ), friendshoring (đưa việc sản xuất sang các nước thân thiện với Mỹ), và đạo luật Chips & Science (Vi mạch & Khoa học) vào năm ngoái… cũng khiến cho các cơ hội kinh doanh tại Mỹ, không chỉ vì “với Mỹ” trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã không muốn bỏ lỡ cơ hội tiên phong. Có thể kể tới sự xuất hiện của Vinfast trên sàn chứng khoán Nasdaq, kế hoạch IPO của VNG tại Mỹ hay mới nhất là kế hoạch hợp tác giữa FPT và Silvaco của Mỹ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm cả phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho các công ty bán dẫn ở Mỹ và thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam...

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, giới khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang tìm kiếm cơ hội bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh mới, dù thách thức không hề nhỏ.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã nói, trong một cuộc cách mạng công nghệ như vũ bão, nếu không thay đổi, không khát vọng, không mơ lớn, doanh nghiệp Việt sẽ bị loại bỏ ra khỏi dòng lịch sử.

“Vào lúc này, tôi muốn nhắc lại bài học của Hàn Quốc. Họ đã từng bị đánh giá là một dân tộc nghèo, không có hy vọng, không có tương lai. Nhưng họ đã vươn lên thành một Hàn Quốc hiện đại, phát triển đầy sức thuyết phục. Người Hàn làm được, chúng ta cũng phải làm được! Đây là những điều tôi vẫn thường chia sẻ với các doanh nhân trẻ, để cùng xác định rõ với tinh thần quyết chiến và quyết thắng của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Trương Gia Bình nói.

Vẫn cần cơ chế thật sự đột phá

Cho đến thời điểm này, khi những khó khăn từ thị trường quốc tế, các biến động địa chính trị cũng như khó khăn nội tại nền kinh tế vẫn đang thử thách các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp vẫn lựa chọn tiến về phía trước.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế đang nhìn thấy những “dấu hiệu bất lợi trong không gian mới”.

Phân tích bức tranh doanh nghiệp hiện nay, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương quan ngại, doanh nghiệp tư nhân trong nước ở thế yếu toàn diện so với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không chỉ hội nhập yếu, mà yếu cả năng lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà” khi xét đến quy mô, cơ cấu vốn, các hoạt động đầu tư, hiệu quả hoạt động...

“Đáng lo là, sự chậm lại của tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới cho thấy đầu tư trực tiếp kinh doanh không còn là cơ hội hấp dẫn nữa. Đó là chưa kể sự tăng lên rất nhanh của tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Lúc này, càng phải làm sống động và duy trì năng lực nội sinh của doanh nghiệp Việt. Trong khó khăn, càng phải hỗ trợ để họ vượt qua, đủ sức tận dụng các xu thế phát triển mới, đó là yếu tố nền tảng”, ông Cung khuyến nghị.

Một lần nữa, vai trò quan trọng của môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp lại được nhắc tới nhiều hơn trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có hai điểm tiếp tục được giới chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Một là, tiếp tục mở rộng và nâng cấp quyền tự do kinh doanh.

Hai là, tự do kinh doanh gắn liền với an toàn kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ.

“Chúng tôi vẫn cho rằng, doanh nghiệp đang rất cần một hệ thống pháp luật rõ ràng, nhất quán, minh bạch và đặc biệt là dự đoán trước được, nhưng cùng với đó là hệ thống tài phán (tòa án, trọng tài…) cung cấp dịch vụ công lý công bằng, tin cậy, hiệu quả và cơ chế thực thi luật pháp công tâm, công bằng, minh bạch... Đây chính là các điều kiện đủ, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, để đưa thương hiệu Việt Nam bước vào nấc thang phát triển mới.

Tuy vậy, những thay đổi đồng bộ sẽ không thể nhanh chóng xảy ra.

Đặc biệt, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, vẫn chưa xuất hiện những động lực mới đủ mạnh để thúc đẩy các doanh nghiệp đi sâu vào các cơ hội trong xu hướng phát triển của kinh tế xanh, kinh tế số...

Bởi vậy, ông vẫn tiếp tục nhắc đến các giải pháp, cơ chế đặc thù theo kiểu “thử nghiệm” vẫn cần được xem xét trước khi hoàn tất các kế hoạch cải cách đồng bộ. “Việc thử nghiệm sẽ bao gồm cả mục tiêu gỡ các rào cản và thúc đẩy ý tưởng kinh doanh mới”, ông Thiên nhấn mạnh.

Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đặt ra các mục tiêu:

  • Đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030;
  • Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%;
  • Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4;
  • Nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…