Những kết quả bước đầu
Đối với giáo dục phổ thông, Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia tiếp tục được đổi mới và đạt được kết quả tốt. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhận định: Kết quả mà các em đạt được đã thể hiện chính sách đúng đắn và chiến lược phù hợp của Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường chuyên, trường năng khiếu của cả nước, là kết quả từ sự đồng hành của cha mẹ học sinh.
Không chỉ giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam ngày càng tăng. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Theo công bố tại website research.com, trong kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học ở 24 lĩnh vực, Việt Nam có 10 nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng thuộc sáu lĩnh vực bao gồm: Kỹ thuật công nghệ, Khoa học máy tính, Khoa học môi trường, Khoa học vật liệu, Cơ khí và kỹ thuật hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng.
Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến ngày 30/6/2023, theo tiêu chuẩn trong nước, có 264 cơ sở đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 1 và 84 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành tự đánh giá chu kỳ 2.
Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có chín cơ sở giáo dục đại học được đánh giá ngoài dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và Giáo dục đại học Pháp; 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.
Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Năm học 2022-2023 ghi nhận nhiều dấu ấn về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với vai trò là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN tại Hà Nội.
Đoàn đại biểu Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã tham dự và có nhiều đóng góp quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục do Tổng Thư ký Liên hợp quốc chủ trì, với sự tham dự của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục phổ thông ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh. Năm học 2022-2023, số cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng số cơ sở giáo dục tư thục cấp trung học cơ sở và khoảng 7,9% tổng số cơ sở giáo dục tư thục cấp trung học phổ thông với khoảng hơn 9.000 học sinh người Việt Nam học tại các cơ sở giáo dục này.
Chất lượng quyết định thương hiệu
Khẳng định thương hiệu giáo dục Việt Nam trước hết phải được xây dựng từ năng lực cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, phù hợp từng thời kỳ phát triển của mình, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), PGS, TS Trần Đình Phong cho biết: Trong giai đoạn phát triển nhanh, mạnh về kinh tế, phát triển theo hướng bền vững từ nay đến năm 2045, giáo dục cần cung cấp được nguồn nhân lực có kỹ năng, hiệu suất làm việc cao đủ hấp dẫn các tập đoàn quốc tế lớn tới Việt Nam, cung cấp được nguồn nhân lực trình độ cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ để đáp ứng nhu cầu chuyển mình, phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng ngày càng tăng giá trị sáng tạo cho các sản phẩm làm tại Việt Nam và bởi người Việt Nam.
Thực tế hiện nay, ngay trong khu vực Đông Nam Á, thương hiệu giáo dục đại học Việt Nam còn hạn chế, vì vậy, để nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu, cần tăng đầu tư cho giáo dục đại học tiến gần đến định mức đầu tư của các nước có nền giáo dục đại học phát triển trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Nhà nước có các chương trình đầu tư trọng điểm để lựa chọn đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực (cán bộ quản trị đại học, giảng viên-nghiên cứu viên) cho các cơ sở đào tạo đại học. Song song với đó, cần tăng cường số lượng các chương trình đào tạo sử dụng tiếng Anh để có thể thu hút sinh viên quốc tế đến học tập và trao đổi.
Sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác thu hút sinh viên quốc tế cũng là một cách chuẩn bị nhân lực cho các doanh nghiệp này tại các thị trường đối tác. Cuối cùng, một yếu tố nữa rất quan trọng cần được quan tâm, đầu tư đúng mức là hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu cho giáo dục Việt Nam.
Cần có một chiến lược tổng thể, trong đó xác định được những giá trị cốt lõi và khác biệt của giáo dục Việt Nam, đi kèm với đó là kế hoạch hành động phù hợp theo từng giai đoạn nhằm từng bước xây dựng hình ảnh, uy tín và bản sắc riêng cho nền giáo dục nước nhà. Chủ động hợp tác với các đối tác quốc tế chiến lược nhằm xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, trước hết tạo môi trường du học tại chỗ cho sinh viên Việt Nam đồng thời thu hút sinh viên quốc tế đến trao đổi sẽ là một cách gián tiếp thu hút ngoại tệ cho giáo dục Việt Nam.