Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế

LTS - Dù bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, song kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 vẫn được dự báo là phục hồi và đạt kết quả khả quan. Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Iran, tháng 8/2023, tại Iran.
Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Iran, tháng 8/2023, tại Iran.

Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn đại diện của một số quốc gia có quan hệ giao thương với Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn cơ hội hợp tác, phát triển song phương trong giai đoạn tới.

Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari:

Cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường Halal toàn cầu

Với dân số hơn 80 triệu người, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang trở thành điểm đến hấp dẫn và là thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực Halal (các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho tín đồ Hồi giáo).

- Xin Ngài Đại sứ đánh giá về tiềm năng, sự đa dạng cũng như chất lượng các sản phẩm Halal của Việt Nam và cơ hội cho các sản phẩm này xuất khẩu sang thị trường Iran?

Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ảnh 1

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống, Việt Nam còn có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm Halal sang thị trường Iran. Khi Việt Nam gần đây bắt đầu tập trung phát triển ngành công nghiệp Halal, có thể nói thương hiệu Halal là một điều gì đó mới mẻ đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng mang thương hiệu Halal sang Iran, có vẻ như các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu về ngành này nhiều hơn trước.

Tuy nhiên, thành công trong nỗ lực này đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về động lực thị trường, quy định, văn hóa, cũng như cam kết duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao và đạt được các chứng nhận cần thiết. Phần lớn nông sản không yêu cầu chứng nhận Halal. Giấy chứng nhận Halal chủ yếu được yêu cầu đối với các sản phẩm gia cầm, chăn nuôi. Tôi tin rằng Việt Nam, với sự đa dạng, phong phú về nông-thủy sản có thể thực hiện được mong muốn và mục tiêu xuất khẩu nhiều sản phẩm Halal hơn sang Iran.

- Xin Ngài Đại sứ chia sẻ về những chính sách ưu đãi mà Iran áp dụng nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm này?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Các quy tắc và quy định cụ thể yêu cầu sản phẩm phải có chứng chỉ Halal có thể khác nhau tùy theo từng sản phẩm. Tổ chức tiêu chuẩn quốc gia Iran (INSO) là tổ chức được ủy quyền ở Iran chịu trách nhiệm soạn thảo các quy tắc và quy định liên quan đến ngành công nghiệp Halal. Các công ty và nhà xuất khẩu Việt Nam quan tâm đến việc xuất khẩu sản phẩm có chứng nhận Halal sang Iran cần kiểm tra trực tiếp các quy định và quy tắc với INSO hoặc có thể nhận sự trợ giúp từ Đại sứ quán Iran tại Hà Nội về vấn đề này. Bất kỳ loại hướng dẫn hoặc thủ tục cần thiết nào để có được chứng chỉ Halal phục vụ xuất khẩu sản phẩm sang Iran đều có thể được cơ quan có thẩm quyền ở Iran cung cấp dễ dàng.

Chúng tôi khuyến nghị các công ty Việt Nam nên lưu ý đến sự nhạy cảm về văn hóa và tôn giáo khi tiếp thị và đóng gói các sản phẩm Halal của mình cho thị trường Iran. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận Halal và cung cấp thông tin rõ ràng về việc tuân thủ sản phẩm có thể giúp tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng.

- Hiện nay, Việt Nam dần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn, quy chuẩn Halal các nước Hồi giáo. Ngài Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực này?

Đại sứ Ali Akbar Nazari: Theo thông tin tôi được biết, các cơ quan liên quan ở Việt Nam đang soạn thảo các quy tắc và quy định về tiêu chuẩn Halal để thành lập cơ quan chứng nhận Halal quốc gia trong vài năm tới.

Việc xúc tiến thành lập cơ quan chứng nhận Halal quốc gia thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tiêu chuẩn hóa và bảo đảm độ tin cậy của các sản phẩm Halal. Điều này có thể giúp xây dựng niềm tin giữa người tiêu dùng và đối tác thương mại, giúp Việt Nam tiếp cận không chỉ thị trường Halal của Iran mà còn các thị trường Halal khác trên thế giới. Việc có được một cơ quan chứng nhận uy tín có thể mở cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang nhiều quốc gia và cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường Halal toàn cầu.

Lĩnh vực Halal có thể vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng tôi tin rằng Việt Nam đang cố gắng hết sức để trở thành một nước lớn trong ngành này. Với sự hỗ trợ và chia sẻ kiến thức của một số nước bạn Hồi giáo, Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu đóng vai trò lớn trong ngành công nghiệp Halal ở các nước Hồi giáo, thiết lập hệ thống tiêu chuẩn hoàn hảo và sớm hình thành cơ quan chứng nhận Halal quốc gia.

- Xin trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ!

HỒNG CẦM (thực hiện)

Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ảnh 2

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski:

Cơ hội quảng bá thương hiệu Việt Nam tại Australia

Quan hệ với Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng và năng động nhất của Australia trong khu vực. Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Australia còn nhiều tiềm năng để khai thác, trong đó có cơ hội quảng bá thương hiệu của Việt Nam tại Xứ sở Chuột túi.

- Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam không ngừng được nâng cao trong những năm gần đây. Theo Ngài Đại sứ, thương hiệu của Việt Nam được đánh giá như thế nào tại thị trường Australia?

Đại sứ Andrew Goledzinowski: Việt Nam và Australia hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh đến khí hậu, giáo dục. Australia và Việt Nam là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cao. Người tiêu dùng Australia yêu thích các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, trong khi Australia là nhà cung cấp dịch vụ và nguyên liệu thô đáng tin cậy với Việt Nam.

Xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam vào Australia tăng trưởng đáng kể trong vài năm qua. Việt Nam là nguồn nhập khẩu tôm và hải sản hàng đầu của Australia và đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ sáu của Australia.

Nhu cầu về trái cây Việt Nam tại Australia tiếp tục tăng cao. Người tiêu dùng Australia được thưởng thức ngày càng nhiều nhãn, vải, thanh long và xoài, cũng như nhiều loại trái cây chất lượng cao khác của Việt Nam. Hàng dệt may, giày dép của Việt Nam cũng được đánh giá cao tại Australia. Hàng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ là đầu vào quan trọng với hoạt động kinh tế ở Australia mà còn giúp thành phẩm của Australia tăng cường khả năng cạnh tranh.

Như được khẳng định trong Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia (EEES) và Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 mới công bố của Australia, hai nước có tiềm năng lớn để đưa quan hệ thương mại và đầu tư đi xa hơn nữa, bao gồm cả việc quảng bá thương hiệu Việt Nam.

- Xin Ngài Đại sứ chia sẻ thông điệp với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội đầu tư tại Australia?

Đại sứ Andrew Goledzinowski: Australia và Việt Nam có quan hệ đầu tư sâu rộng và lâu dài. Các khoản đầu tư gần đây vào Australia từ các công ty hàng đầu Việt Nam, như Tập đoàn TH, TTC AgriS và Vitadairy cho thấy những cơ hội mà Australia mang lại cho các nhà đầu tư Việt Nam, cũng như tiềm năng bổ sung và đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa hai bên. Các công ty của Australia cũng đã đầu tư vào Việt Nam từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Diễn đàn Đầu tư Australia 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/9 vừa qua, thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham dự, đã mang đến nguồn thông tin về môi trường đầu tư của Australia và cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm. Tôi khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam muốn tăng cường và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sang các thị trường mới hãy coi Australia là điểm đến. Nền kinh tế Australia dựa trên các nguyên tắc cơ bản vững chắc.

Môi trường pháp lý cởi mở và thích ứng giúp Australia trở thành một quốc gia thân thiện với doanh nghiệp. Australia là một nền kinh tế mở, có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước châu Á. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp của Australia và Việt Nam có nhiều cơ hội để hợp tác giúp hai bên phát triển và mở rộng trong khu vực.

- Tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư là ưu tiên chung khi Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược trong năm 2023. Theo Ngài Đại sứ, doanh nghiệp hai nước đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia?

Đại sứ Andrew Goledzinowski: Mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đang phát triển trên một quỹ đạo tích cực, được thúc đẩy bởi mục tiêu chung là trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Mỗi doanh nghiệp của Australia và Việt Nam đều góp phần phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước. EEES vạch ra những biện pháp giúp hai bên có thể gắn kết các doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển toàn diện.

Nhằm tăng cường thương mại và đầu tư song phương, nhiều sáng kiến thiết thực đã được đưa ra, như nâng cao nhận thức về thị trường của nhau, điều chỉnh các khuôn khổ pháp lý và đầu tư, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc ưu tiên các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo/sở hữu.

Các doanh nghiệp và ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đưa quan hệ kinh tế hai nước lên một tầm cao mới. Góp phần thúc đẩy thực hiện EEES, Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040 cũng nêu bật vai trò này.

- Xin trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ!

MINH ANH (thực hiện)

Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ảnh 3

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya:

Mở ra nhiều lĩnh vực mới trong quan hệ thương mại

Với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác, phát triển quan hệ thương mại song phương, nhất là trong đầu tư, kết nối doanh nghiệp, cũng như hợp tác phát triển công nghệ…

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ ghi nhận mức kỷ lục 15 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần tám tỷ USD và Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam hơn bảy tỷ USD.

Cơ cấu các mặt hàng được giao thương giữa hai nước cho thấy, còn nhiều dư địa tăng trưởng lâu dài với mức hấp thụ ngày càng tăng ở cả hai nền kinh tế, nhất là khi các sản phẩm này còn có thể tiếp tục được gia tăng giá trị để xuất khẩu ra thế giới.

Các danh mục xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sang Ấn Độ còn nhiều dư địa tăng trưởng bao gồm điện thoại di động và phụ kiện, máy tính và thiết bị điện tử, kim loại, hóa chất, giày dép…, trong khi thế mạnh xuất khẩu của Ấn Độ là các mặt hàng nông sản, dược phẩm và hóa chất, đồ trang sức, sợi và vải, kim loại…

Tổng mức đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam là khoảng hai tỷ USD cho thấy góc độ chiều sâu hội nhập và những đóng góp đáng kể với nền kinh tế Việt Nam, thông qua việc tạo ra giá trị ổn định, việc làm và sản xuất bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh và mở ra nhiều cơ hội đầu tư, triển khai dự án mới trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, điện tử và công nghệ kỹ thuật số, hậu cần…, không ít các tập đoàn lớn của Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất điện, truyền tải, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, cảng, dược phẩm, công nghệ thông tin, xử lý chất thải hay chế biến khoáng sản đang tích cực tham gia đánh giá các cơ hội, và kỳ vọng có thể tiến tới triển khai đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Du lịch cũng được xem là một cầu nối kinh tế quan trọng giữa Ấn Độ và Việt Nam, với khoảng 50 chuyến bay thẳng mỗi tuần, và du khách Ấn Độ cũng nằm trong top 10 nguồn khách du lịch vào Việt Nam. Các công ty lữ hành Việt Nam ngày càng chú trọng tăng sự hiện diện tại Ấn Độ, đồng thời, chủ động tìm kiếm thêm các địa điểm du lịch hứa hẹn mới ở quốc gia Nam Á. Theo Đại sứ Sandeep Arya, những nỗ lực của cả hai bên nhằm mở rộng mạng lưới du lịch và hàng không sẽ góp phần đẩy mạnh kết nối, giao thương, thương mại song phương trong thời gian tới.

Các dịch vụ hỗ trợ như cơ chế ngân hàng, hậu cần, vận chuyển, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các cơ quan, tạo thuận lợi thương mại cần được xem là trọng tâm. Trong tương lai, các giao dịch thanh toán kỹ thuật số theo thời gian thực song phương hoặc các thỏa thuận thương mại bằng tiền tệ quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi và kiến tạo nền tảng bổ sung cho dòng chảy kinh doanh, thương mại và du lịch giữa hai nước. Đặc biệt, Đại sứ nhấn mạnh: Các dịch vụ vận chuyển trực tiếp giữa các cảng ở Ấn Độ và Việt Nam đang được xem xét kết nối sẽ hỗ trợ giảm thời gian và chi phí thương mại cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của cả hai bên.

Việt Nam và Ấn Độ đang tích cực hợp tác, nhất là trong công tác đối thoại giữa chính phủ với chính phủ, trao đổi đoàn doanh nghiệp, thúc đẩy các sáng kiến xúc tiến thương mại, tổ chức triển lãm sản phẩm…

Ấn Độ cũng quan tâm, hướng đến thúc đẩy trao đổi cấp tỉnh để thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh doanh và các liên kết kinh tế khác rộng rãi hơn và kỳ vọng các ưu đãi thương mại mở rộng giữa hai nước sẽ còn tạo cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới trong quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam.

LIÊN KHƯƠNG (ghi)

Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ảnh 4

Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Viacheslav Kharinov:

Giải pháp toàn diện vì thương hiệu quốc gia

Sở hữu vị trí địa lý thuận lợi và lực lượng lao động dồi dào, đồng thời tích cực triển khai chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp và công nghệ cao, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế bền vững, cùng độ ổn định cao về chính trị và xã hội.

Nhờ một loạt hiệp định thương mại tự do ký với các đối tác, Việt Nam có mức độ hội nhập cao vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với vị thế là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam gặt hái nhiều thành tựu phát triển đáng chú ý thời gian qua.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, “dải đất hình chữ S” cũng triển khai các giải pháp toàn diện, trong đó có chiến lược “Make in Vietnam”, khẳng định quyết tâm phát triển nền kinh tế ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin. Quyết định này giúp số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số tăng trưởng ấn tượng.

Chúng tôi muốn chia sẻ cùng các bạn câu chuyện về thương hiệu quốc gia “Made in Russia” đang phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, bên cạnh những tên tuổi có tiếng, như KAMAZ, Rosatom, Yandex, Kaspersky…, Nga khẩn trương xúc tiến thương hiệu quốc gia gắn với tiềm năng lớn về công nghiệp và khoa học kỹ thuật.

Xứ sở Bạch Dương đạt nhiều thành tựu xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, nổi bật là chất lượng đào tạo kỹ sư. Nhiều giải pháp do các kỹ sư công nghệ thông tin Nga xây dựng được chào đón ở châu Á, Mỹ latin.

Trong thế kỷ 21, việc số hóa nền kinh tế mang ý nghĩa quyết định trong cạnh tranh, giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch và tăng tốc nhiều tiến trình quan trọng. Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy nền kinh tế số, với mục tiêu kinh tế số chiếm 30% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào năm 2030.

Có thể nói, tiềm năng hợp tác giữa Nga và Việt Nam là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Các doanh nghiệp Nga sẵn sàng hợp tác một cách linh hoạt, chia sẻ cùng các đối tác Việt Nam những công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực công nghiệp, hành chính, bảo mật thông tin, cũng như các lĩnh vực đặc biệt khác.

Nga và Việt Nam đã tích lũy thành công không ít kinh nghiệm hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, như: chính trị, kinh tế, tài chính, khoa học, giáo dục, văn hóa và thể thao. Lĩnh vực công nghệ số và viễn thông cũng đạt nhiều bước tiến hợp tác thời gian qua. Hai nước đã ký một số văn kiện liên chính phủ, tổ chức các sự kiện song phương về chủ đề phát triển thành phố thông minh và chính phủ điện tử. Thời gian tới, thật vui nếu hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ.

Cánh cửa Cơ quan Đại diện thương mại Nga luôn mở, không chỉ đối với các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tìm hiểu về những công nghệ tiên tiến của Nga và khả năng ứng dụng chúng tại Việt Nam, mà còn đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Nga có mong muốn tìm hiểu cơ hội tại thị trường Việt Nam.

HỒNG LĨNH (ghi)