Kết tinh giá trị thiên nhiên & trí tuệ tiền nhân

Đó là mong muốn của một nhóm bạn trẻ tạo ra các sản phẩm giá trị từ các loại thảo dược Việt Nam và bước đầu đã có những thành công với dòng mỹ phẩm xanh.

Nguyễn Thị Liên (thứ hai, trái sang), trong lễ vinh danh top 25 Startup Việt 2017.
Nguyễn Thị Liên (thứ hai, trái sang), trong lễ vinh danh top 25 Startup Việt 2017.

1/ Startup mang tên Lilosa (tên một loại cocktail từ nho) tuy mới thành lập đầu năm 2017 nhưng đã có những bước phát triển khả quan. Đây cũng là một trong 20 startup tham dự buổi chung kết Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Techfest Việt Nam 2017 do Bộ Khoa học & Công nghệ phát động. Nguyễn Thị Liên, Giám đốc 9X của công ty cho biết, đây là dòng sản phẩm đầu tiên mà nhóm Lilosa ra mắt thị trường nên hội tụ đủ các yếu tố như sản phẩm chất lượng tốt, chinh phục khách hàng qua những lần thử đầu, đạt hiệu quả và sản phẩm cũng không quá xa lạ với nhận thức người dân. Việc đưa ra các tiêu chí xây dựng sản phẩm một cách rõ ràng đã giúp Lilosa có được tầm nhìn và định hướng kinh doanh đúng đắn, cộng với sứ mệnh và mục tiêu vì cộng đồng nên đã hấp dẫn các nhà đầu tư.

Nguyễn Thị Liên cho biết, việc tìm ra một sản phẩm tốt là mấu chốt trong kinh doanh của Lilosa. “Ban đầu công ty cũng trăn trở trong việc tìm sản phẩm, tìm định hướng. Kinh nghiệm của mình chính là trong lúc gặp khó khăn, cần phải đi thi nhiều, tìm hiểu nhiều, tích cực kết nối mở ra nhiều mối quan hệ mới và đặc biệt là phải biết trọng dụng người tài. Lilosa đã chuyển biến mạnh trong một thời gian ngắn khi quyết định kinh doanh mỹ phẩm xanh thuận theo xu hướng chung là sử dụng các dòng sản phẩm organic của thị trường mỹ phẩm trong nước và quốc tế”, Liên chia sẻ.

2/ Tâm lý dè chừng với sản phẩm mới ra đời và thói quen chuộng hàng nhập khẩu của người tiêu dùng cũng khiến nhiều startup Việt gặp không ít khó khăn. Kể về những vất vả, gian nan ngày đầu, từ việc bảo đảm nguồn đầu vào tới công thức, công nghệ bào chế để sản phẩm giữ được dược tính cao mà không sử dụng chất bảo quản; khó trong bao bì, nhãn mác; khó trong việc làm thủ tục pháp lý công bố lưu hành và kiểm định… với Liên đó là những chuỗi hành trình vừa làm, vừa học và rút kinh nghiệm. “Thời gian đầu, chúng tôi đi tìm kiếm nguồn dược liệu từ những hiệu thuốc, rồi mua qua người quen biết giới thiệu, tìm kiếm khắp các đầu mối, những trung tâm buôn bán dược liệu lớn. Mỗi lần đổi hướng tìm kiếm nguồn là mỗi lần hy vọng rồi thất vọng đan xen nhau, bởi nguồn dược liệu cung cấp cho thị trường Việt Nam nhiều vô tận, tuy nhiên gần 90% có nguồn gốc không rõ ràng. Đi nhiều, biết nhiều nên chúng tôi đâm sợ đủ thứ. Sợ lấy phải dược liệu bị tẩm hóa chất, sợ dược liệu khai thác khi chưa đủ tuổi dược tính, sợ bị tráo dược liệu, sợ dược liệu không khai thác đúng yêu cầu… Đến cuối cùng, chúng tôi quyết định: Dược liệu của Lilosa phải là dược liệu được trồng và kiểm soát ngay từ khâu chọn giống gieo trồng tại các vùng dược liệu bản địa Việt Nam. Vùng trồng dược liệu chúng tôi chọn liên kết làm đối tác là những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp giống dược liệu, quy trình trồng đạt tiêu chuẩn GACP - WHO. Chúng tôi chỉ tin khi nhìn thấy tận mắt nơi cây dược liệu bản địa của chúng tôi lớn lên, tận tay giám sát quá trình sơ chế - chế biến cho đến khi hoàn thiện sản phẩm”, Liên kể lại.

Từng bước, Lilosa đã vượt qua giai đoạn đầu, được thị trường đón nhận sản phẩm và bước vào giai đoạn tiếp theo là tái cơ cấu với sự tham gia của nhiều cổ đông mới để thực hiện sứ mệnh gìn giữ và phát huy kinh nghiệm sử dụng thảo dược của cha ông. Ngoài ra còn là sự hỗ trợ của địa phương, sự quan tâm của giới truyền thông và cả những giải thưởng uy tín tầm quốc gia đã giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế dù tuổi đời còn rất trẻ.

3/ TS Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo & Khởi nghiệp Xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, mô hình hoạt động của Lilosa là mô hình impact social (tác nhân xã hội) điển hình. Đây là mô hình doanh nghiệp đang được Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) quan tâm và xúc tiến hỗ trợ trong thời gian tới. Mô hình này nghiêng về mục tiêu sinh lợi nhiều hơn so mô hình doanh nghiệp xã hội nhưng vẫn đáp ứng tiêu chí hoạt động của doanh nghiệp hướng nhiều đến các mục tiêu xã hội và tạo ra các ngoại ứng xã hội tích cực: Trong trường hợp này là sức khỏe người tiêu dùng và việc làm của người dân vùng trồng dược liệu.