Khổ lúc làm lẫn lúc nghỉ ngơi
Những người dân ở xóm nghèo gần chân cầu Long Biên (thuộc phường Phúc Xá, Ba Đình) chủ yếu làm khuân vác trong chợ hoặc bán hàng rong, hoa quả, thu gom phế liệu… Đa phần xuất thân từ các vùng quê nghèo lên thành phố bươn trải, họ chỉ mong mỗi tháng tích cóp, trừ tiền sinh hoạt, tiền thuê trọ thì dư ra vài triệu đồng gửi về cho gia đình. Mặc dù tiền thuê không hề rẻ, từ 1 - 1,5 triệu đồng chưa tính điện nước, nhưng diện tích phòng chỉ từ 10 - 15 m², vừa đủ kê một chiếc giường, tủ quần áo và ít đồ nấu nướng. Phía trên mái các khu nhà trọ đa phần lợp fibro xi-măng hút nhiệt, hoặc mái tôn để tiết kiệm chi phí. Vì mưu sinh, người dân ở đây từ bao năm vẫn cam chịu, mùa mưa thì nước cống và rác ngập tận trong giường, còn mùa hè thì như “cái lò hun”.
Công việc chân tay từ sáng sớm tới tận tối khuya vất vả là thế, nhưng ngay cả thời gian nghỉ trưa ít ỏi, họ cũng phải chống chọi cái nóng “hầm hập” trong chính phòng mình. Chị Trần Thị Thanh (SN 1976) quê ở Tân Phong, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), người đẩy xe ở chợ Long Biên cho hay: “Thời tiết thế này ở trong phòng nóng lắm. Điều kiện không có gì, chỉ mỗi phòng một cái quạt. Tầm 12 giờ trưa nắng nhất, mọi người vẫn cố nghỉ vài tiếng để có sức đi làm tới đêm. Nhưng cũng có người nóng quá không chịu được phải thấm khăn ướt lau người hoặc ra nghỉ tạm dưới bóng cây”.
Sống chung cái nóng thiêu đốt mỗi ngày, cốt là để tiết kiệm chi phí sinh hoạt và mưu sinh. Oái oăm thay trong mùa dịch này, dường như việc kiếm sống còn căng thẳng hơn cái nóng. Quan sát của phóng viên Thời Nay lúc 10 giờ sáng ngày 1-6, hàng dài xe kéo xếp la liệt bên hông nhà trọ, những thùng bánh ế ẩm xếp chồng ngay cửa lò bánh mì hay hàng đống phế liệu chất cao không ai tới mua. Bên trong một số khu trọ, nhiều người lao động ngồi tán chuyện, phơi quần áo… ở thời điểm đáng lẽ họ đang đi làm. Cũng dễ hiểu, vì tất cả hoạt động buôn bán tại các chợ bị hạn chế, hàng quán ăn uống thì đóng cửa, đình trệ vì dịch Covid-19. Người lao động xóm gầm cầu cũng vì thế mà lao đao.
Chị Nguyễn Thị Sinh (SN 1977) quê ở xã Biển Động, Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ: “Trước dịch, tôi làm việc ở hàng ăn theo hai ca, thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Hiện tại, nhà hàng đã đóng cửa nên tôi không còn thu nhập nào. Thâm tâm muốn về với gia đình nhưng quê tôi đang cách ly nên đành ở lại. Giờ “cắn răng” tằn tiện ăn vào tiền dành dụm chờ hết dịch. Ra Hà Nội đã được gần 20 năm, mình vẫn chịu được khổ miễn có việc làm. Nhưng giờ đi không được, về cũng chẳng xong, vì biết trông vào đâu khi ở quê cũng bùng dịch”.
Hỗ trợ dân nghèo phòng dịch
Cái nóng và thất nghiệp đang chầm chậm từng ngày bủa vây, “bóp nghẹt” mỗi người lao động nghèo. Nhưng mối nguy lớn hơn tất cả lại nằm ở việc phòng dịch lỏng lẻo, như bị “bỏ quên” ở nơi đây. Bởi do công việc, tiếp xúc với nhiều người ở các khu chợ, hay những gánh hàng hoa quả, bán rong đi khắp thành phố…
Mặc dù nguy cơ lây nhiễm cao như vậy, nhưng nhiều người dân trong khu xóm trọ không có khẩu trang. Ngoài ra, phía khu chợ bán hải sản và khu thu gom phế liệu bên hông chợ Long Biên, không ít người dân cũng chưa tuân thủ nghiêm túc việc đeo khẩu trang đúng cách. Đáng lo ngại hơn, theo ghi nhận của phóng viên Thời Nay, tại hầu hết các khu nhà trọ tập trung trong khu vực đều không trang bị các chai nước sát khuẩn.
Nguyên nhân có thể do không có điều kiện mua khẩu trang và nước sát khuẩn, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại tâm lý chủ quan của người dân. Ông Nguyễn Trọng Thắm (62 tuổi) quê ở Hà Nam cho biết: “Vì ở đây quen biết nhau, nên một số người khi đi làm về cũng chủ quan lắm, không đeo khẩu trang bao giờ. Còn như đa phần chủ nhà trọ khu này, họ tiết kiệm chi phí nên cũng chẳng để ý, không trang bị chai sát khuẩn đâu. Cá nhân tôi và một số người dân cũng hiểu là nếu bùng dịch và cách ly ở đây, thì thật sự không biết sống thế nào, đi đâu, về đâu. Nhưng hiện tại với thu nhập mỗi ngày chưa nổi 100 nghìn đồng, việc mua đồ ăn hằng ngày với nhiều người còn phải đắn đo, huống gì mua hộp khẩu trang hay chai sát khuẩn”.
Cũng theo chị Trần Thị Hường, con gái của ông Thắm, từ khi bùng dịch cho tới hiện tại, những người dân trong xóm trọ chân cầu Long Biên vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về khẩu trang hay nước sát khuẩn từ phía các tổ chức xã hội hay chính quyền khu vực. “Cũng mong sắp tới chúng tôi sẽ được quan tâm, hỗ trợ một chút để phòng dịch. Chứ từ đó giờ cũng chỉ biết nhắc nhở nhau mỗi người ý thức giữ gìn một chút khi đi làm. Ngoài ra, cũng có vài người tranh thủ xin khẩu trang tại một số điểm phát miễn phí, hay có người lấy khăn che vừa chống nóng vừa phòng dịch khi đi làm. Hoặc như không có nước sát khuẩn thì chúng tôi rửa tay xà-phòng thường xuyên hơn. Đành tự xoay xở mà bảo vệ mình thôi”, chị Hường tâm sự.