Bác sĩ của thời gian

Trái ngược hẳn với không gian bên ngoài ồn ào, sôi động, trong những căn phòng nhỏ yên ắng, bên chiếc bàn làm việc nhỏ bé, những “bác sĩ của thời gian” chăm chú với công việc, tỉ mỉ dùng những dụng cụ nhỏ nhắn, sửa chữa từng chiếc đồng hồ.

Nghề sửa đồng hồ đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và phải rất đam mê. Ảnh: MỘC ANH
Nghề sửa đồng hồ đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và phải rất đam mê. Ảnh: MỘC ANH

Nghề của niềm đam mê, tâm huyết

Nghề vốn vất vả, đòi hỏi không chỉ sự cẩn thận và yêu cầu cao về sự hoàn hảo trong công việc mà người thợ còn phải có sự kiên trì cùng một sức khỏe tốt. Nhưng với họ, khi đã trót đến với nghề thì việc giữ từng nhịp đập của những “cỗ máy thời gian” là niềm đam mê khó dứt bỏ.

Địa chỉ được rất nhiều người tìm đến mỗi khi chiếc đồng hồ mắc bệnh hoặc cần bảo dưỡng là Bệnh viện đồng hồ, ở phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đến thăm Bệnh viện đồng hồ trong giờ làm việc mới cảm nhận được hết sự chuyên nghiệp, yêu nghề của những “bác sĩ thời gian” ở đây. Nằm phía ngoài cùng Bệnh viện đồng hồ là căn phòng nhỏ dùng để trưng bày đồng hồ của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Đây cũng là khu vực nhiều người yêu đồng hồ thường xuyên lui đến để tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi, sưu tầm. Bên trong là căn phòng kín, chuyên sửa chữa đồng hồ với đầy đủ dụng cụ như kính lúp, máy sấy, máy kiểm tra khả năng giữ cót, máy đóng, mở nắp… Hơn 10 người thợ, vận trên người chiếc áo bờ-lu trắng, tay đeo găng ngồi, mỗi người một chiếc bàn nhỏ lích kích dụng cụ, máy móc, đeo kính lúp, tỉ mẩn “chữa bệnh” cho những chiếc đồng hồ nhỏ nhắn. Căn phòng yên ắng đến nỗi có thể nghe rõ từng tiếng tích tắc đều đều vang lên khe khẽ.

Theo kỹ thuật viên Nguyễn Đức Tín, nghề sửa đồng hồ yêu cầu người kỹ thuật viên phải có sức khỏe, trí nhớ tốt và yêu cầu sự tập trung gần như tuyệt đối. Bên cạnh đó là sự cần cù, chịu khó và tỉ mỉ. Mỗi chiếc đồng hồ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chi tiết. Có những chi tiết rất nhỏ, phải dùng đến kính lúp, kính hiển vi để thực hiện sửa chữa. Dù bất kỳ loại đồng hồ nào, khi sửa chữa, người thợ cũng phải trải qua 18 công đoạn, từ thẩm định, kiểm tra tình trạng, hiệu chỉnh cân bằng..., cho đến kiểm tra độ kín nước, kiểm tra thẩm mỹ. Cứ thế, nhích từng ngón tay, nghe từng tiếng máy, dõi mắt theo từng chuyển động của con lắc, cót, kim, ý niệm về thời gian bị lãng quên. Vì thế đến với nghề, ai cũng cảm nhận được thời gian quý báu vô cùng.

Minh chứng cho sự khó khăn trong nghề, anh Đỗ Văn Vượng, một thợ sửa chữa đồng hồ có nhiều kinh nghiệm kể lại: Có lần, khách tìm đến tôi để sửa chiếc đồng hồ Rolex trị giá hơn 400 triệu đồng, bị gãy một răng trên chiếc bánh răng nhỏ. “Bắt bệnh” xong, tôi xác định chỉ có cách “cấy” răng khác, vì rất khó tìm được bánh răng thay thế. Sau đó, tôi dùng miếng kim loại có cùng chất liệu và mài dũa, chế một chiếc răng có kích thước đúng với kích thước chiếc răng bị hỏng có kích thước chưa đến 1 mi-li-mét. Chiếc răng mới được dũa đạt đến độ hoàn hảo, tôi dùng dụng cụ tán để vào chỗ chiếc răng bị hỏng. Mất gần trọn một ngày không rời ghế, tán xong chiếc răng vào bánh, lắp ráp đồng hồ, tôi hồi hộp chờ đợi xem chiếc đồng hồ có hoạt động tốt hay không. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Lưng và hông mỏi nhừ, mất cảm giác, nhưng tôi vẫn không dám cử động mạnh. Chỉ khi mọi thứ đã hoàn hảo, chiếc đồng hồ nhẹ nhàng vang lên những tiếng tích tắc đều đều, tôi mới đứng dậy, trong lòng dâng lên một cảm giác vui sướng khó tả.

Hiện tại, “bác sĩ đồng hồ” được đông đảo người yêu đồng hồ biết đến nhất là anh Đặng Văn Trường, vẫn được biết đến với biệt danh “Trường Omega”. Anh Trường được nhiều người biết đến với vị trí Trưởng phòng Kỹ thuật của hãng đồng hồ Omega tại Việt Nam và được học tập, đào tạo bài bản tại Thụy Sĩ. Anh cũng là một trong rất ít thợ sửa đồng hồ ở Việt Nam từng chứng kiến các công đoạn chế tạo những mẫu đồng hồ tinh xảo, xa xỉ bậc nhất thế giới của các hãng Omega, Rolex, Patel Philippe… Theo anh Trường, yếu tố quan trọng nhất để thành người thợ đồng hồ giỏi là sự đam mê. Phải có đam mê mới có thể yêu và gắn bó, cảm nhận được vẻ đẹp của từng linh kiện, từ bộ kim, mặt số, bánh răng…, yêu từng khoảnh khắc khi cuốn theo từng nhịp đập của thời gian. “Với người thợ sửa đồng hồ, ngoài việc am hiểu nguyên vật liệu, cơ khí, điện tử, còn phải thật sự là một họa sĩ, nhà điêu khắc, thậm chí là nhà thiên văn để hiểu được các nguyên lý của tuần trăng, trung tuần, hạ tuần…”, anh Đặng Văn Trường chia sẻ.

Nghề sửa đồng hồ đã gian nan, việc học nghề cũng khó khăn không kém. Đơn giản như việc tháo, mở đồng hồ để sửa chữa, bảo dưỡng, người thợ cũng phải mất hàng tháng trời thực hành mới có thể thực hiện một cách cơ bản. Mới bước vào nghề, việc phải đền các chi tiết đồng hồ do làm hỏng vì chưa “quen tay” là chuyện cơm bữa. Và “học phí” để học nghề, nâng cao trình độ thường rất đắt đỏ, bởi chỉ cần làm mất, làm vỡ, gãy một chi tiết rất nhỏ sẽ phải đền những món tiền lớn. Thí dụ như anh Đặng Văn Trường, hồi mới vào nghề chưa lâu, trong một lần làm việc, do mở máy không cẩn thận, anh làm vỡ mặt một chiếc đồng hồ có giá trị lớn. Sau đó, phải mất hơn chín tháng trời, đặt hàng ở tận Thụy Sĩ, anh Trường mới tìm được mặt đồng hồ thay thế cho khách. Tổng chi phí phải đền cho một tích tắc không cẩn thận bằng hơn một năm tiền lương của người thợ trẻ.

Cần phải chuyên nghiệp!

Cũng chính vì theo nghề khó, giỏi nghề cần quá nhiều thời gian cho nên thợ đồng hồ ngày càng ít đi. Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, quản lý Bệnh viện đồng hồ, mỗi khi cơ sở của anh cần tuyển “bác sĩ thời gian”, các ứng viên tham gia tuyển đều phải thể hiện được mình có yếu tố “cần” là tính kiên nhẫn, sự cần cù, chịu khó, nghị lực và yếu tố “đủ” là sự tư duy, sáng tạo và ham học hỏi. Có như thế mới tạo được sự chuyên nghiệp, lấy được niềm tin của khách hàng trong thời buổi có nhiều cơ sở sửa chữa đồng hồ tự phát mọc lên. Thiếu máy móc, thiết bị, thợ cũng chỉ được đào tạo qua loa, thiếu bài bản nhưng vẫn nhận sửa chữa những chiếc đồng hồ đắt tiền, dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín của những người thợ có tâm huyết, có tài năng. “Con người có bệnh viện thì đồng hồ cũng cần có bệnh viện để thật sự đem lại sự sống, vẻ đẹp, độ chính xác. Và khi đã cầm trên tay để sửa chữa những chiếc đồng hồ cho khách, yêu cầu thợ phải giỏi, máy móc phải chuẩn và tác phong làm việc phải thật sự chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Bởi với những người yêu thích, đồng hồ không chỉ là một đồ vật để xem giờ đơn thuần. Đó còn là thứ gắn bó, là một tài sản có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần”, anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Theo nhiều thợ sửa đồng hồ có uy tín, hiện nay, trong cuộc sống hiện đại, mọi người có thể xem giờ bằng điện thoại di động, đồng hồ thông minh, nhưng những chiếc đồng hồ đeo tay truyền thống vẫn có chỗ đứng. Vì thế, nghề sửa đồng hồ luôn luôn có “đất sống”. Tuy nhiên, những bậc thầy trong nghề đều đã có tuổi, mắt đã kém, tay đã run hoặc không theo kịp sự phát triển của công nghệ sản xuất đồng hồ, trong khi lớp trẻ ít người có đủ kiên nhẫn để thành nghề. Bên cạnh đó, thợ sửa đồng hồ ở Việt Nam cũng phải chịu thiệt thòi hơn đồng nghiệp ở nhiều nước vì không có nhiều dụng cụ, máy móc, thiết bị hiện đại để rèn luyện khả năng, tay nghề. Chính vì thế, thợ dám nhận sửa những chiếc đồng hồ đắt tiền, có giá trị lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, khách hàng thường phải gửi đến hãng sản xuất hoặc gửi ra nước ngoài để sửa chữa. Chưa kể, nước ta hiện không có trường lớp, môi trường đào tạo, giảng dạy nghề sửa chữa đồng hồ bài bản, chuyên nghiệp. Có chăng chỉ là một số cơ sở tự phát hoặc cũng chỉ có một số trường dạy nghề theo cách rất lạc hậu.

Bởi thế, với sự tâm huyết, muốn phát triển nghề sửa đồng hồ ở Việt Nam, nhiều “bác sĩ thời gian” có tên tuổi đã mở những lớp đào tạo miễn phí cho học viên. Thí dụ như anh Đặng Văn Trường, sau khi mở lớp đã đào tạo được hơn 40 học viên ở khắp mọi miền đất nước. Đáng chú ý, học viên của anh đều là những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sau khi học nghề đều đã có việc làm ổn định, cho thu nhập cao. “Vẫn biết theo nghề là không dễ, nhưng tôi vẫn muốn nhiều bạn trẻ có đam mê xem việc trở thành một “bác sĩ thời gian” như là một lựa chọn tốt để lập nghiệp. Có như thế, nghề sửa đồng hồ của Việt Nam mới có thể phát triển. Bên cạnh đó, hy vọng nước ta sớm có những cơ sở đào tạo nghề bài bản, để tạo ra những thợ giỏi, sớm đưa nghề sửa đồng hồ trở thành một nghề chuyên nghiệp”, anh Đặng Văn Trường chia sẻ.