Ngẫm về ích lợi của thơ ca

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ngày thơ Việt Nam thêm một năm không được tổ chức ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nhưng vẫn có những hình thức khác cho người làm thơ và công chúng đến với thơ ca. Chương trình “Thơ có ích gì cho chúng ta?” được tổ chức trực tuyến vào tối 14/2 đã thu hút gần 200 người trao đổi, đọc thơ. Nhiều ý kiến chia sẻ về tình yêu, tầm quan trọng của thơ ca. 

Một hoạt động hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Đắk Lắk. Ảnh: Hội VHNT tỉnh cung cấp
Một hoạt động hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Đắk Lắk. Ảnh: Hội VHNT tỉnh cung cấp

TS Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội):

Ngẫm về ích lợi của thơ ca -0
 

“Thơ vẫn kiến tạo cộng đồng nhân văn”

Khi đặt ra vấn đề thơ ca mang lại gì cho đời sống con người, nghĩa là ta nghĩ đến ý nghĩa, giá trị của thơ. Tôi nghĩ rằng, thơ vẫn là nơi để con người gửi gắm tâm tư tình cảm, suy nghĩ của mình một cách kín đáo, trong nhịp điệu và nhạc tính của ngôn ngữ, hình ảnh, hình tượng. Thơ nuôi dưỡng tâm hồn con người, bảo trì nhân tính, kiến tạo một cộng đồng nhân văn. Thơ cho ta nơi chốn để nương náu giữa cuộc sống bộn bề, ồn ã và bất an này.

Tác giả Nam Thiên Phú (Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam):

Ngẫm về ích lợi của thơ ca -0
 

“Thơ hay phải cảm xúc, tư tưởng và mạch lạc”

Thơ ca là một dạng lưu giữ văn hóa, nếp sống, kỷ niệm và cảm xúc... Vì lẽ đó, nó không thể tách rời với cuộc sống của con người. Thông qua các hình thức thể hiện, thơ ca đem đến cho mỗi người, nhất là những người của thời đại 4.0 một quan điểm và góc nhìn về cuộc sống và chiêm nghiệm trước những áp lực bộn bề của cuộc sống và gánh nặng mưu sinh. Người ta còn làm thơ có nghĩa là thơ còn chỗ đứng.

Theo tôi, thơ hay không phải là thơ đánh đố người đọc thông qua việc “làm chữ”. Thơ muốn hay phải đứng từ vốn liếng và gốc rễ văn hóa cội nguồn... Nhà thơ lấy những sự trải nghiệm ấy để phát triển và làm mới chủ đề, nhất là các chủ đề đã rất quen thuộc như làng quê, mẹ hay tình yêu đôi lứa… Người làm thơ cũng cần đọc nhiều hơn để phát hiện kịp thời những lối mòn về giai điệu, vần, thi tứ và hình ảnh; viết chậm hơn để có thời gian gọt giũa chữ và cô đọng ý thay vì chạy theo số lượng. Cá nhân tôi đánh giá, một bài thơ hay phải có cảm xúc, phải có tư tưởng mở rộng và lối triển khai mạch lạc.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn (Tinhvanbooks):

Ngẫm về ích lợi của thơ ca -0
 

“Đừng đọc lớt phớt, lấy lệ”

Như chúng ta đã biết, một tác phẩm văn học chỉ có được đời sống khi được tiếp nhận. Người đọc không đồng sáng tạo với nhà thơ nhưng là yếu tố bên trong của sáng tác. Họ giống như một người tiêu dùng trong lao động sản xuất. Bởi vậy người đọc chất lượng là người hiểu được, đồng cảm được, thậm chí họ phải phê phán, phản biện được tác phẩm của người viết. Người đọc luôn là hiện thân của quá trình sáng tác của các tác giả. Để đồng hành cùng người viết, người đọc phải biết yêu cầu, đòi hỏi khắt khe những tác phẩm mà mình đón đợi. Không đọc lớt phớt, đọc lấy lệ. Nhất là đừng khen chê không đúng mực, khiến cho nhà thơ lúng túng trong sáng tác. Khi yêu cầu của người đọc cao lên, chắc chắn chúng ta sẽ có được những tác phẩm thơ ca thực thụ, hay, thỏa đáng. Bởi sẽ không có một người sáng tác nào lại chỉ viết ra những tác phẩm mà người đọc không đón đợi.

Nhà báo Hiền Đỗ (báo điện tử Zing):

Ngẫm về ích lợi của thơ ca -0
 

“Thơ cần thiết cũng như ngắm hoa, ăn ngon”

Nội dung trọng tâm của chương trình tối 14/2 là “Thơ có ích gì cho chúng ta?” thu hút ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, thi nhân về ý nghĩa của thơ ca. Chương trình đã là minh chứng sống động cho câu hỏi: Thơ ca dù không giúp ta mua nhà, mua xe, mua iPhone đời mới… nhưng nó luôn cần thiết và hiện diện trong đời sống. Với một độc giả như tôi, thơ đơn giản là ngôn từ, thứ ngôn từ tinh túy, chưng cất từ ý, nhịp, chữ. Thơ là cái đẹp, bởi vậy thơ cần thiết với người đọc cũng giống như ai đó có nhu cầu ngắm hoa, thưởng thức món ăn ngon hay trải nghiệm những hành trình thú vị của cuộc sống.