Hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Cổ vũ văn nghệ chống dịch sao cho hay

Cần có sự nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về làn sóng sáng tạo văn nghệ trong những tháng ngày dịch bệnh vừa qua. Quan trọng hơn, kêu gọi trách nhiệm mạnh mẽ hơn từ ngành văn hóa và các hội nghề nghiệp về văn học nghệ thuật.

Đề tài chống dịch được thể hiện bằng nhiều loại hình văn học nghệ thuật phong phú. Ảnh: KHIẾU MINH
Đề tài chống dịch được thể hiện bằng nhiều loại hình văn học nghệ thuật phong phú. Ảnh: KHIẾU MINH

Từ thưa thớt đến sôi nổi

Trước những đòn đánh dữ dội của dịch bệnh, có một thực tế từng bước sôi nổi rất đáng được ghi nhận, đánh giá đầy đủ hơn. Đó là sự nhập cuộc của một bộ phận văn nghệ sĩ, tác giả trong hoàn cảnh khó khăn, trong quá trình cách ly, giãn cách, hạn chế đi lại của cả xã hội. 

Từ quãng thời gian trước và đầu năm 2020, có thể nói, các văn nghệ sĩ, tác giả nói chung còn chậm, còn có khoảng cách với đời sống đang rung lên vì sự tấn công bất ngờ của Covid-19. Nhưng sau một thời gian, nhận rõ hơn những nguy cơ trước mắt, đã có những bài hát sớm ra đời, cổ vũ người dân thực hiện 5K và các yêu cầu phòng, chống dịch. Các tác phẩm nhiếp ảnh ra đời với nhiều hình ảnh sinh động của cách ly, phun khử khuẩn…, và cả những phút nao lòng về nỗi vất vả của các bác sĩ, chiến sĩ. Loạt tranh cổ động chống dịch được vận động sáng tác, sớm công bố, lan tỏa, góp phần đưa ra những cái nhìn mang tính biểu tượng về một tình thế, tư thế, không khí của cuộc chiến đấu khốc liệt. Và nhiều bài thơ được công bố trên báo chí, lan tỏa rộng rãi hơn từ mạng xã hội. Rồi đến thể loại tản văn, ghi chép theo hình thức nhật ký, tự truyện, rồi các truyện ngắn… Cùng với đó, tiếp tục là các ca khúc mới, những bài ca đặt lời mới cho giai điệu cổ truyền như quan họ, chèo, cải lương, tập trung vào mảng đề tài phòng, chống dịch. Một số tiểu phẩm sân khấu được dàn dựng…

Nhìn chung, tác phẩm văn học nghệ thuật tập trung vào đề tài phòng, chống dịch được thể hiện với nhiều chủ đề phong phú. Có thể kể đến, như khuyến cáo, nhắc nhở toàn dân thực hiện quy định phòng ngừa Covid-19. Tôn vinh các chiến binh áo trắng, áo xanh trên mặt trận tuyến đầu ở bệnh viện dã chiến, khu điều trị, khu cách ly, nơi biên giới, trong hoạt động phối hợp các lực lượng an ninh, quân đội với các địa phương nhằm hỗ trợ người dân chống dịch. Cổ vũ các hoạt động thiện nguyện, nhân ái của đồng bào cả nước hướng về vùng dịch, về những người cách ly, giãn cách, những người khó khăn do những hệ lụy kinh tế-xã hội kéo dài từ dịch bệnh. Sẻ chia, đồng cảm với những vất vả, mất mát mà tất cả các lực lượng, thành phần tham gia vào cuộc chiến chống dịch đều ít nhiều phải gánh chịu. Tự vấn bản thân, chất vấn xã hội trước thực tại khắc nghiệt, về cái giá khốc liệt phải trả khi con người đối xử tàn tệ, tàn phá tự nhiên, môi trường, tác động xấu lên cộng đồng. Đưa ra lời trấn an, an ủi, động viên mọi người, đồng bào vững vàng, kiên trì chống dịch và lạc quan hướng về tương lai vượt qua gian khó, trở lại đời sống yên bình… 

Hạn chế từ chất lượng và tổ chức

Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, không khó để nhận ra những sáng tác, sản phẩm còn dễ dãi, sáo mòn; những lời thơ, ca từ, cách thể hiện giống như “phiên” từ văn bản chỉ đạo, báo cáo sang; những cụm từ, hình ảnh, cách nói, kể nhiều trùng lặp, quen thuộc… 

Bên cạnh đó, ngoài một số cơ quan, hội nghề nghiệp triển khai các hoạt động chuyên môn nhằm động viên văn nghệ sĩ bám sát diễn biến đời sống, lên tiếng góp sức bằng tác phẩm của mình, còn phải thấy hạn chế chung trong ý thức, tinh thần, tư thế hành động của không ít hội, ngành. Mà ở đây, không thấy được sự chủ động đi trước, vai trò kiến tạo của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đó. Có thể thấy, tinh thần góp mặt, nhập cuộc với xã hội đã đến trước từ các cá nhân văn nghệ sĩ, sau đó một số cơ quan, đơn vị mới từng bước triển khai. Vẫn có thể nhận ra sự chậm nhịp của ngành văn hóa trước những biến động xã hội do dịch bệnh. Cũng như sự thiếu đồng đều trong hoạt động của các hội văn học nghệ thuật, cả ở quy mô toàn quốc lẫn địa phương, khi phản ứng trước tình hình dịch bệnh.    

Trợ lực cho văn nghệ đồng hành

Để văn nghệ tích cực đồng hành cùng xã hội trong những bối cảnh đặc biệt, khó khăn, biến động như dịch Covid-19, cần có sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ và chủ động hơn của ngành văn hóa và các hội nghề nghiệp. Cụ thể ở đây là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội trong khối Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Các cơ quan, hội nghề trên, cần có sự phối hợp triển khai các chương trình vận động sáng tác, thi sáng tác, đặt hàng sáng tác, tuyển lựa để công bố, phát hành ra xã hội…, nhằm khích lệ văn nghệ sĩ quan tâm, sáng tác, công bố tác phẩm nhằm kịp thời cung cấp tác phẩm văn học nghệ thuật phục vụ công chúng. Đồng hành với đó, cần có những hoạt động phối hợp, hỗ trợ song hành, như tuyên truyền, quảng bá; tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ công bố, đăng tải các tác phẩm chất lượng tốt. Cũng như không bỏ qua việc sàng lọc những sản phẩm làm vội, làm ẩu, nặng tính phong trào, hô hào sáo mòn, chất lượng không cao, thiếu sự đầu tư về công sức sáng tác, đổi mới sáng tạo.  

Như vậy, cùng với việc sử dụng hệ thống báo chí, cổng thông tin điện tử, website trực thuộc, ngành văn hóa, các hội nghề nghiệp nên tích cực khai thác môi trường mạng xã hội, tích cực hợp tác với các cơ quan đài truyền hình, đài phát thanh… để phục vụ hiệu quả hơn cho việc đưa tác phẩm chất lượng tốt đến xã hội.  

Cùng với đó, một quãng lùi đáng kể sau nhiều tổn thất, đau thương, biến cố và những thành công nhất định của công cuộc chống dịch sẽ có thể khơi gợi để tiếp tục sáng tác, để hình thành những tác phẩm dài hơi, có chiều sâu, bề dày. Như vậy, có thể hình dung trước đến một nhu cầu sáng tác, một làn sóng sáng tạo về chủ đề, đề tài dịch bệnh nói riêng, biến động đời sống nói chung đang chờ đợi phía trước. Cần có sự chủ động gợi mở, sẵn sàng vận động, hỗ trợ của ngành văn hóa, hội nghề nghiệp cho những gì đang chờ đợi và sẽ tiếp tục thành hình.

Đối diện biến động chung

Đề xuất trên cũng là gợi ý chung cho công tác quản lý nhà nước về văn hóa và công tác lãnh đạo, khởi xướng, theo dõi phong trào sáng tác của hội nghề nghiệp. Cần sự chủ động, kịp thời trước những biến động, biến cố lớn của đời sống do dịch bệnh gây ra. Cũng như những thảm họa tự nhiên, môi trường, xã hội khác. 

Nhìn rộng ra, trong những năm qua, chúng ta đối mặt và gánh chịu hậu quả từ rất nhiều các loại hình thiên tai, từ bão lũ, mưa lụt, sạt lở đất, núi, lũ quét, lũ ống đến triều cường, ngập mặn, hạn hán… Và không phải đến khi dịch Covid-19 bùng phát gần hai năm qua, chúng ta mới nhận ra những vấn đề nghiêm trọng về xã hội, trong đời sống người dân, mà một lực lượng không nhỏ là công nhân xa quê hương, người lao động tự do, người nghèo; những bất cập trong tình hình quản trị xã hội ở địa phương, cơ sở; và cả những mối nguy hại to lớn trong một số lĩnh vực, ngành nghề đã dần dần hé lộ, bị dư luận lên án và đang dần dần đối mặt trước tòa án nhân tâm, tòa án pháp luật… Những vấn đề, tiêu cực đó vốn đã tồn tại nhức nhối trong đời sống từ nhiều năm qua.   

Không chỉ dịch bệnh, mà cả những vấn đề tự nhiên, môi trường, xã hội khác, đều là những biến động nguy hại, biến đổi theo chiều hướng tiêu cực đáng lo sợ. Chúng gặm nhấm con người cả về sức khỏe, thể trạng đến tinh thần, tâm lý, cả ở khía cạnh đạo đức lẫn lòng tin; gặm nhấm sự ổn định, tốt đẹp và phát triển của xã hội. Nhìn rộng ra từ cuộc ứng phó nhọc nhằn, bền bỉ với dịch bệnh thời gian qua, có thể thấy rằng, vai trò, tiếng nói, tư thế của ngành văn hóa, các hội nghề nghiệp văn nghệ trước dịch bệnh và các vấn đề biến động khác, cần được chính ngành nghề, hội nghề tự nhìn nhận, thúc đẩy mạnh mẽ hơn, phát huy tích cực vào việc cổ vũ, đồng hành, tiếp lửa cho văn nghệ sĩ cất tiếng nói cùng thời cuộc.  

Thích ứng công nghệ số

Trong điều kiện hạn chế về đi lại, phương tiện, thiết bị ở những vùng dịch bệnh, những khu vực phong tỏa, trong những ngày tháng các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, văn nghệ sĩ đã vận dụng thế mạnh của công nghệ số, không gian mạng, các diễn đàn và trang cá nhân trên mạng internet như những con đường nhanh chóng và hữu hiệu để công bố, lan tỏa tác phẩm của mình.

Ở vai trò khởi xướng, phối hợp hoạt động cho những làn sóng văn học nghệ thuật phòng, chống dịch bệnh, đã có một số hội nghề, cơ quan đơn vị vào cuộc. Và từ tình hình thực tế, cũng nhanh chóng xác định việc công bố, giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm văn học nghệ thuật trên một số phương tiện thông tin đại chúng một cách song hành hoặc ngay khi kết thúc chương trình vận động, thi sáng tác. Điều đó cũng cho thấy ý thức thích ứng, sự linh hoạt trong tổ chức, vận hành các hoạt động chống dịch trong mùa dịch.