ADB hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân và cải cách doanh nghiệp nhà nước

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, ADB đã phê duyệt khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 4,6 triệu USD để giúp Chính phủ Việt Nam tăng cường các quan hệ đối tác công - tư (PPP), phát triển khu vực tư nhân và cải cách doanh nghiệp nhà nước. 

Nguồn: baochinhphu.vn
Nguồn: baochinhphu.vn

Hỗ trợ kỹ thuật này sẽ cung cấp tư vấn về chính sách, giúp chuẩn bị dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực thể chế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Khoản tài trợ bao gồm 2,7 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Canada và 1,9 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Australia, cả hai đều do ADB quản lý. 

Gần 1,3 triệu hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vốn vay ưu đãi 

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP), tính đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 247.340 tỷ đồng, tăng 13.914 tỷ đồng so năm 2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 23.467 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,3% tổng nguồn vốn, tăng 3.152 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm 2021. Tổng doanh số cho vay trong sáu tháng đầu năm của VBSP đạt 48.217 tỷ đồng, với gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Thu nhập bình quân của người dân giảm 1%

Theo công bố về kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 và tình hình lao động việc làm quý II/2021 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân (TNBQ) một người một tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016 - 2020, thu nhập bình quân đầu người một tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%. TNBQ một người một tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng). Nhóm 20% hộ giàu nhất (nhóm 5) có TNBQ một người một tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng, cao gấp hơn tám lần so nhóm 20% hộ nghèo nhất (nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng…

Nhiều bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo giải ngân

Theo Bộ Tài chính, nhiều năm nay, việc thực hiện báo cáo giải ngân chưa được thực hiện nghiêm. Hiện, còn nhiều bộ, ngành và địa phương thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình giải ngân hằng tháng chậm so thời gian quy định, nội dung báo cáo sơ sài. Để bảo đảm các đơn vị nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo trong các tháng sau, Bộ Tài chính đã có các công văn số 5718/BTC-ĐT và 5719/BTC-ĐT gửi các bộ, ngành, địa phương về việc đôn đốc gửi báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công theo Thông tư số 15/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Toàn ngành thuế đã thực hiện được 26.721 cuộc thanh tra, kiểm tra

Báo cáo của Tổng cục Thuế ghi nhận, trước đây công tác thanh tra, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế chỉ mới kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ về mặt số học trên hồ sơ khai thuế. Từ khi có các giải pháp mới, công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đã có những bước tiến lớn, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Với những đổi mới mạnh mẽ trong quy trình thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là chuyển sang kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, tính đến giữa tháng 6/2021, toàn ngành đã thực hiện 26.721 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 25,8% kế hoạch năm 2021, bằng 122% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kiểm tra được 281.209 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 121% so cùng kỳ năm 2020.