Báo động tình trạng sử dụng thuốc quá liều

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố mới đây cho thấy, việc thanh, thiếu niên Mỹ sử dụng thuốc quá liều đang ngày càng gia tăng. Nhiều chiến dịch và biện pháp đã được giới chức “xứ cờ hoa” đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng báo động này.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình các nạn nhân tuần hành phản đối ứng dụng Snapchat. Ảnh: THE GUARDIAN
Gia đình các nạn nhân tuần hành phản đối ứng dụng Snapchat. Ảnh: THE GUARDIAN

Ngày 15/12 vừa qua, CDC Mỹ công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng dùng thuốc quá liều ở những người từ 10 đến 18 tuổi tại Mỹ đã tăng hơn hai lần chỉ trong khoảng hai năm, từ năm 2019 đến năm 2021, đồng thời cảnh báo những rủi ro của thuốc giả có chứa chất fentanyl. Theo báo cáo của CDC, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2021, tổng cộng 1.808 trường hợp thanh, thiếu niên sử dụng thuốc quá liều đã được báo cáo tại 31 bang và Thủ đô Washington D.C.

Fentanyl là một loại thuốc phiện tổng hợp cực mạnh và dễ gây nghiện. Nhiều nghiên cứu cho thấy, fentanyl từng được sử dụng để bào chế các loại ma túy nguy hiểm như heroin. Với đặc điểm dễ sản xuất với chi phí thấp trong phòng thí nghiệm, loại thuốc này đã tràn ngập thị trường Mỹ trong những năm gần đây. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, fentanyl là một loại thuốc rất nguy hiểm, khi dùng quá liều lượng có thể khiến người sử dụng trầm cảm, thậm chí tử vong.

Theo The New York Times, nghiên cứu của CDC Mỹ cũng cho thấy, trong giai đoạn 2019-2021, thanh, thiếu niên sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện bất hợp pháp nhìn chung giảm. Điều này chứng tỏ số ca tử vong tăng có thể là do các loại thuốc mạnh hơn, chứ không phải do sử dụng thuốc thường xuyên hơn. Bà Shannon Doyle, mẹ của một nạn nhân 16 tuổi thiệt mạng vì sử dụng thuốc chứa chất fentanyl cho biết: “Con gái tôi được cho một viên thuốc mầu xanh. Nó cứ nghĩ đó là thuốc giảm đau, nhưng đó lại là fentanyl 100% nguyên chất”. Các chuyên gia y tế khẳng định, những trường hợp như con gái bà Doyle rất nhiều trong thời gian gần đây. Khoảng 25% các trường hợp thanh, thiếu niên dùng thuốc quá liều liên quan thuốc giả, thường được bán dưới vỏ bọc thuốc giảm đau Oxycodone hoặc thuốc điều trị rối loạn lo âu Alprazolam.

Báo cáo của CDC nhấn mạnh thực trạng thuốc giả gia tăng đặc biệt đáng lo ngại ở thanh, thiếu niên khi hoạt động tiếp thị thuốc nhắm vào nhóm người này và những loại thuốc giả cũng được bán rộng rãi thông qua mạng xã hội. Những kẻ buôn bán thuốc giảm đau gây nghiện thường tiếp cận những người trẻ từ 10 đến 18 tuổi trên các ứng dụng mạng xã hội như Snapchat, TikTok, Instagram. Chúng cũng thường sử dụng biểu tượng cảm xúc để mã hóa. Thí dụ, biểu tượng chiếc tàu hỏa ám chỉ chất gây nghiện amphetamine, hay thanh chocolate để chỉ hợp chất benzodiazepine thường có trong thuốc an thần. Việc tiếp cận thuốc dễ dàng đã khiến số trường hợp tử vong vì thuốc giảm đau gây nghiện tăng lên ở nhóm đối tượng này.

Trước tình trạng sử dụng thuốc quá liều gia tăng, Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ (DEA) đã phát động chiến dịch mang tên “Một viên thuốc có thể cướp đi sinh mạng con người” để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của fentanyl. Tuy nhiên, đây là chiến dịch đầy thách thức, bởi sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của nước Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ. Cũng trong năm ngoái, DEA đã thu giữ gần bảy tấn fentanyl trong một chiến dịch truy quét diện rộng.

Mới đây, CDC đã cảnh báo chính phủ và người dân Mỹ cần khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm ngăn các ca tử vong ở thanh, thiếu niên do lạm dụng thuốc. Trong đó, CDC cho rằng cần tăng cường các chiến dịch tuyên truyền, cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc giả, đồng thời sử dụng truyền thông giúp giới trẻ hiểu biết về các xét nghiệm phát hiện sự tồn tại của fentanyl. Cơ quan này cũng khuyến nghị hướng dẫn những người trẻ tuổi biết về thuốc giải độc naloxone, loại thuốc có thể ngăn chặn tác dụng của thuốc phiện và được sử dụng trong trường hợp quá liều.