Những năm gần đây, nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại các di tích, là nơi thường có kiến trúc độc đáo, nhiều hiện vật quý lâu đời. Chỉ một trận lửa, hoặc chập điện, hay do hương nến… là nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ, tượng sơn thếp, đồ thờ tự hàng trăm năm bị hủy hoại. Nhìn rộng ra những vụ việc tại nhiều di tích khác thì đã có không ít vụ mất cắp tượng, chuông chùa, mất sắc phong trong đình…, rất đáng tiếc.
Thế nhưng tiến trình khắc phục, xử lý, làm rõ trách nhiệm với các thành phần liên quan đến di tích lại thiếu sự rốt ráo, rõ ràng, minh bạch. Điều này không như với những vụ cháy hay mất cắp khác trong xã hội, phải được cơ quan chức năng vào cuộc, truy tìm, xác định nguyên nhân, thủ phạm, tòng phạm, quy trách nhiệm dân sự hay xử lý theo khung hình sự. Phải chăng, với các di tích, vẫn có những chậm chạp, thiếu quyết liệt trong việc tìm hiểu, điều tra, xác minh và quy trách nhiệm?
Một di tích đặt trong không gian thôn, xã hay tổ dân phố, phường…, thì ngoài việc phân cấp quản lý còn chịu sự quản lý của cơ quan chức năng địa phương về các yếu tố con người, cơ sở vật chất. Với giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật vốn có, nơi này được sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về văn hóa, di sản. Địa phương ở cấp huyện, xã, quận, phường và cả ở cấp cao hơn, đều thành lập các ban quản lý di tích hoặc có phòng di tích, di sản để quản lý, nhất là các ban quản lý trực tiếp trông nom di tích. Đặc biệt là các cá nhân, nhóm nhân sự cụ thể có trách nhiệm coi sóc, giữ gìn, thường xuyên ở tại di tích như các nhà tu hành, các ông từ, bà từ, rồi lực lượng bảo vệ…
Như vậy là rất rõ ràng về các thành phần, nhân sự liên quan đến một di tích. Vì thế, công tác của các cơ quan chức năng liên quan đến nơi đó đều có đối tượng để tìm hiểu, không gian để kiểm tra, rà soát, xử lý nếu có sự cố hay hiện tượng tiêu cực… Cũng như, có đủ cơ sở luật pháp, quy định chung để đánh giá những diễn biến, tổn thất hay mất mát xảy ra tại đây. Mong rằng rồi đây, các sự cố đáng tiếc hoặc có yếu tố tiêu cực, vi phạm pháp luật… xảy ra tại di tích, danh thắng sẽ được các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, chặt chẽ và triệt để hơn. Đó cũng là cách để tăng cường tính cảnh báo, nhắc nhở đối với các di tích, danh thắng khác còn lơ là, mất cảnh giác, thậm chí coi nhẹ việc bảo vệ hiện vật, cổ vật, giữ gìn an ninh, an toàn cháy nổ...