Phóng viên (PV): Được biết đến như một ca sĩ hát nhạc xưa, rồi nhạc dân gian đương đại, nhưng mới đây Minh Thu lại phát hành album nhạc cách mạng với tên gọi “Bài ca không quên” và sản phẩm đã nhận được sự chú ý của đông đảo người nghe. Vì sao lại có sự chuyển hướng như vậy?
NSƯT Minh Thu (MT): Những ca khúc cách mạng đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó có thế hệ của Minh Thu, nên có thể nói, dòng nhạc này đã nằm sâu trong tâm trí của khán thính giả. Bản thân Minh Thu từng có ba năm làm một người lính dưới mái trường nghệ thuật quân đội, có thể vì thế những bài hát về người lính cũng đã thấm vào mình một cách sâu sắc hơn.
Minh Thu còn nhớ hồi sinh viên năm thứ nhất đã chọn ca khúc “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, tham gia Liên hoan Tiếng hát truyền hình Hà Nội và đạt giải cao. Trong suốt quãng đời làm nghệ thuật đã qua, Minh Thu cũng đã biểu diễn và thu âm nhiều ca khúc nhạc đỏ và được khán giả đón nhận tích cực. Với mong muốn lan tỏa tinh thần hào sảng, yêu đời, yêu quý và trân trọng những thành quả của các lớp cha anh đã mang lại cho đất nước ngày hôm nay, Minh Thu đã từng phát hành hai album nhạc cách mạng để tri ân những giá trị tốt đẹp đó. Album “Bài ca không quên” được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt là động lực lớn để Minh Thu tiếp tục thể hiện thật tốt những bài hát của dòng nhạc này.
PV: Những ca khúc về người lính như “Em vẫn đợi anh về”, “Vết chân tròn trên cát”, “Màu hoa đỏ”, “Khát vọng”, “Tự nguyện”... được thể hiện trong những bản phối mới qua giọng hát của Minh Thu không những được người nghe đã đi qua chiến tranh mà cả các bạn trẻ đón nhận. Theo chị vì sao những ca khúc này lại có một sức sống lâu bền như vậy trong lòng người nghe?
MT: Minh Thu là người rất đa cảm, khi nhìn vào sâu trong từng ca từ và đọc về hoàn cảnh ra đời mình cảm nhận được rõ những khát khao, tâm tư của người lính, rồi kỷ niệm của họ trong chiến đấu, về người phụ nữ của họ với những ước mơ chồng vợ yêu thương khi chiến tranh kết thúc. Tất cả những điều này luôn hiện ra trong đầu mình khi mình cất lên từng câu hát. Luôn là điều gì đó thiêng liêng, vì đại nghĩa, vì Tổ quốc và vì sự tự nguyện hy sinh của những người lính.
Dù Minh Thu thể hiện những ca khúc đó theo những bản phối mới, nhưng tinh thần bài hát sau nhiều năm ra đời vẫn giữ nguyên giá trị. Minh Thu ấn tượng vô cùng với những lần đến viếng nghĩa trang liệt sĩ. Rất khó để nói ra bằng lời sự kính trọng và biết ơn của mình với những người lính đang nằm dưới mộ sâu.
PV: Theo chị, những ca khúc về người lính còn có thể mang lại những nguồn cảm hứng như thế nào cho thế hệ trẻ hôm nay, nhất là trong những ngày này, khi chúng ta đang hướng về ngày tri ân các thương binh, liệt sĩ và cũng là những ngày cả nước đang chung sức chống dịch Covid-19?
MT: Minh Thu xin nói về bài hát “Đồng đội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Ở đó là sự tự bạch của những người lính trẻ và rất trẻ. Ước mơ của họ là gì? Chỉ là “sau này xong chiến đấu trở về nơi cánh đồng lúa mát xanh để lái máy cày”! Và nếu thêm ước mơ cho hiện tại chỉ là “Mơ người tôi yêu dấu, cách xa muôn dặm mà lòng không xa...”. Vậy mà ước mơ giản đơn đó không phải người lính nào cũng có được. Có người trở về khi mất đôi chân, hay con mắt, cánh tay. Có người bị bom đạn vùi chôn mãi mãi tuổi đôi mươi nơi chiến trường và ôm mãi giấc mơ hòa bình... Minh Thu luôn mong muốn giới trẻ thời hiện tại biết được dù chỉ một phần nhỏ thôi về những điều này! Không chỉ ngày 27/7 mà mỗi ngày, trong hành trang của một công dân Việt Nam không thể thiếu một điều suy ngẫm: “Tôi đã sinh ra trên mảnh đất anh hùng như thế nào?”. Không chỉ nói về những cuộc chiến chống ngoại xâm trong thế kỷ 20 mà các tiền bối trong lịch sử cũng đã anh dũng bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc ta như thế nào. Câu hát: “Đất nước gian lao, chưa bao giờ bình yên. Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người” thật đúng với hôm nay. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang vô cùng khó khăn, mỗi người Việt chúng ta cần học tập các thế hệ cha anh về sự đoàn kết chống giặc năm xưa để quyết tâm đấu tranh với kẻ thù vô hình hôm nay. Minh Thu tin rằng, các bạn trẻ sẽ có được cảm hứng sống nhiều hơn, mạnh mẽ hơn khi kết nối lịch sử dân tộc với hiện đại qua những ca khúc hào hùng nhưng cũng tràn đầy tinh thần lạc quan, lãng mạn như vậy.
PV: Mọi hoạt động biểu diễn đang bị đóng băng, những ngày ở nhà chống dịch, chị thường làm gì?
MT: Những ngày chống dịch này Minh Thu không thể đi biểu diễn, nhưng tình yêu với nghề khiến mình không ngồi yên. Mình làm studio và dựng những clip về các bài hát hay nhất. Mình cũng đã thu âm xong một CD 10 ca khúc trữ tình về người lính trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Mình cũng tranh thủ dành thời gian đọc những cuốn sách nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Minh Thu là người rất yêu sử Việt.
PV: Chị có dự định gì trong thời gian sắp tới, khi dịch bệnh qua đi?
MT: Minh Thu sẽ phát hành một album, là sản phẩm hữu hình gồm những ca khúc hay về người lính. Ngoài ra, Minh Thu cũng dự định sẽ sản xuất một album nhạc trẻ hay nhất, những bài hát hay trước đây mình rất yêu thích nhưng chưa có nhiều cơ hội để thể hiện. Cùng với đó là một vài buổi biểu diễn quy mô nhỏ dành cho khán giả yêu mến Minh Thu.
PV: Xin cảm ơn ca sĩ Minh Thu!