Bức xúc vì bụi
Mấy năm nay, những người dân sống tại đường quốc lộ 6 (đoạn qua quận Hà Đông, Hà Nội) lâm vào cảnh khóc dở, mếu dở khi phải sống chung với bụi. Ngày ngày, đoạn đường này phải oằn mình gánh hàng trăm lượt xe tải, xe trọng tải lớn ùn ùn chạy qua. Với mật độ xe cộ lưu thông khá đông, đặc biệt có nhiều xe khách, xe tải thường xuyên qua lại nên nhiều khi bụi tung mù mịt che khuất tầm nhìn. Để đối phó với bụi, các hộ dân hai bên đường thường xuyên đóng cửa, đeo khẩu trang suốt ngày, thậm chí nhiều hộ phải mua bạt về che chắn quanh nhà... Trước đây, người dân sống hai bên đường còn buôn bán hàng quán để kiếm thêm thu nhập, nhưng hiện tại nhiều hàng quán đã đóng cửa.
Theo phản ánh của người dân, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường này, do bụi che khuất tầm nhìn nên hai người đi đường đã tông vào biển báo an toàn công trình dựng trên đường. Chỉ vào lớp bụi bám trên cánh cửa nhà, ông Lê Văn Ngọc (70 tuổi) bức xúc: Mỗi ngày, lượng xe tải chở theo xi-măng tươi, đất đá... với trọng tải lớn chạy qua con đường này nhiều không đếm xuể. Xe chạy cả ngày lẫn đêm không ngớt khiến con đường này lúc nào cũng bụi mù mịt.
Ngôi nhà ông Ngọc nằm ngay sát mặt đường vốn để cho thuê làm mặt bằng kinh doanh. Tuy nhiên, khách đến mướn, nhiều nhất chỉ vài tháng là “bỏ của chạy lấy người” vì không sao chịu được bụi. Có nhà vì công việc kinh doanh bắt buộc thì trang bị thêm giàn phun nước trên mái hiên để hạn chế nhưng cũng bất lực. Bụi dày đặc từ sáng sớm đến tận khuya. Bụi lởn vởn trong không khí tạo thành màn sương mù mịt. Người qua lại, nếu không mang khẩu trang thì được “ăn bụi, hít cát” từ các xe siêu trường, siêu trọng theo đúng nghĩa đen.
Chung cảnh tương tự, những người dân sống tại đoạn đường qua tỉnh lộ 70 (phường Phúc La, Hà Đông) cũng chịu cảnh khói bụi nhiều năm nay. Anh Long (sống tại tòa nhà CT10, KĐT Xa La) cho biết: thời gian đầu chuyển tới gia đình anh đều cảm thấy rất ồn ào. Tuy nhiên sau này cũng quen dần nhưng điều bất lợi nhất hiện nay là bụi bẩn. Nhà anh lại thấp tầng nên lúc nào cũng phải đóng kín cửa, ngay cả ban công cũng đầu tư lắp thêm cửa kính song vẫn không cản được bụi. “Hàng chục chiếc xe ben chở đầy đất đá nối đuôi nhau chạy qua đây từ sáng tới tối, bụi bặm bao phủ hết lớp này đến lớp khác. Ngày nào cũng phải lau chùi hai, ba lần những cũng không hết. Khói bụi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của các gia đình ở đây, khổ nhất là các cháu nhỏ và người già”, anh nói.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy: Hằng năm, nước ta thải ra môi trường không khí khoảng gần 200 tấn bụi chì, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm tới 100 tấn. Phần lớn khói bụi chì thải ra môi trường có nguồn gốc từ các công trường xây dựng, sản xuất công nghiệp, luyện kim, khai thác mỏ, sản xuất tái chế như tái chế bình ắc quy, sử dụng sơn pha chì... Tuy nhiên, nguồn thải ra khói bụi chì lớn nhất chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, ô-tô. Hầu hết các phương tiện này đang sử dụng nhiên liệu có chứa chì nên trong quá trình hoạt động sẽ thải ra không khí một lượng khói bụi chì khá lớn. Trong khi đó, việc đi lại trên đường phố là nhu cầu cần thiết hằng ngày, do vậy phơi nhiễm thường xuyên khói bụi chì khó ai tránh khỏi và những nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe cũng ít người lường hết được.
Những năm qua, dân số ở các đô thị tăng nhanh tạo ra sức ép về nhà ở, nước sinh hoạt, năng lượng, dịch vụ y tế... Trong khi lượng chất thải (nước, rác thải) lại tăng, còn diện tích cây xanh lại giảm khiến mật độ giao thông và lượng khí thải, bụi chì tăng lên. Kết quả quan trắc môi trường không khí cho thấy, hầu hết các đô thị đều bị ô nhiễm không khí trầm trọng, nhất là ô nhiễm bụi, ô nhiễm khí SO2, CO, NO2... đặc biệt là loại bụi siêu mịn PM 1.0, PM 2.5. Tại TP Hồ Chí Minh, nồng độ chất ô nhiễm trong không khí khu vực ven đường giao thông, trong đó chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và bụi PM 10 tăng 1,07 lần. Còn tại Hà Nội, nếu không có giải pháp nào thì nồng độ phát thải bụi mỗi năm có thể đạt 200 mg/m3 vào năm 2020, gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh GreenID cho biết: Năm 2016, GreenID đã tiến hành nghiên cứu chất lượng không khí dựa trên việc rà soát, phân tích các số liệu, tập trung vào chỉ số chất lượng không khí (AQI) và bụi PM 2.5 tại Hà Nội. AQI là chỉ số đại diện cho nồng độ của một nhóm các chất ô nhiễm gồm: CO, NO2, SO2, O3 và bụi nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí khu vực ven đường hoặc dân cư trong thành phố. Bụi PM 2.5 là loại bụi siêu nhỏ trong khí quyển với đường kính động học ≤ 2,5 µm, có khả năng đi sâu vào phế nang phổi, gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong đối với những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim. Bên cạnh đó, ngửi khói bụi chì còn gây ngộ độc, lâu ngày chì sẽ tích lũy trong gan dẫn đến ung thư. Hơn nữa, chì là kim loại cực độc, khi vào cơ thể sẽ tác động cả hệ miễn dịch, tim mạch, thận, bộ phận sinh sản... gây ra những tác hại vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe con người.