Cần nghiên cứu kỹ
Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp UBND TP Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE Group) và Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học-công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học tìm kiếm giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch, nhằm từng bước cải tạo môi trường nước ô nhiễm tại các dòng sông ở Hà Nội.
Theo JVE, để có thể khiến sông Tô Lịch trở lại như xưa, cần phải giải quyết các vấn đề về thu gom nước thải và cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để nguồn gốc gây ra mùi hôi; xử lý bùn đáy, tầng nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão… Tại đề xuất lần này, quy mô dự án sẽ bao gồm hai hạng mục: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (phía dưới mặt đất) và cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh” (phía trên sông Tô Lịch).
Nhiều chuyên gia nhận định, ý tưởng đề án cải tạo sông Tô Lịch của JVE có thể đem lại diện mạo mới cho Thủ đô, song cần phải tính toán, bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp ý kiến của các nhà chuyên môn, chuyên gia liên ngành để tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất. Bởi thực tế trước đây đã có rất nhiều các nghiên cứu đưa ra nhưng đều không hiệu quả hoặc chưa thực hiện được. Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là do chưa thể giải quyết một cách tổng thể các vấn đề mang tính hệ thống từ phương thức thực hiện đến mục tiêu, biện pháp kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE Group cho biết, dự án sẽ không tác động đến khi dân cư sống ở hai bên sông, không phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án; không thu hẹp lòng sông, không bê-tông hóa, cứng hóa đáy sông… Ngoài ra, dự án sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị… vốn gây nhiều bức xúc trong những năm qua. Phương án tài chính là sẽ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA, một phần vốn đối ứng trong nước và một số nguồn tài chính khác.
Mong chờ sự hồi sinh
Trong những năm qua, đã có không ít các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… được tổ chức để mổ xẻ vấn đề, tìm ra những giải pháp tổng thể, căn cơ làm sạch và hồi sinh dòng sông này sao cho phù hợp giá trị văn hóa, lịch sử của nó. Tuy nhiên cho đến nay, sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm nặng.
Hiện nay, sông Tô Lịch có điểm đầu từ Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu) rồi nhập vào sông Nhuệ, tổng chiều dài gần 14km. Sông có các nguồn cấp nước chính từ Hồ Tây, sông Lừ, nguồn nước mưa, nước thải… Và dưới tác động của quá trình đô thị hóa, lượng dân cư sống dọc hai bên bờ sông cũng tăng lên theo từng năm, điều đó khiến lượng nước thải sinh hoạt phát sinh đổ vào hệ thống sông Tô Lịch ngày càng nhiều và gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nên, từ một dòng sông trong xanh đầy tôm cá, nơi này trở thành mương nước thải của thành phố từ lúc nào.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn tuyến sông Tô Lịch có hơn 280 cửa xả nước thải, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150 nghìn m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý mà xả trực tiếp xuống dòng sông và đây được coi là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, vẫn có một số người dân còn vứt các loại rác xuống dòng sông như túi nylon, xác động vật, chai nhựa, thùng xốp… gây tắc nghẽn, cản trở dòng chảy và làm tăng mức độ ô nhiễm. Vì thế, người dân Thủ đô sống tại hai bên bờ luôn mong ngóng sông Tô Lịch sẽ được cải tạo, đưa dòng nước mát xanh trong như ngày nào trở lại.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố luôn quan tâm, tìm kiếm những biện pháp hữu hiệu nhất để cải tạo nguồn nước ô nhiễm tại các sông, hồ Hà Nội. Những nội dung của đề xuất này khá mới và cần được các sở, ngành của thành phố nghiên cứu, tiếp cận có định hướng, có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học. Hơn nữa, đây là dự án lớn, cần thời gian dài chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nguồn lực để thực hiện là rất lớn, do đó cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét tính khả thi của đề xuất.