Tổ chức lại giao thông
Hà Nội vừa tiếp tục thí điểm tổ chức lại giao thông nút Ngã Tư Sở-Láng, vốn được mệnh danh là “ngã tư khổ” về ùn tắc ở Thủ đô. Theo đó, phương án điều chỉnh lần này cấm các phương tiện rẽ trái trên đường Láng đi đường Tây Sơn; thay vào đó sẽ đi thẳng qua nút Ngã Tư Sở-Láng và quay đầu rẽ trái đi đường Tây Sơn tại điểm quay đầu ở đường Trường Chinh (cách nút giao 760m). Sau đó, các phương tiện có thể đi thẳng về đường Láng hoặc rẽ phải để đi đường Tây Sơn.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan tham mưu cho thành phố triển khai một số giải pháp cấp bách nhằm khắc phục các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông. Một trong số các giải pháp được áp dụng ngay là tổ chức lại giao thông để giải quyết các bất cập, xung đột dòng xe ở những điểm “nóng”. Trước nút Ngã Tư Sở-Láng, Hà Nội cũng sắp xếp lại hàng loạt nút giao khác như Tố Hữu-Vũ Trọng Khánh-Hoàng Minh Giám-Nguyễn Chánh-Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám-Hoàng Ngân-Nguyễn Thị Thập.
Đánh giá về giải pháp trên, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, những ngày cận Tết, lưu lượng phương tiện quá đông, vượt quá khả năng thông hành của một số nút nên còn xảy ra tình trạng ùn ứ, tuy nhiên không xảy ra ùn tắc kéo dài như trước. Đặc biệt tình hình tại các nút giao “nóng” về ùn tắc cũng như các tuyến đường lân cận đến nay đã được cải thiện đáng kể. Sở đang kiến nghị UBND TP Hà Nội triển khai chính thức sau thời gian thí điểm, đồng thời cùng rà soát trên toàn bộ các tuyến đường để tổ chức lại phù hợp hơn.
Trước đó, Sở đã thành lập bốn nhóm công tác giúp việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, khảo sát, đề xuất các giải pháp nhằm xử lý bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn, tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Các nhóm công tác có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin phản ánh bất cập về tình hình tổ chức giao thông, trật tự đô thị thông qua các kênh thông tin (Facebook, Zalo, VOV giao thông, các kênh báo chí...) để kiểm tra, lên phương án đề xuất các giải pháp, phương án tổ chức giao thông nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Vẫn cần giải pháp lâu dài
Dự báo thời gian tới, Hà Nội sẽ phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới trong khi hạ tầng còn chưa phát triển kịp mức độ tăng phương tiện, việc tổ chức phân luồng giao thông là phương án tức thời đem lại hiệu quả nhanh và tiết kiệm chi phí nhất. Để có thêm công cụ phân tích tổng hợp, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội mua phần mềm mô phỏng hoạt động giao thông, phần mềm đo đếm lưu lượng phương tiện làm căn cứ tổ chức giao thông khoa học, hiện đại, hiệu quả hơn.
Hà Nội hiện có 7,7 triệu phương tiện giao thông, trong đó, có hơn 1 triệu ô-tô và hơn 6,5 triệu xe máy, 180 nghìn xe máy điện. Chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố thường xuyên đi lại. Những năm gần đây, số phương tiện tăng trung bình 4-5%/năm, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 17,8%. Về lâu dài vẫn phải có những giải pháp tháo gỡ các nút thắt về quỹ đất, hạ tầng giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng.
Dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023, thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại 74 vị trí có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Riêng khu vực các bến xe khách liên tỉnh, bố trí 7 chốt phân luồng hướng dẫn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông khu vực cổng ra, cổng vào của bến xe.