Xu hướng phát triển năng lượng phục vụ sản xuất

Năng lượng tái tạo phi thủy điện hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh vì những thách thức do sự gián đoạn của công nghệ và hạn chế trong công nghệ lưu trữ năng lượng ở phần lớn các thị trường châu Á. Fitch Solutions đưa ra nhận định, sự phụ thuộc vào sản xuất nhiệt điện truyền thống sẽ chưa suy giảm nhiều trong thập kỷ này.
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành nhà máy điện rác Nam Sơn. Ảnh: NAM ANH
Vận hành nhà máy điện rác Nam Sơn. Ảnh: NAM ANH

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Fitch Solutions, nhu cầu điện của châu Á đang tăng nhiều nhất thế giới, do các ngành sử dụng nhiều năng lượng phát triển mạnh mẽ sau khi mở rộng các hoạt động kinh tế và sản xuất. Dự báo mức tăng trưởng tiêu thụ điện của châu Á trung bình khoảng 3,5%/năm trong 10 năm tới, từ 13.073TWh vào cuối năm 2022 lên 18.406TWh vào năm 2032. Tổng mức tiêu thụ điện từ các thị trường châu Á sẽ chiếm hơn 50% mức tiêu thụ toàn cầu, với Trung Quốc và Ấn Độ tăng nhiều nhất. Trong số 5.333 TWh tăng tiêu thụ điện ở châu Á, khoảng 69% sẽ đến từ Trung Quốc, trong khi 17% đến từ Ấn Độ. Các nền kinh tế này là trung tâm chính của các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng.

Ngành điện đang phát triển sẽ hỗ trợ nhu cầu điện ngày càng tăng của khu vực nhưng chiếm ưu thế vẫn là lĩnh vực nhiệt điện truyền thống. Khi nhu cầu về điện ở châu Á tăng lên, cùng với hoạt động kinh tế khởi sắc trong những quý tới, các thị trường sẽ phải tăng cường sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp. Và lĩnh vực nhiệt điện thông thường sẽ phải tăng sản lượng điện bằng cách tăng nguyên, nhiên liệu cần thiết và tăng công suất hoạt động. Nhiều thị trường ở châu Á đã mở cửa trở lại các nhà máy điện than phát thải nhiều để phục vụ nhu cầu điện trong nước, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên bị thắt chặt và giá cả tăng cao.

Trong bối cảnh đó, vào ngày 14/12/2022, Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế đã nhất trí về một thỏa thuận hợp tác trị giá 15,5 tỷ USD để Việt Nam giảm sản lượng điện than, hướng tới mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050. Sự hợp tác này, còn được gọi là Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), có sự tham gia của EU, Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản.

JETP đưa ra bốn mục tiêu chính: Đẩy nhanh mục tiêu phát thải cao nhất của Việt Nam từ năm 2035 xuống năm 2030; Giảm mức phát thải cao nhất hằng năm của ngành điện từ 240mtCO2e xuống còn 170mtCO2e; Hạn chế công suất tối đa nhiệt điện than của Việt Nam từ 37,0GW xuống 30,2GW; Đạt 47% tỷ trọng hỗn hợp điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng so với kế hoạch hiện tại là 36%.

Với sự khuyến khích và hỗ trợ, năng lượng tái tạo phi thủy điện sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Trong tương lai, sẽ có những hạn chế với sự thống trị liên tục của nhiệt điện truyền thống trong hỗn hợp điện năng. Tuy nhiên, quỹ đạo tăng trưởng hiện tại sẽ chưa đủ mạnh để vượt qua sản xuất nhiệt điện truyền thống.

Thực tế cho thấy, trong khi JETP gây áp lực kìm hãm tăng trưởng sản xuất điện đốt than, thì mức tiêu thụ than nội địa của Việt Nam vượt xa sản lượng sản xuất, phản ánh sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhập khẩu than. Đối với khí đốt tự nhiên, thị trường đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc mở rộng khả năng sản xuất khí đốt. Năm 2022 kết thúc với lượng sản xuất than và khí đốt lần lượt là 50% và 12% nhu cầu phát điện. Dự báo con số này sẽ là 47% và 19% vào năm 2032. Khi nền kinh tế mở rộng và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng để tăng cường hoạt động, nhu cầu về công suất điện khả dụng sẽ tăng lên. Điều này sẽ khiến thị trường trong nước phải đối mặt với việc phải nhập khẩu nhiều năng lượng hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào sự biến động của thị trường quốc tế và chưa thể thoát khỏi năng lượng hóa thạch.

Nhưng dù tác động của quá trình chuyển đổi hoàn toàn hỗn hợp năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch không xảy ra trong thập kỷ tới, thì điểm sáng của JETP là nhắm mục tiêu cụ thể vào giảm sản xuất điện từ than đá, tạo cơ hội cho việc mở rộng lĩnh vực điện sản xuất bằng khí đốt. JETP cho Việt Nam giới hạn công suất cao nhất của nhiệt điện than từ 37,0GW xuống còn 30,2GW. Tác động của mục tiêu này đối với việc giảm bớt sự “thống trị” của nhiệt điện truyền thống là không đáng kể. Hiện tại, JETP chưa đồng thuận với mục tiêu dự thảo Quy hoạch Phát triển điện VIII (PDP8) của Việt Nam là có hơn 36GW công suất điện đốt than vào năm 2030, nhưng vẫn có thể duy trì mục tiêu là 30GW công suất điện đốt than vào năm 2025. Hơn nữa, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế ước tính rằng Việt Nam kết thúc năm 2021 với công suất nhiệt điện than là 24,4GW, nghĩa là thị trường có dư địa mở rộng gần 6GW cho các nhà máy nhiệt điện than, không bao gồm việc xem xét thay thế các nhà máy cũ.

JETP cũng sẽ hỗ trợ các ngành điện mặt trời và điện gió ngoài khơi tạo ra lợi ích cho cả nhà đầu tư và nhà phát triển. Lĩnh vực năng lượng tái tạo phi thủy điện của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các loại điện trong thập kỷ này với công suất lắp đặt gần gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2031. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng đáng kể về năng lượng tái tạo chưa được khai thác, do có mức bức xạ mặt trời cao để phát triển điện mặt trời và tốc độ gió cao ở các vùng ven biển ngoài khơi và gần bờ. Cũng đã có các công ty tư nhân và nước ngoài tham gia vào thị trường điện Việt Nam để phát triển các dự án điện tái tạo. Điều này đã tạo ra một môi trường mạnh mẽ và hỗ trợ để Việt Nam tận dụng tiềm năng điện mặt trời và điện gió, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo phi thủy điện, với công suất tăng gần bảy lần vào năm 2019 và hai lần vào năm 2020.

Năng lượng tái tạo đang được kỳ vọng sẽ tăng từ 21GW vào cuối năm 2022 lên 40,5GW vào năm 2031 với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 8,1%. Tăng trưởng sẽ đến từ lĩnh vực điện mặt trời và điện gió ngoài khơi, lần lượt là 13,3GW và 5,4GW trong cùng kỳ. Riêng đối với điện gió ngoài khơi, Việt Nam có bờ biển rộng, tốc độ gió mạnh hơn 5m/giây nên rất thuận lợi để phát triển. Chính phủ cũng đã xác định điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực cần mở rộng trong dự thảo Quy hoạch Phát triển điện VIII (PDP8) và Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia, bên cạnh việc mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một trở ngại chính đối với sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo phi thủy điện là sự rõ ràng về chính sách của Việt Nam đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo. Mặc dù thị trường có các mục tiêu cho ngành điện nhưng chúng mới chỉ ở giai đoạn dự thảo của PDP8.

Hiện tại, theo thông tin mới nhất từ Bộ Công thương thì bộ đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn PDP8, chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay. Một kế hoạch cuối cùng với mục tiêu tăng trưởng rõ ràng và các chính sách hỗ trợ ngành điện gió chắc chắn sẽ tạo động lực lớn hơn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, điều này sẽ tiếp tục đa dạng hóa hỗn hợp năng lượng, giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhập khẩu năng lượng và giảm bớt áp lực về giá điện.