Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết cuộc sống, công việc hằng ngày hiện nay?
Nhà thơ Giang Nam (GN): Tôi lớn tuổi rồi sức khỏe có bị giảm sút. Tôi đã mổ tim ở Bệnh viện Thống Nhất năm 76 tuổi (2005) và bây giờ vẫn còn dùng thuốc hằng ngày theo đơn của bệnh viện. Một điều thứ hai cũng rất quan trọng là thế hệ chúng tôi đã trải qua nhiều biến động, thực tế mới đang diễn ra hằng ngày mà người làm văn học nghệ thuật nếu không di chuyển nhiều thì khó viết hơn anh chị em trẻ.
Bù lại, tôi không bỏ được cái tính “xông xáo”, “lao vào” khi thấy mình có thể đóng góp cho đất nước quê hương, xin lấy vài thí dụ: “ Khi tỉnh tổ chức cho văn nghệ sĩ đi Trường Sa, tôi yêu cầu cho đi”; hoặc khi tôi đề nghị giao lại chức Chủ tịch Hội UNESCO Khánh Hòa cho đồng chí trẻ hơn, còn tôi xin làm cố vấn thì các hội viên trả lời: “Anh mà nghỉ thì tụi em cũng xin nghỉ”.
Công việc của tôi là đọc báo, phát hiện tài năng mới, giúp đỡ các bạn trẻ ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, viết bài cho báo địa phương và T.Ư. Ở địa phương, tôi có hạnh phúc được bạn bè tin cậy, thường đến thăm và trao đổi về tình hình mới. Đọc tác phẩm mới của anh chị em làm cho mình trẻ ra. Tôi thường lao động nhẹ để giữ gìn sức khỏe, trồng cây, trồng hoa, trang trí nơi mình làm việc hằng ngày.
PV: Ông sáng tác theo cảm xúc hay lên lịch làm việc rõ ràng? Ông thường sáng tác bằng cách nào?
GN: Tất nhiên là có cảm xúc mới sáng tác được. Tôi không làm việc theo lịch mà chỉ dựa vào cảm xúc bất ngờ. Có lúc tôi thức đến 2, 3 giờ sáng để hoàn thành bài thơ. Tôi không rành việc chuyển email bằng điện thoại nên cứ viết xong là đi photo ngay và chạy luôn đến bưu điện đề nghị các cháu chuyển phát nhanh đến những tờ báo ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc tặng bạn bè.
PV: Ông có đọc thơ mới của các tác giả trẻ? Đâu là những thuận lợi, khó khăn trong sáng tác thế hệ của ông và thế hệ mới hôm nay?
GN: Tôi đọc nhiều thơ các bạn trẻ. Thế hệ chúng tôi gian khổ, hy sinh nhưng mọi người đều hướng về một mục tiêu: Giải phóng đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, dù có hy sinh thì đồng đội, bạn bè, con cháu sẽ nối tiếp sự nghiệp của mình. Thơ thế hệ trẻ bây giờ cũng gợi cho người đọc nhiều vấn đề. Tuy vậy, thế hệ trẻ cũng có những anh chị em nghĩ khác. Một số bạn trẻ “học kinh nghiệm nước ngoài” viết mà người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì. Ngược lại, có một số bạn trẻ viết rất hay, có mặt trên báo thường xuyên để nói về quê hương của mình, ca ngợi những con người đang đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tôi nghĩ, thơ các bạn có tồn tại lâu hay chỉ viết cho riêng mình, điều này người đọc sẽ quyết định.
PV: Sang năm mới, ông có dự định gì?
GN: Tôi có nhiều dự định sẽ cố gắng thực hiện trong một vài năm tới:
Một là, tôi sẽ xuất bản một cuốn sách viết về những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước động viên, giúp đỡ tôi trong sự nghiệp sáng tác văn học. Tôi còn giữ những lá thư tay của các đồng chí gởi riêng cho tôi. Và tất nhiên là cả các nhà văn hóa lớn: Hoài Thanh, Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung, Thế Lữ, Nguyễn Văn Bổng, Cù Huy Cận, Trần Bạch Đằng, Hoàng Trung Thông, Lưu Hữu Phước, Chế Lan Viên, Bảo Đình Giang, Vũ Cao, Quánh Tấn… mà tôi luôn coi là những bậc thầy của mình. Ngoài ra là bạn bè văn nghệ sĩ đã từng sống chết có nhau như Phạm Hổ, Chính Hữu, Đào Vũ, Vũ Tú Nam…
Hai là, tôi sẽ in một tập thơ. Ngoài ba tập được Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và một tập được in năm 2008, còn rất nhiều bài viết về giai đoạn mới của cách mạng, của đất nước chỉ được đăng trên báo, nên có người nghĩ tôi đã nghỉ làm thơ.
Ba là, tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện tài năng mới, trẻ như lâu nay tôi vẫn làm, trước hết là cho địa phương mình. Có thể vận động một giải thưởng viết về biển đảo và năm 2019 của tỉnh Khánh Hòa do UNESCO tỉnh đề xuất với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Hiệp hội UNESCO Việt Nam vận động các tỉnh bạn tham gia. Cố gắng đến tháng 5-2019 là có tác phẩm văn thơ, nhạc họa, nhiếp ảnh trong dịp Festival biển Khánh Hòa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ! Chúc ông thật nhiều sức khỏe.