Làm rõ hơn nhận định này, Tổ chức Brand Finance phân tích, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022.
Cùng với sự phát triển của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%.
Đây là nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả từ việc triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia và quan trọng không kém là sự tác động tích cực từ các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần phát đi thông điệp khẳng định, xây dựng Thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn và đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Đây là nguồn lực của từng doanh nghiệp, nhưng cũng là của quốc gia, nên việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.
Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, uy tín và chất lượng cao, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp năm 2022.
Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường thế giới qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế. Đây cũng là sự khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Tạo ra thương hiệu vốn đã rất khó, duy trì thương hiệu còn khó bội phần. “Trái tim” của thương hiệu chính là niềm tin mà xã hội, người dân và cộng đồng quốc tế dành cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Vậy nên, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đang gánh trên vai sứ mệnh nặng nề, nhưng hết sức vẻ vang khi góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế...
Chúng ta đã phần nào khẳng định thành công thương hiệu quốc gia gắn với những sản phẩm “make in Vietnam”, “made by Vietnam” có phẩm cấp cao.
Còn nhớ, vào thời điểm tháng 4/2023, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, rồi Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, nhiều đại diện của giới doanh nhân, chuyên gia kinh tế đã trông ngóng vào liệu pháp đối trị với “trào lưu” ngủ đông.
Đó là thời gian một bộ phận không ít doanh nghiệp co cụm sản xuất, ngại cạnh tranh, không dám làm khi tình hình thị trường, kinh doanh quá khó khăn, phức tạp cả ở trong nước và thế giới. Để nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phải được đánh thức, được khích lệ để dám nghĩ, dám làm và dám khát vọng lớn hơn nữa.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu có được 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2023 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, nền kinh tế Việt Nam rất cần năng lượng và sức sáng tạo từ cộng đồng doanh nghiệp. Xét đến cùng, sự thành công và phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp, thương hiệu, uy tín của sản phẩm, dịch vụ cũng chính là thước đo sự thành công của công tác điều hành, quản lý của Nhà nước.
Chúng ta đã phần nào khẳng định thành công thương hiệu quốc gia gắn với những sản phẩm “make in Vietnam”, “made by Vietnam” có phẩm cấp cao.
Giờ đây, trong một thế giới đang chia rẽ, phân cực mạnh mẽ do cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế gay gắt, với cách lựa chọn hướng phát triển xanh, sạch, thương hiệu quốc gia của Việt Nam sẽ trở nên đắt giá hơn khi tiếng nói, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng có uy tín, trọng lượng và giá trị thuyết phục cao hơn.
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam ở thị trường quốc tế. Hơn thế, Việt Nam sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy cho dòng vốn đầu tư công nghệ cao, sản xuất thân thiện với môi trường.
Việc phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước chính là giá trị cốt lõi mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn nhắc nhớ.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023, một lần nữa chúng ta có cơ hội để soi vào mục tiêu - năm 2030, Việt Nam sẽ có hơn 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, từ đó khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng tốt, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, để có thêm động lực và quyết tâm hành động.
Sự cố gắng của mỗi doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia sẽ góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Chúng ta tin tưởng rằng, hai tiếng “Việt Nam” gắn với hình ảnh sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng cao sẽ ngày càng phát triển và củng cố vững chắc vị thế, uy tín quốc gia trên toàn thế giới.
PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN LỚN MẠNH VỀ SỐ LƯỢNG, CHẤT LƯỢNG
Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết số 09-NQ/TW được ban hành cách đây gần 12 năm.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 41 là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng; cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng; năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến; tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Nghị quyết số 41 đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhìn nhận, Nghị quyết số 41 mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo để qua đó hoàn thành mục tiêu: Đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.