Nói về mình, với thế giới

Nỗ lực của người Việt xa xứ tìm đường thể hiện khả năng, ước mơ và rồi gặt hái trải nghiệm thú vị, dù còn mang tính cá nhân, hoàn toàn có thể trở thành xu hướng, tạo nên mạng lưới quảng bá thương hiệu Việt sâu rộng khi ngày càng có thêm nhiều người chung ý thức.
0:00 / 0:00
0:00
Huyền Montreau giới thiệu trà shan cổ thụ Việt Nam tại Pháp.
Huyền Montreau giới thiệu trà shan cổ thụ Việt Nam tại Pháp.

Đầu hè năm 2023, Huyền Montreau mang trà shan tuyết cổ thụ của Việt Nam đến giới thiệu và pha mời một nhóm nhân viên chi nhánh L’Oreal Luxe tại Paris. Sau đó, trong loạt sự kiện chăm sóc-đãi ngộ hàng nghìn nhân viên mỗi chi nhánh của hãng này thấy xuất hiện một quầy trưng bày và giới thiệu sản phẩm dành riêng cho trà Việt. Năm 2013, Triển lãm bonsai hoa cúc ở Nara (Nhật Bản) lần đầu có người nước ngoài tham gia, tuổi còn chưa đến 30, đó là Nguyễn Văn Quảng. Bảy năm sau, báo Mainichi của tỉnh Nara đăng ảnh Quảng kèm bài viết “Kết nối với Tổ quốc bằng cúc bonsai”.

Chân em đi rừng nhiều đường lắm lối…

Quá trình quảng bá trà cao cấp Việt tại Pháp được Huyền chia sẻ cụ thể “Nhân gọi điện chúc mừng đối tác cũ vừa lên chức ở L’Oreal Luxe, tôi được biết tập đoàn này hay tổ chức các sự kiện để chăm sóc, đãi ngộ nhân viên. Tôi đề nghị được giới thiệu trà Việt trong sự kiện này.

Khi gặp nhóm nhân viên chuyên phụ trách sự kiện của hãng để trao đổi về giá trị trà có đáp ứng tiêu chí khắt khe là chỉ chọn 4-5 thương hiệu đồng hành cùng họ không, tôi đã pha trà shan tuyết cổ thụ của Công ty Hiệp Thành mời họ. Sau khi thưởng ngụm trà, gương mặt họ hiện rõ sự ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt: Việt Nam cũng có trà quý và tốt đến thế ư?! Nhờ nhiệt tình của những người phụ trách sự kiện truyền miệng và kết nối, trà Việt thương hiệu Thé d’Hier Tradition đã vinh dự đồng hành sự kiện này tại sáu chi nhánh khác nhau của Tập đoàn L’Oreal”.

Ấy là chuyện trà Việt ở phương Tây. Còn ở phương Đông, cho đến tận bây giờ, tại các triển lãm bonsai chuyên đề hoa cúc, đỗ quyên, cây thân gỗ ở Nara cũng như một số vùng khác của Nhật Bản, Nguyễn Văn Quảng (ảnh nhỏ) vẫn là người nước ngoài duy nhất tham gia. Dĩ nhiên, yếu tố tác phẩm bonsai của một người Việt (lại còn trẻ!) càng bật lên giữa bầu không khí bonsai đặc quánh chất Nhật này.

Nói về mình, với thế giới ảnh 1

Báo chí Nhật Bản giới thiệu về Nguyễn Văn Quảng và các tác phẩm bonsai của anh.

Nghĩ lại, Quảng vẫn ngạc nhiên: “Trong nhóm đệ tử của sư phụ chuyên dạy bonsai hoa cúc, đến nay em vẫn là người Việt duy nhất và trẻ nhất. Đi triển lãm nào cũng bị nhìn theo kiểu… lạ nhất hội. Người ta kéo đến xem tác phẩm của mình, bàn tán: Ô, có bonsai của người Việt kìa, không lẽ họ mang từ bên ấy sang?”. Tháng 6/2023 có Triển lãm bonsai thân gỗ ở huyện Goseshi thuộc cố đô Nara, tham gia toàn các nghệ nhân hơn 70 tuổi, Quảng cũng là người nước ngoài duy nhất hiện diện, cây được ngự vị trí trang trọng nhất trên cái đôn đặt làng nghề mộc trong nước gửi sang.

Tại Đại học Quốc gia Đài Loan-NTU (Trung Quốc), Lễ hội NTU World Carnival Festival sau hai năm tạm dừng vì Covid-19 đã tổ chức trở lại tháng 3 năm nay. Hội Sinh viên Việt Nam tại NTU mang đến các món ăn đặc trưng từng vùng, miền của Việt Nam, kể chuyện quê hương và giới thiệu hình ảnh Việt theo chủ đề Hòa đồng-Sáng tạo-Vui vẻ. Kết quả là khoảng 550 suất ăn của quầy Việt đã hết veo trong 150 phút. Thực khách chính là các sinh viên đến từ Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Đại Dương, châu Phi… Sinh viên quốc tế còn kháo nhau rằng “Vietnamese coffee is the best” (Cà-phê Việt là ngon nhất).

Nói về mình, với thế giới ảnh 2

Một tác phẩm bonsai hoa cúc của Nguyễn Văn Quảng..

Nhưng em chọn lối này

Nỗ lực của người Việt xa xứ tìm đường thể hiện khả năng, ước mơ và rồi gặt hái trải nghiệm thú vị, dù còn mang tính cá nhân, hoàn toàn có thể trở thành xu hướng, tạo nên mạng lưới quảng bá thương hiệu Việt sâu rộng khi ngày càng có thêm nhiều người chung ý thức.

Nếu chỉ cần một công việc nhận lương ổn định, Huyền Montreau có thể vẫn nằm “trong vỏ kén” của vị trí chuyên viên phụ trách thị trường xuất khẩu châu Á cho một cơ sở chế biến hải sản ở Normandy, chuyên viên tư vấn thu mua theo hướng phát triển bền vững và thương mại công bằng của Công ty Đường sắt Pháp, nhân viên quản lý thị trường dệt may của Fair trade (Bình đẳng thương mại)…

Nhưng càng đổi môi trường làm việc nhiều, tiếp xúc nhiều, Huyền càng muốn dấn bước tìm kiếm sự bình đẳng, yếu tố bền vững và chiều sâu cho ý nghĩa công việc cô muốn tận hiến: “Tốt nghiệp cử nhân Quản trị dự án kinh tế, tôi sang Pháp học cao học Tài chính Ngân hàng. Nhưng trước khi xa xứ tôi từng hợp tác với một tổ chức phi chính phủ của Pháp về các sản phẩm thổ cẩm ở Hà Giang. Quãng thời gian vừa là trợ lý dự án, vừa phiên dịch đã hình thành trong tôi sự kết nối với con người và sản phẩm của Hà Giang rồi”.

Thé d’Hier Tradition-thương hiệu trà cao cấp Việt tại Pháp chính là sự kết nối với Hà Giang đã tiềm ẩn trong Huyền, nay nối nguồn chảy lại: “Tôi tiếp cận phát triển bền vững khá sớm. Quá trình học và làm việc tại Pháp bổ sung kiến thức về sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng. Hiện khoảng 70% dân số Pháp quan tâm và thường xuyên dùng sản phẩm hữu cơ.

Dự án Thé d’Hier Tradition của tôi hình thành hai năm nay, vướng Covid-19 nên thực chất phải đầu 2023 mới bắt đầu. Đưa trà shan cổ thụ của nước mình giới thiệu ở Pháp có nghĩa là sản phẩm còn hơn tầm hữu cơ. Chọn thị trường hẹp nên lối đi cũng phải khác: giới thiệu trực tiếp trong các công ty chuyên sản phẩm cao cấp”. Đi cửa hẹp nhưng sau thành công ở L’Oreal, Huyền cùng thương hiệu Thé d’Hier Tradition tiếp tục xuất hiện tại các công ty, tập đoàn lớn khác, trong đó có Chanel vào đầu tháng 9 này.

Sẽ có ngày những cây trà cổ thụ Việt tỏa bóng mát ra thế giới. Có thể điều này vẫn là giấc mơ mát lành của thời hiện tại. Nhưng nếu công nghệ, kỹ thuật chế biến được cải thiện và ý thức xây dựng thương hiệu chỉn chu hơn, thì chính người Việt trong nước cũng như người Việt xa xứ sẽ có thói quen uống trà sạch, đồng thời giúp bảo vệ, nâng niu những vùng nguyên liệu quý giá chỉ còn ở Việt Nam.

Ở cố đô Nara, Nguyễn Văn Quảng cũng đang gieo mầm ước mơ. Đó là từ cái giá kê trong chỗ đỗ xe chật hẹp sẽ lớn lên một cây bonsai mang dáng làng quê Việt “Cây sanh dễ sống và phổ biến trong giới bonsai tại Việt Nam, lại khó trụ được với khí hậu lạnh của Nhật Bản. Nhưng em vẫn mong làm được bonsai dáng cây đa đầu đình đặt trong chậu gốm Việt vẽ hoa văn trống đồng Đông Sơn hoặc tranh Đông Hồ để mang đến giới thiệu với người Nhật”.

Đặng Thị Ngân - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại NTU kể rằng, người Đài Loan (Trung Quốc) đón Trung thu rất long trọng, nhưng tiệc Trung thu của sinh viên Việt tại đây vẫn có nét văn hóa riêng để giới thiệu với sinh viên quốc tế: bánh trung thu, lồng đèn và đội văn nghệ trường sẽ giới thiệu những bài hát tuổi thơ mà bây giờ giới trẻ ít được nghe. Ngân có quan niệm “Chỉ cần trong đối thoại hằng ngày của mỗi du học sinh Việt trên giảng đường bớt nhút nhát một chút, dạn dĩ phản biện hơn, tích cực giơ tay phát biểu và truyền đạt thông tin đúng-đủ về Việt Nam thì đó cũng là cách thiết thực để quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài”.

Nghe kể, đầu năm học mới, du học sinh Việt hay chúc nhau thế này: “Chúc bạn là người giỏi nhất châu Âu, học trường châu Á”. Việt Nam cũng thuộc một châu Á đang trỗi dậy cả về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục. Người viết bài này chợt nghĩ nếu mạnh dạn chuyển vế sau lời chúc ấy thành “học trường Việt Nam”, ta sẽ có thêm bao nhiêu cơ hội để nói về mình với thế giới?