Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã đưa việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vào định hướng phát triển đồng bộ, bền vững của doanh nghiệp. Đến nay, KBC đã xây dựng được 4.000 căn, đạt tỷ lệ 7% quỹ nhà ở xã hội trên cả nước.
Tiên phong tạo lập mô hình tích hợp sinh thái
Là doanh nghiệp đang vận hành khoảng 20 dự án khu công nghiệp, khu đô thị có vị trí chiến lược tại nhiều địa phương trên cả nước, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An,... KBC nắm giữ tổng quỹ đất khu công nghiệp lên tới 6.387 ha (chiếm 5,5% diện tích đất khu công nghiệp cả nước) và khoảng 1.263 ha đất khu đô thị, dịch vụ.
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị KBC, mô hình tích hợp khu công nghiệp-khu đô thị đã được triển khai tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với mật độ tập trung cao về nguồn lực, công nghệ và khả năng sản xuất.
Thực tế, xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp-khu đô thị không chỉ phù hợp định hướng xây dựng nhà ở xã hội của quốc gia, bảo đảm an cư, lạc nghiệp cho người lao động, mà còn giải bài toán giữ ổn định lực lượng lao động trong các khu công nghiệp, từ đó tạo nên môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, năng động, đặc biệt trong các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, người lao động vẫn được bảo đảm nơi cư trú, các doanh nghiệp cũng không bị gián đoạn sản xuất.
Ở Việt Nam, KBC là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng mô hình tổ hợp hạ tầng tích hợp khu công nghiệp-khu đô thị. Mục sở thị loại căn hộ nhà ở xã hội có diện tích 60m2 tại Evergreen Bắc Giang do KBC đầu tư, sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng công nhân nơi đây khi có chốn an cư tiện lợi, dịch vụ quản lý tốt không kém các khu chung cư tầm trung tại Hà Nội.
Việc có đầy đủ hạ tầng như trường học, chợ, siêu thị giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động. Đây cũng chính là mục tiêu, là tâm huyết mà ông Đặng Thành Tâm và các cộng sự tại KBC cũng như các công ty con trong hệ sinh thái KBC nỗ lực hành động trong suốt giai đoạn qua.
Khơi dậy tinh thần “doanh nghiệp vì công dân”
Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Thành Tâm không hề nhắc đến những khó khăn, rào cản mà KBC phải vượt qua khi thực hiện dự án nhà ở xã hội, dù ai cũng biết độ khó của các dự án này như thế nào.
Đơn cử, theo Luật Nhà ở hiện hành, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp không thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp mong muốn thuê, mua loại hình nhà ở này để bố trí cho cán bộ, nhân viên, người lao động là rất lớn. Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội hiện cũng phức tạp…
Đặc thù dự án nhà ở xã hội do KBC triển khai là nằm trong dự án nhà ở thương mại, không phải là dự án nhà ở xã hội độc lập nên không có 20% quỹ đất để kinh doanh thương mại.
Vì vậy, với cùng mức vốn đầu tư, quy mô dự án và chất lượng nhà ở, nhưng do không có phần thương mại nên giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội của KBC vẫn cao hơn so dự án cùng loại độc lập khác. Điều này khiến cho chủ đầu tư hầu như có rất ít lợi nhuận, mà như tiết lộ của ông Đặng Thành Tâm là chưa đến 1 triệu đồng/m2, song luôn tâm huyết làm tốt nhất những gì có thể cho người lao động nên KBC vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn.
Cuối tháng 5/2023, Công ty CP KCN Sài Gòn-Hải Phòng (SHP) đã triển khai xây dựng khu nhà ở xã hội thuộc dự án khu đô thị dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ bằng nguồn vốn tự có. Theo ông Vũ Thanh Dương, Phó Tổng Giám đốc thường trực SHP, doanh nghiệp đã chủ động đăng ký kết nối gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với các ngân hàng cho vay để hỗ trợ khách hàng thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định.
Cùng đó, KBC cũng dành nguồn lực đầu tư lớn cho Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu đô thị mới thị trấn Nếnh (Bắc Giang) với tổng diện tích 12,6 ha, quy mô 16 tòa nhà chung cư cao 20 tầng và tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến cung cấp khoảng 7.000 căn hộ chung cư phục vụ cho hơn 20.000 người lao động. Đây là một trong những dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất cả nước.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ: “Nguồn lực từ ngân sách nhà nước có hạn, đồng thời phải dành nguồn lực cho các ưu tiên khác.
Do đó, phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực cho xây dựng nhà ở xã hội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trên tinh thần đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”.
Ông Đặng Thành Tâm tin tưởng, thông điệp và những chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ, cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương sẽ là động lực để các doanh nhân Việt Nam có thêm quyết tâm triển khai các dự án nhà ở xã hội đúng tiến độ, sớm đem lại chỗ an cư cho nhiều công nhân, người lao động tại những trung tâm công nghiệp lớn.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, khi cơ chế, chính sách hoàn thiện; các địa phương vào cuộc chủ động, tích cực, sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia bỏ vốn vào lĩnh vực này, khơi dậy tinh thần của những “doanh nghiệp vì công dân” tương thân, tương ái”, ông Tâm chia sẻ.
Theo số liệu khảo sát quý II/2023, KBC tạo lập khoảng 75.000 việc làm, chiếm 50% tổng số việc làm mới trên toàn quốc. KBC định hướng việc xây dựng nhà ở xã hội cũng đồng nghĩa với việc xây dựng nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người lao động tại các khu công nghiệp.