Trụ cột của “tam giác vàng” khởi nghiệp Ðông Nam Á

Số “kỳ lân” công nghệ đã tăng lên con số bốn với sự thành công của MoMo và Sky Mavis. Bên cạnh đó là hàng chục start-up như Tiki, Giao hàng Tiết kiệm, Trusting Social, Kyber Network, KiotViet, Amanotes tiệm cận trạng thái “kỳ lân”, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số,… báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam có lợi thế về độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.
Việt Nam có lợi thế về độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.

Làn sóng khởi nghiệp đang sục sôi

Việt Nam hiện có khoảng 3.800 start-up đang hoạt động, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các start-up tại Việt Nam (trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa); số lượng nhà đầu tư thiên thần tuy nhỏ nhưng đang tăng lên. Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so năm 2021, theo xếp hạng do StartupBlink thực hiện.

Theo báo cáo của BambuUp (Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo), hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam bước vào thời kỳ vàng và thật sự bùng nổ từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 trở lại đây, khi liên tiếp nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Đáng chú ý, năm 2021, đã có 165 thương vụ đầu tư (tăng 57% so năm 2020), cũng như ghi nhận con số kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với 1,4 tỷ USD (gấp ba lần so năm 2020). Mức đầu tư trung bình giai đoạn đầu của một thương vụ rơi vào khoảng 1,15 triệu USD, và đạt giá trị 9,5 triệu USD vào giai đoạn trung và cuối.

Trụ cột của “tam giác vàng” khởi nghiệp Ðông Nam Á  ảnh 1

Ước tính quy mô thị trường của các công nghệ tiên phong. Nguồn: UNCTAD

Bất chấp tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, năm 2022, tổng số vốn đầu tư rót vào startup của Việt Nam vẫn đạt 634 triệu USD, thông qua 134 thương vụ.

Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 do Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố hồi cuối tháng 3 năm nay cho biết, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ và thứ tư về quy mô vốn vào startup tại Đông Nam Á. Các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh. Dòng vốn thu hẹp rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng trong ngành công nghệ ngày càng gia tăng.

Trong sáu tháng đầu năm nay, số vốn chỉ dao động từ 350-400 triệu USD. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng trên bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10-50 triệu USD tăng nhẹ, cho thấy các công ty đã huy động được vòng Pre-A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Đặc biệt vòng Series B ghi nhận mức kỷ lục cả về giá trị đầu tư và số lượng thương vụ. Đáng chú ý, các quỹ Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường nội địa.

Golden Gate Ventures chỉ ra rằng, một trong những lý do khiến Đông Nam Á được đánh giá tiếp tục có tiềm năng dài hạn là bởi sự kết hợp độc đáo giữa các thị trường. Trong đó, “tam giác vàng” khởi nghiệp Việt Nam-Singapore-Indonesia đang trỗi dậy, trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nếu Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ, thì Việt Nam đã và đang tham gia “tam giác vàng” khởi nghiệp Đông Nam Á bằng cách mang tới một thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục.

Ông Vinnie Lauria - Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures nhấn mạnh, sự kết hợp các yếu tố này với nhau đã giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á.

Trụ cột của “tam giác vàng” khởi nghiệp Ðông Nam Á  ảnh 2

Trải nghiệm ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô lần thứ II năm 2022 trên không gian thực tế ảo. (Ảnh NGỌC VY)

Thành công giữa “mùa đông gọi vốn”

Mới đây, startup giáo dục Công nghệ MindX đã huy động thành công 15 triệu USD vòng Series B do quỹ đầu tư Kaizenvest của Singapore dẫn dắt. Kể từ vòng huy động vốn thành công ở vòng Series A (3 triệu USD), quy mô của MindX đã tăng trưởng gấp ba lần với 32 cơ sở trên khắp Việt Nam và danh mục sản phẩm ngày càng đa dạng, đào tạo các bộ môn công nghệ từ Lập trình, Phân tích dữ liệu, Thiết kế UI-UX cho đến Kiểm thử phần mềm, Phân tích nghiệp vụ Công nghệ và Quản lý sản phẩm IT. Bằng nguồn vốn mới, MindX có kế hoạch phát triển danh mục sản phẩm và dịch vụ, tối ưu trải nghiệm khách hàng và hệ thống dữ liệu để mở rộng quy mô.

“Ước mơ của chúng tôi là tạo ra những Thung lũng Silicon thu nhỏ trên khắp đất nước Việt Nam, để ai ai cũng có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ tuyệt vời. Không chỉ là không gian vật lý để người học được thỏa sức sáng tạo, mà còn là tinh thần khởi nghiệp, dám thử thách, dám đối diện với thất bại. Tinh thần này được thể hiện trong mọi hoạt động của MindX từ thiết kế khóa học đến trải nghiệm khách hàng”, anh Nguyễn Thanh Tùng, đồng sáng lập và CEO của MindX chia sẻ.

Năm 2015, Techkids (tiền thân của MindX) được thành lập với ngôi nhà công nghệ đầu tiên trong một căn phòng chỉ vỏn vẹn 20 m2, nằm sâu trong con hẻm của phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội.

Chia sẻ trên trang facebook cá nhân, anh Tùng viết: “Trong những năm đi code dạo rong ruổi khắp thế giới, từ Âu sang Mỹ, tôi nhận ra nhiều người nước ngoài không hề biết tới Việt Nam, hoặc nếu có biết, cũng sẽ khá “look down on” chúng ta.

Chị Vy Le, nhà đầu tư thiên thần của MindX, nhiều lần kể với chúng tôi rằng, trong những năm tháng chị du học ở châu Mỹ, người ta thường hỏi chị ở Việt Nam còn đang diễn ra chiến tranh không, có internet để dùng chưa. Đó là khoảng trước sau năm 2010. Chưa bao giờ họ biết tới Việt Nam là một quốc gia biết học công nghệ, hơn nữa, sẽ là một trung tâm tài năng công nghệ tiếp theo của thế giới”.

Năm 2022, lĩnh vực Dịch vụ tài chính nhận được số vốn đầu tư nhiều nhất với mức tăng mạnh mẽ 248%. Vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech vẫn dồi dào, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm % so năm 2021. Đầu tư vào lĩnh vực Bán lẻ giảm 57%, nhưng đây vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai. Y tế, Giáo dục, và Thanh toán tiếp tục nằm trong số các lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.

Hay như, MFast-startup môi giới tài chính cũng vừa huy động thành công 6 triệu USD ngay trong vòng Series A. Ra mắt năm 2017, MFast cung cấp kênh bán hàng trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm thông qua mạng lưới 160.000 cộng tác viên tính đến nay. Startup này đang tăng hợp tác với các tổ chức tài chính để thiết kế các sản phẩm tài chính riêng biệt cho từng phân khúc khách hàng, cũng như chuẩn bị mở rộng sang Philippines năm 2024.

Thế nhưng, bên cạnh những startup thành công, có đến 80% số startup Việt không có cơ hội kỷ niệm lần sinh nhật thứ hai. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do các em sinh viên khi ra trường còn yếu kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy được tiềm năng khi ra với thế giới bên ngoài. Phần đông các start-up của chúng ta chưa có một tầm nhìn rõ ràng và đồng bộ. Một số doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa lập nghiệp và khởi nghiệp, không có công nghệ, không biết đổi mới sáng tạo để bảo đảm sự thích ứng. Khi startup của Việt Nam đi ra quốc tế thì vẫn còn thiếu hụt rất nhiều thứ, sự va chạm trên diễn đàn lớn của startup Việt Nam cũng chưa nhiều,…

Nhận định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, nền kinh tế Việt Nam cũng khó tránh khỏi những thách thức, bà Lê Hoàng Uyên Vy-Giám đốc Điều hành Do Ventures nhận định, trước những thăng trầm của nền kinh tế thế giới, bức tranh đầu tư vào công nghệ tại Việt Nam vẫn cho thấy sự bền bỉ. Các start-up vượt qua được giai đoạn thử thách phía trước sẽ khẳng định được vị trí vững vàng trên thị trường.

Còn theo bà Lê Mỹ Nga-Nhà sáng lập và CEO WeAngels Ventures, sau tất cả, start-up chính là người lèo lái công ty của mình, vì thế việc củng cố năng lực cốt lõi trong nội tại chính là chìa khóa để startup thể hiện và chứng minh tiềm năng của mình với các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay và tương lai. Việc duy trì tính sáng tạo và linh hoạt, duy trì dẫn đầu trước các đối thủ cạnh tranh, kể cả các đối thủ mới xuất hiện, là điều cực kỳ khó, nhưng đây là tiêu chí mấu chốt để các quỹ đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng dự án.

Cho rằng, tốc độ tăng trưởng của các kỳ lân hoặc là các tiệm cận kỳ lân công nghệ luôn là một thước đo. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đấy không phải là chỉ số duy nhất vì nhiều nhà đầu tư lại quan tâm những startup tiềm năng hơn, đó là các đội ngũ trẻ có khả năng nhìn ra được thị trường ngách. Do đó, phải nuôi dưỡng nguồn từ các startup. Những start-up nào mà có khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế thì chúng ta nên quan tâm để thúc đẩy.

Tiến sĩ Trần Lan Hương - Giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân: “Sự tham gia sâu hơn của các tập đoàn, doanh nghiệp vào các hoạt động đổi mới sáng tạo mở đã trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới. Các tập đoàn, doanh nghiệp là bên đưa ra bài toán, còn giải pháp có thể đến từ nội bộ của doanh nghiệp, nhưng cũng có thể được cung cấp nhanh chóng hơn, thậm chí đột phá và hứa hẹn hơn từ các chủ thể khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, điển hình như đến từ các start-up”.

Ông Từ Minh Hiệu - Phó Trưởng phòng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học-công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: “Vai trò kiến tạo, “bà đỡ” là vai trò không thể thay thế của chính phủ trong một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nếu như Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào việc hình thành một hệ thống chính sách và các chương trình, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Chính phủ Israel thúc đẩy sự hình thành của thị trường quỹ đầu tư mạo hiểm thông qua mô hình quỹ đầu tư chính phủ, thì Chính phủ Trung Quốc tập trung vào việc tiến hành chính sách cải cách toàn diện, đầu tư mạnh mẽ vào khoa học và công nghệ, hình thành các công viên khoa học, trung tâm đổi mới sáng tạo để bảo đảm tạo nên một môi trường khởi nghiệp lành mạnh, đồng bộ để phát triển bền vững.

Ngoài ra, tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực chất lương cao và phát triển theo những lĩnh vực chuyên sâu cũng là những điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới”.