Được thành lập vào giữa những năm 60 của thế kỷ 20, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, trải qua 57 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đến nay Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) đã phát triển thành một doanh nghiệp quân đội có quy mô lớn, với doanh thu năm 2023 đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 3.000 tỷ đồng, ngày càng khẳng định uy tín, vị thế của Công ty trên thị trường.
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Cho đến bây giờ, Đại tá Trần Anh Mạnh, Phó Giám đốc Nhà máy Z121 vẫn nhớ về một quá khứ hào hùng. Ra đời ngày 7/9/1966, Xưởng Bộ lửa (tiền thân Nhà máy Z121 ngày nay) có nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm hỏa cụ-sản phẩm được ví như “trái tim vũ khí” dùng để phát hỏa cho bộ phận trung tâm của đạn, mìn, góp phần bảo đảm uy lực vũ khí cho bộ đội chiến đấu.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước năm 1975, cả nước chuyển sang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhà máy Z121 cùng các nhà máy sản xuất vũ khí trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đều chuyển nhiệm vụ từ thời chiến sang thời bình, vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, vừa tham gia sản xuất kinh tế. Nhà máy đã khai thác tính lưỡng dụng trên các dây chuyền sản xuất sẵn có để nghiên cứu, chế tạo và sản xuất hàng loạt các mặt hàng dân sinh như: đạn thể thao, đạn săn, vòi phun T100M, phụ tùng xe đạp…
Những sản phẩm làm ra tuy giá trị không cao nhưng tạo thêm việc làm để cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên thời điểm bấy giờ. Bước vào thời kỳ đổi mới dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, Đảng ủy, chỉ huy Nhà máy đã tự xác định hướng đi mới, đó là tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị máy móc trên các dây chuyền hiện có; khuyến khích cán bộ, công nhân viên tích cực tham gia phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; chủ động đầu tư vào khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…, để đứng vững trong cơ chế thị trường.
Từ năm 1990, Nhà máy mạnh dạn đầu tư triển khai nhiều công trình, dự án có giá trị kinh tế như: sản xuất thuốc nổ AD1, kíp vi sai điện, kíp vi sai an toàn hầm lò, dây dẫn nổ… phục vụ khai thác công trường, hầm mỏ, cầu đường, mở ra hướng đi mới thu hút các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm trong nước thay thế nhập khẩu, mang lại giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước; tạo thêm công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Năm 1997, Nhà máy được lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tin tưởng, cho phép hợp tác sản xuất pháo hoa với đối tác Nhật Bản. Với kinh nghiệm sẵn có về sản xuất hỏa cụ, pháo hoa, cùng với công nghệ Nhật Bản, các lô sản phẩm “pháo hoa kiểu Nhật” do Nhà máy Z121 sản xuất đã chinh phục được đối tác về kiểu dáng, mẫu mã và chất lượng, vươn ra thị trường thế giới.
Khẳng định uy tín, vị thế trên thị trường
Đại tá Chu Việt Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) cho biết, trong sản xuất, kinh doanh, công ty gặp không ít khó khăn, thách thức bởi các sản phẩm có tính đặc thù, dễ cháy nổ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất khó khăn, chi phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, một số dây chuyền sản xuất của công ty có công nghệ lạc hậu, thủ công, năng suất lao động thấp. Địa bàn đóng quân rộng, các bộ phận phân tán, quân số đông, nhà máy chịu áp lực về tạo việc làm và thu nhập cho người lao động lớn.
Quán triệt Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25/9/2021 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, nhà máy đã xác định sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt được đặt lên hàng đầu; công tác lãnh đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kinh tế được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị có vai trò quan trọng.
Với quan điểm lấy hiệu quả sản xuất kinh tế để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, Nhà máy đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đột phá như: mỗi năm đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm máy móc, các trang, thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý hiệu quả và an toàn; thường xuyên cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới để có thêm việc làm, tạo doanh thu cho đơn vị.
Từ năm 2006 trở lại đây, nhà máy đã tăng cường đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa công nghệ, tạo bước đột phá mới, tập trung triển khai và ứng dụng nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học có hàm lượng kỹ thuật cao trong đó ưu tiên các đề tài nghiên cứu cải tiến dùng cho các vũ khí hiện đại như: hỏa cụ cho đạn chống tăng, các loại bộ lửa cho đạn hải quân, không quân… Bên cạnh đó, nhà máy còn chủ động đầu tư các dây chuyền công nghệ mới thay thế như: dây chuyền đổi mới nâng cao chất lượng hỏa cụ; dây chuyền nhồi nén kíp nổ tự động; dây chuyền tự động sản xuất dây nổ chịu nước; dây chuyền công nghệ sản xuất pháo hoa…
Mỗi năm, Nhà máy xuất khẩu các mặt hàng kinh tế đạt từ 40 tỷ đến 50 tỷ đồng; trong đó các sản phẩm phụ kiện nổ (kíp nổ, dây nổ) xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Myanmar…; các sản phẩm pháo hoa nổ đã chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản… Từ năm 2020 trở về trước, Nhà máy chỉ sản xuất pháo hoa nổ phục vụ lễ hội và Tết; nhưng từ khi Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ, cho phép người dân được sử dụng pháo hoa, Nhà máy đã chủ động nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ dân sinh như: nến sinh nhật, cánh hoa xoay, giàn phun viên, giàn phun hoa...
Bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Năm 2018, nhà máy có hơn 3.000 lao động, giá trị sản xuất (doanh thu) là 1.315 tỷ đồng; năm 2022, doanh thu đạt 2.025 tỷ đồng; dự kiến năm 2023, phấn đấu doanh thu vượt hơn 3.000 tỷ đồng. Những năm gần đây, Nhà máy bảo đảm tốt thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động: năm 2018 đạt 11,1 triệu đồng/người/tháng; năm 2022 đạt 16 triệu đồng/người/tháng; năm 2023 dự kiến đạt hơn 17,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đó, Nhà máy luôn giữ vững mối quan hệ gắn bó mật thiết với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân; tích cực ủng hộ, giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, phong trào xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng…
10 năm trở lại đây, các chỉ tiêu tăng trưởng bình quân hằng năm của Nhà máy đều đạt 4-6%. Nhà máy thường xuyên được cấp trên đánh giá cao về công tác quản lý tiền vốn, tài sản, hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách đối với Nhà nước mỗi năm gần 100 tỷ đồng.
“Để đạt được kết quả nêu trên, bên cạnh việc thường xuyên đổi mới nâng cao hiệu quả công tác quản lý theo hướng hiện đại; phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, tác phong công tác khoa học, Nhà máy luôn quan tâm chăm lo xây dựng và phát triển “nhân tố con người”. Việc bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được tiến hành song song với việc cải thiện môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động…; tạo động lực để cán bộ, công nhân viên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Nhà máy, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, Đại tá Chu Việt Sơn, khẳng định.
Nhà máy Z121 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1989), Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2004); có hai tập thể và hai cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba, huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì…