Thương hiệu dưới một góc nhìn trẻ

Theo quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh Trang, thương hiệu quốc gia là một bộ phận quan trọng cấu thành nên “sức mạnh mềm” của một quốc gia, dân tộc; thể hiện sức lôi cuốn, mức độ nhận biết cũng như hội nhập của nền kinh tế trong một thế giới luôn biến đổi không ngừng.
0:00 / 0:00
0:00
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: MINH HÀ)
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: MINH HÀ)

Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh Trang mới bảo vệ thành công luận án với đề tài “Nghiên cứu về công tác xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam trong bối cảnh thế giới biến động sâu sắc” tại Đại học Nhân dân-một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của Trung Quốc.

Việc lựa chọn một đề tài mới và khó, cần đầu tư thời gian và công sức lớn, xuất phát từ thực tế khi chị đi du học nước ngoài, bạn bè quốc tế còn chưa biết nhiều về hình ảnh, thương hiệu quốc gia Việt Nam. Một số kết quả khảo sát về sức mạnh mềm của các quốc gia cũng cho thấy, hình ảnh Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt trong mắt bạn bè quốc tế.

Do vậy, Hoàng Thị Hạnh Trang xác định: Xây dựng hình ảnh quốc gia, trong đó có thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam, không những là đề tài luận án tiến sĩ, mà sẽ còn là lĩnh vực nghiên cứu chị dành nhiều tâm huyết theo đuổi và gắn bó lâu dài.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu này, những năm gần đây, việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt được nhiều kết quả nổi bật: Như định danh Việt Nam là một nền kinh tế phát triển năng động, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách quốc tế; một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; một đất nước có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc…

Tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam hiện đứng trước một “thế giới biến động sâu sắc” với những xu thế mới. Cục diện chính trị-kinh tế thế giới chuyển dịch trung tâm từ tây sang đông với làn sóng trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cả về vị thế địa-chính trị và địa-kinh tế.

Các nước Đông Á đã tạo dựng được “sức mạnh mềm” và ảnh hưởng lớn hơn trên toàn cầu; các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng nổi cộm, nhất là sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Thế giới bước vào thời đại số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thành tựu khoa học-công nghệ làm thay đổi cuộc sống con người.

Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh Trang cho rằng: Nhìn nhận công tác xây dựng thương hiệu quốc gia trong bối cảnh lớn này là cần thiết để nắm bắt xu thế, đưa ra đánh giá kịp thời về những thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ đó hoạch định chiến lược phù hợp.

Trên cơ sở đó, đề tài nghiên cứu của chị đã đề xuất nhiều nội dung cụ thể như: Làm rõ nội hàm của thương hiệu quốc gia, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc gia; đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu và các phương pháp định lượng trong xây dựng thương hiệu quốc gia, thực hiện các cuộc khảo sát về thương hiệu Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; xem xét hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia.

Đánh giá cao giá trị đề tài của tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh Trang, các chuyên gia, giáo sư Trung Quốc nhận định: Việc khảo sát, đánh giá thực trạng công tác xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam những năm gần đây có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với Trung Quốc, cũng như các nước đang phát triển khác vì nhóm các nước này đều có mối quan tâm chung là xây dựng và khẳng định thương hiệu quốc gia, nâng cao vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế.

Ngoài ra, các giáo sư cũng ấn tượng với những thương hiệu mà Việt Nam xây dựng khá thành công như “ngoại giao cây tre”, “Make in Vietnam”, “quốc gia số”, “hệ giá trị quốc gia”...

Khi được hỏi về quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia của Trung Quốc và những gợi mở cho Việt Nam, chị cho biết: Là hai nước láng giềng có nhiều nét tương đồng, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tiềm năng và dư địa để học hỏi kinh nghiệm của nhau.

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia đã được Trung Quốc tập trung đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây và thu được những kết quả khả quan. Đơn cử như việc thực hiện các cuộc điều tra về hình ảnh, thương hiệu quốc gia, được tiến hành đều đặn hằng năm kể từ năm 2011, hình thành một cơ chế đánh giá định lượng có giá trị, phục vụ triển khai các sáng kiến, chiến lược ở tầm vĩ mô.

Hoàng Thị Hạnh Trang cũng đưa ra đề xuất: Việc xây dựng thương hiệu quốc gia nói chung, thương hiệu của các doanh nghiệp, sản phẩm nói riêng cần có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới các địa bàn cụ thể với cách thức, nội dung phù hợp. Thí dụ như tại Trung Quốc, việc ngày càng nhiều nông sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch và được người tiêu dùng ưa chuộng, mang đến cơ hội để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ dân.

Bên cạnh việc tạo dựng được một số thương hiệu quốc gia khá rõ nét, Việt Nam đang cho thấy những quyết tâm trong xây dựng một số thương hiệu mới với tầm nhìn dài hạn, như “cường quốc nông nghiệp sinh thái”, hay “quốc gia số ổn định và thịnh vượng” với chiến lược “Make in Vietnam”…