Bài viết tham dự cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025

Vượt lo sợ, 110 lần hiến máu

Không chỉ vượt qua sợ hãi khi nhìn thấy kim tiêm lấy máu bị choáng, đến nay, anh Ngô Văn Dư đã hiến máu toàn phần 110 lần. Ngoài ra, anh Dư còn là một tuyên truyền viên về máu và đã vận động được hàng nghìn đơn vị máu hiến.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Dư tham gia hiến máu từ năm 1996 tới nay đã được 110 lần.
Anh Dư tham gia hiến máu từ năm 1996 tới nay đã được 110 lần.

Sống để máu, chết để xác

Từ khi quen và nói chuyện với anh Ngô Văn Dư (sinh năm 1974), mỗi lần gặp anh trong căn nhà nhỏ ở Phường 11 (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), tôi đều phải “cập nhật” số lần hiến máu của anh. Vì cứ đều đặn 3 tháng một lần anh Dư lại tham gia hiến máu nhân đạo, việc làm này anh đã duy trì suốt 28 năm nay.

Anh Dư có nước da hồng hào, khuôn mặt rạng rỡ và đặc biệt rất nhiều... máu. Năm 1996, trong một lần vào trông nom bạn ốm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Dư tình cờ thấy một ca cấp cứu đang rất cần máu để điều trị. Tuy nhiên, vì lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe nên anh Dư đã lẳng lặng ra về mà không tham gia hiến máu.

Về tới nhà một đêm dài anh Dư không ngủ nổi. Suy nghĩ. Trằn trọc. Và Dư tự đặt câu hỏi rằng, liệu giờ bệnh nhân đó ra sao rồi? Tại sao mình không hiến máu cứu họ? Hình ảnh nạn nhân nằm “chờ máu” cứ ám ảnh anh Dư mỗi khi chợp mắt. Anh quyết định phải thay đổi suy nghĩ, tìm hiểu về hiến máu và không thể để lương tâm cứ cắn dứt mãi được.

Ít ngày sau, anh Dư biết thông tin phường sắp tổ chức hiến máu nhân đạo, khi đó Dư đang tham gia công tác dân quân tự vệ địa phương, anh Dư đã mạnh dạn đăng ký hiến máu. Tuy nhiên, người phản đối đầu tiên và dữ dằn Dư hiến máu chính là ba mẹ Dư. Song thân chưa hiểu về hiến máu, cho rằng hiến đi sẽ không phục hồi lại được, sức khỏe suy giảm. Anh Dư phải giải thích rất nhiều với ba mẹ để được đồng ý hiến máu.

“28 năm trước, nhận thức của cộng đồng về hiến máu còn hạn chế nên chỉ có một vài người đăng ký hiến. Lúc chuẩn bị hiến tôi rất hồi hộp. Nhìn thấy bịch máu và kim tiêm tôi sởn da gà, vã mồ hôi rồi lưỡng lự định rút lui. Song, nghĩ lại hình ảnh nạn nhân chờ máu trong bệnh viện, tôi hít thật sâu và không nhìn vào kim tiêm nữa để vượt qua nỗi sợ, thực hiện hiến máu lần đầu tiên trong đời”, anh Dư xúc động nhớ lại.

Sau khi hiến xong, anh Dư cảm thấy trong người vẫn khỏe mạnh, đặc biệt tinh thần cảm thấy thoải mái và hạnh phúc vì đã làm được một việc có ích cho cộng đồng. Về nhà, anh cất cẩn thận giấy chứng nhận đăng ký hiến máu, coi đó như quyển sổ đỏ đầu tiên và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo sự tư vấn của bác sĩ.

Cứ “đến hẹn lại lên”, 3 tháng đều đặn không cần sự vận động, anh Dư chủ động tìm đến các trung tâm hiến máu, bệnh viện để đăng ký hiến máu. Số lần hiến máu tăng dần theo lũy kế thời gian. Mỗi lần hiến máu xong, anh Dư lại mang về hai thứ: tấm bìa đỏ chứng nhận hiến máu và nụ cười hạnh phúc.

Bác sĩ Bùi Ngọc Hùng, Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Anh Dư đã tham gia hiến máu 110 lần và mỗi lần anh Dư hiến thường từ 400-450 ml, tổng số máu gần 50 lít. Việc hiến máu thường xuyên của anh Dư cũng như của nhiều người khác khiến chúng tôi rất trân trọng. Bởi vì sự hiến máu của các bạn sẽ đóng góp cho số lượng máu điều trị của thành phố trong công tác y tế cũng như người cần máu. Không chỉ tích cực hiến máu mà trong những năm qua anh Dư đã vận động được rất nhiều người tham gia hiến máu để tiếp máu cho các người bệnh cần máu điều trị”.

Với tâm niệm sống để máu, chết để xác, anh Dư đã đăng ký hiến thi hài, mô và tạng sau khi qua đời cho y học phục vụ nghiên cứu. Anh cho biết, đã đăng ký hiến thi hài tại Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và hiến mô, hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2022. “Cho đi là nhận lại. Tôi mong sẽ để lại nụ cười cho những bệnh nhân tiếp nhận mô, tạng”, anh Dư mỉm cười.

Tuyên truyền viên máu đặc biệt

Trong căn nhà chưa đầy 40 m2 của anh Dư chỉ vỏn vẹn mấy thứ đồ đạc cũ kỹ còn chủ yếu là bằng khen các cấp và 110 cuốn “sổ đỏ” được anh cất giữ cẩn thận như báu vật để mỗi khi nhìn vào anh cảm thấy tự hào. Ngoài ra, trong nhà cũng chỉ có mấy bộ quần áo bảo vệ treo vì công việc của anh là bảo vệ tại một ngân hàng. Anh Dư chẳng ngại ngần vị trí công việc của mình mà thường xuyên vận động cán bộ, nhân viên cơ quan tham gia hiến máu. Trên trang cá nhân của anh Dư tràn ngập hình ảnh, khẩu hiệu kêu gọi cộng đồng hiến máu nhân đạo.

Trong những năm qua, anh Dư đã vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp hiến máu thường xuyên, cơ quan anh có 6.000 nhân viên thì mỗi năm đều hiến được gần 1.000 đơn vị máu. Anh Dư còn là người tư vấn về chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao cho người sau hiến máu để họ duy trì sức khỏe và thực hiện hiến máu đều đặn. Đặc biệt, các trường hợp cấp cứu cần máu khẩn cấp, anh Dư luôn là “địa chỉ đỏ” để một số bệnh viện nhớ đến đầu tiên. Dư sẽ huy động thêm bạn bè cho đủ số máu cần, kịp thời giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch.

Chị Đặng Thị Lệ Thu, điều dưỡng viên Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong những năm qua anh Dư đã tuyên truyền, vận động được rất nhiều người hiến máu, giúp ổn định nguồn máu điều trị cho những người bệnh, đó là nghĩa cử rất cao đẹp”.

Sống một mình nhưng anh Dư không cô đơn. Mọi sinh hoạt anh Dư đều tự lo liệu, cho dù nhiều hôm phải đi sớm về khuya. Anh Dư rất cởi mở với hàng xóm láng giềng, sẵn sàng giúp đỡ họ khi gặp khó khăn. Anh bật mí với tôi rằng, gần 10 năm nay, mỗi tháng anh đều trích ra một số tiền và bỏ vào heo đất. Ít năm nữa nghỉ hưu anh Dư sẽ dùng toàn bộ số tiền đó để làm từ thiện. “Tôi tâm niệm ngày nào còn sống sẽ hiến đến giọt máu cuối cùng và làm từ thiện hết sức”, anh Dư chia sẻ.

Ông Đào Văn Thanh, hàng xóm của anh Dư chia sẻ: “Tôi từ lâu rất ngưỡng mộ về tinh thần hiến máu nhân đạo của Dư. Trong cuộc sống hằng ngày với hàng xóm láng giềng, Dư rất hiền hòa, cư xử với mọi người rất cởi mở. Dư chỉ biết hiến máu cứu người, làm thật nhiều việc tốt, không màng danh lợi hay thành tích”.

Việc hiến máu của anh Dư còn giúp hai cha con anh xích lại gần nhau hơn sau gần chục năm sống xa cách nửa vòng trái đất. Anh Dư cho biết, con gái anh 15 tuổi hiện đang sống cùng mẹ ở nước ngoài, con bé rất vui khi biết cha thường xuyên hiến máu, góp ích cho xã hội. Bé đã đăng hình hai cha con lên mạng xã hội với sự tự hào rất lớn.

Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc làm của anh Dư đã tác động, góp phần phát triển phong trào hiến máu của thành phố và truyền tải được tinh thần nhân đạo với sự tình nguyện để giúp cho những người bệnh đang cần máu điều trị. Đối với Dư, làm được việc gì giúp ích cho đời, cho xã hội thì Dư luôn cố gắng hết sức”.

Một số ghi nhận đối với anh Dư: Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2017; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 2020; một trong 100 cá nhân hiến máu tiêu biểu toàn quốc 2022.