Vui nghề câu cá hố ở Cảnh Dương

Quảng Bình bắt đầu bước vào vụ cá nam, các làng biển vào mùa nhộn nhịp hẳn. Chúng tôi về Cảnh Dương - làng biển duy nhất ở Quảng Bình có nghề câu cá hố xuất khẩu để nghe ngư dân kể chuyện nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Sau chuyến câu khơi, tàu ngư dân Cảnh Dương trở về đầy khoang cá hố.
Sau chuyến câu khơi, tàu ngư dân Cảnh Dương trở về đầy khoang cá hố.

1/Cảnh Dương là làng biển nổi tiếng ở Quảng Bình, có lịch sử hình thành gần 400 năm. Đội tàu thuyền ở đây hùng hậu, vươn tới ngư trường xa với đủ các loại hình nghề nghiệp đánh bắt, trong đó, câu cá hố để xuất khẩu là nghề lâu đời nhất gắn bó với ngư dân Cảnh Dương. Theo những ngư dân cao tuổi ở Cảnh Dương, cá hố sinh sống ngoài khơi, thường sống ở độ nước sâu từ 50 đến 60 sải tay, khoảng 100-110m. Cá tập trung thành đàn, nổi lên mặt nước vào mùa sinh sản, kiếm mồi rồi xuống sâu hơn. Vì thế, mùa đánh bắt cá hố bắt đầu từ cuối tháng 3 đến tháng 8. Muốn khai thác được cá hố phải là những ngư dân có nhiều kinh nghiệm, tàu cá có các thiết bị như máy dò luồng cá, máy định vị và là người có sức khỏe tốt.

Gần 50 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tàu cá QB 93130TS đã có 25 năm làm nghề đánh bắt cá hố. Thông thường mỗi tháng, ngư dân Cảnh Dương ra khơi câu cá hố một chuyến trong khoảng 20 ngày song cũng có thời điểm họ đi hai chuyến với thời gian hải trình được rút ngắn hơn. Theo Dũng, sau mỗi tuần trăng là anh và các bạn thuyền dong tàu ra khơi. Từ cửa sông Loan ở làng Cảnh Dương, chiếc tàu cá công suất 250CV chạy một ngày, một đêm mới ra tới ngư trường, nơi có nhiều luồng cá hố đang vào đợt di chuyển kiếm mồi. Đến nơi, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Dũng bắt đầu mở máy dò cá để quyết định vị trí neo tàu, buông câu. Ngày biển bình yên, công việc này không khó chứ những ngày biển có gió mạnh, việc dò cá mất nhiều thời gian hơn và độ chính xác cũng kém hơn hẳn. Khi dò tìm được tín hiệu của đàn cá, thuyền trưởng quyết định dừng tàu thả neo, thiết bị định vị được bật lên để kết nối với đất liền. Công việc buông câu bắt đầu.

2/Thức ăn mà cá hố thích nhất là cá nục bởi thịt thơm, không dai. Lúc không có cá nục thì ngư dân lấy luôn con cá hố xẻ thành miếng nhỏ làm mồi câu. Các ngư dân Cảnh Dương cho biết, trên mỗi tàu câu cá hố có nhiều cần câu bằng tre nhỏ, chắc, dài chừng 15m, buộc một đầu vào sợi dây cước dài có nhiều lưỡi câu. Trên sợi dây cước còn được buộc thêm một cục chì từ 1,5 đến 2kg bảo đảm cho chùm lưỡi câu chìm xuống 50-100m để dụ cá hố ở tầng nước sâu. Thường mỗi tàu cá có 10 cần câu, mỗi người chịu trách nhiệm hai cần. Công việc cũng khá vất vả khi ngư dân liên tục phải kiểm tra sợi dây thấy bị níu xuống tức là cá cắn câu thì kéo lên để bắt hoặc có khi chúng chỉ rỉa mồi cũng phải kéo chùm lưỡi lên để thay mồi mới. Một người trên tàu chuyên xẻ thịt cá để cung cấp mồi câu cho nhóm người câu.

“Thả câu ở mức nước sâu hàng chục, có khi hàng trăm mét, mỗi lần cá ăn mồi mắc câu, kéo lên cũng khá mỏi tay vì sợi cước rất dài. Ngay cả việc cuốn sợi dây cước lên cũng phải khéo để khi thả xuống lại không bị rối, chứ rối thì chỉ còn cách lấy kéo cắt bỏ phần bị rối rồi nối dây lại câu tiếp”, anh Dũng chia sẻ.

Nghề câu cá hố không chỉ vất vả mà ngư dân còn phải thức xuyên đêm. Họ có lúc chỉ nhai mì ăn liền hoặc ăn cơm nguội qua loa để tiếp tục công việc của mình. Trời bình yên thì không sao chứ những ngày gió nồm thổi mạnh, tàu chao đảo, sóng trùm lên mạn, người ngồi câu bên mạn tàu ướt nhẹp, thay vội bộ quần áo, chụp thêm cái áo mưa, các ngư dân tiếp tục ngồi câu. Lại có người câu buồn ngủ, chợp mắt cái, suýt rơi xuống biển.

3/Nếu các nghề biển khác thì việc khai thác hải sản mang tính tập thể, tỷ lệ ăn chia do chủ tàu, thuyền trưởng quyết định trên cơ sở công sức đóng góp của bạn thuyền. Riêng nghề câu cá hố thì tỷ lệ ăn chia là 3/7, chẳng hạn, một ngư dân trên tàu câu được một tạ cá thì ba phần là dành cho chủ tàu để chi phí chuyến biển, bảy phần còn lại người đó hưởng. Như vậy, câu được nhiều thì thu nhập cao và ngược lại. Vì thế mới có chuyện, trên cùng một tàu cá, có ngư dân thu nhập 15 triệu đồng/chuyến biển nhưng cũng có người chỉ được vài triệu đồng do mới vào nghề hoặc quá trình câu thiếu may mắn nên sản lượng thấp.

Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho biết, sau những chuyến ra khơi trong tháng 3 vừa qua, tàu của ngư dân Cảnh Dương trở về đầy khoang cá hố với lớp phấn ánh bạc, nhìn thích mắt. Cá hố là loại cá được mệnh danh là cá biển mình rồng bởi vẻ ngoài lấp lánh mầu xanh lam như mầu thép có ánh bạc cùng vây chạy dọc sống lưng, chúng có thân hình dài lên tới cả mét, nặng 2-3kg. Tuy là loài cá dữ, khó đánh bắt nhưng với giá trị dinh dưỡng cao, cá hố được xuất khẩu với giá trị kinh tế không nhỏ. Hiện, ở Cảnh Dương, câu cá hố trở thành một nghề quy tụ rất đông ngư dân tham gia, sản lượng cá hố xuất khẩu lên đến hàng nghìn tấn mỗi năm. Hiện, giá cá hố tuy giảm hơn song vẫn ở mức cao, từ 70-80 nghìn đồng/kg.