Việt Nam và Italy hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ

Ngày 12/12, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã khai mạc triển lãm “Công nghệ vũ trụ và ứng dụng Việt Nam - Italy. Nhìn xa hơn”. Triển lãm mở ra cơ hội mới trong hợp tác về lĩnh vực vũ trụ giữa hai bên, hướng tới kỷ niệm 50 năm hai nước hợp tác và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Italy (bên trái) và Phó Chủ tịch VAST Lê Trường Giang (giữa) tại buổi triển lãm.
Đại sứ Italy (bên trái) và Phó Chủ tịch VAST Lê Trường Giang (giữa) tại buổi triển lãm.

Dự lễ khai mạc triển lãm có Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro; Phó Chủ tịch VAST, GS Lê Trường Giang và Tổng Giám đốc VNSC, TS Phạm Anh Tuấn. Sự kiện này diễn ra nhân dịp Ngày Vũ trụ quốc gia Italy (16/12) được Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy tổ chức tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đồng thời nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy vào năm sau.

Triển lãm trưng bày 23 hình ảnh độ phân giải cao về Trái đất do hệ thống vệ tinh COSMO-SkyMed của Italy chụp và xử lý bởi công ty Telespazio/e-GEOS, trong đó có hai hình ảnh đáng chú ý về Hà Nội và vùng đồng bằng sông Mê Công, cùng chín pa-nô do VNSC minh họa ứng dụng ảnh vệ tinh trong viễn thám và phòng, chống thiên tai ở Việt Nam.

Vệ tinh COSMO-SkyMed là một hệ thống gồm năm vệ tinh radar (ba chiếc thuộc thế hệ thứ nhất và hai chiếc thuộc thế hệ thứ hai) để quan sát Trái đất. Hệ thống này đi đầu trong công nghệ, sử dụng các cảm biến radar có độ phân giải cao để quan sát Trái đất cả ngày lẫn đêm, bất kể điều kiện thời tiết. Hệ thống nhằm giám sát Trái đất cho mục đích phòng ngừa khẩn cấp, chiến lược, khoa học và thương mại, cung cấp dữ liệu trên phạm vi toàn cầu để hỗ trợ nhiều ứng dụng, trong đó có quản lý rủi ro, bảo vệ rừng và môi trường, thăm dò tài nguyên thiên nhiên, quản lý đất đai, quốc phòng, an ninh, giám sát hàng hải, quản lý lương thực và nông nghiệp.

Theo GS, TS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch VAST, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, hai nước đã cùng nhau hợp tác, phát triển sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược thiết lập tháng 1/2013, các hoạt động hợp tác ngoại giao, văn hóa, an ninh quốc phòng, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác địa phương… giữa hai bên đã được tăng cường, thúc đẩy thiết thực và hiệu quả. Việt Nam trân trọng sự ủng hộ của Italy trong quá trình Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế và hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN. Ngược lại, Italy cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

Việt Nam và Italy hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ ảnh 1

Triển lãm thu hút sự chú ý của công chúng hai nước.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, trong đó, VAST được giao triển khai nhiều nhiệm vụ nền tảng để phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ như: Xây dựng triển khai đề án tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ công nghệ quang học và radar, có độ phân giải cao và siêu cao; tổ chức nghiên cứu, triển khai chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ vũ trụ; phổ biến, cung cấp thông tin phục vụ các hoạt động thúc đẩy nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ vũ trụ,… và là đầu mối quốc gia trong hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ vũ trụ.

Trong khi đó, Italy là một trong số ít quốc gia có lực lượng nghiên cứu hàng đầu về nhiều khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực vũ trụ như vệ tinh, phóng vệ tinh, quan sát Trái đất, định vị, khám phá sự sống trong không gian. Thời gian qua, Việt Nam và Italy đã có những hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. VAST đã trang bị hai hệ thống kính thiên văn quan sát bầu trời của Italy. Do đó, Phó Giám đốc VAST cũng hy vọng thông qua sự kiện lần này, các nhà khoa học Việt Nam và Italy có thêm những cơ hội mới để hợp tác trong lĩnh vực nói trên, nhằm khám phá và ứng dụng những thành quả của công nghệ vũ trụ phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của hai nước.

Trước những lời bày tỏ của GS Lê Trường Giang, Đại sứ Antonio Alessandro cho biết, Italy luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Hai bên đã bắt đầu các dự án nghiên cứu song phương từ năm 2020 trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, cảnh báo phòng ngừa thiên tai, khai thác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên… Năm 2023, hai bên sẽ tiếp tục triển khai ba dự án nghiên cứu chung trong các lĩnh vực liên quan phát triển bền vững.

Ông Alessandro cũng khẳng định, với mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các hoạt động vũ trụ và công nghệ vũ trụ trong nhiều lĩnh vực như môi trường, khí tượng, đổi mới sáng tạo và quốc phòng - an ninh, Italy luôn sẵn lòng hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và ứng dụng, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vũ trụ đến năm 2030.