Tới đây, hẳn sẽ diễn ra nhiều hoạt động vui đón Trung thu được tổ chức cho các cháu nhỏ ở các khu dân cư, ở nông thôn; cho học sinh ở trường; rồi các cuộc vui Trung thu tổ chức trong gia đình, bè bạn. Vậy là thời gian của “Mùa Trung thu” đang có xu hướng kéo dài hơn, nhiều hình thức, nhiều hoạt động hơn.
Và như vậy, bên cạnh niềm vui, sự thưởng thức, trải nghiệm mà đặc biệt, với Trung thu, thường phải có các hoạt động đông người mới nên không khí rước đèn, trông trăng, phá cỗ, thì câu chuyện tiết kiệm cũng cần được tính đến sớm. Qua một số năm, người ta không khỏi lắc đầu tiếc rẻ khi bánh nướng, bánh dẻo sản xuất nhiều nhưng bán không hết phải bỏ đi; hoặc có tình trạng bánh bày bán để lâu, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngay trong gia đình cũng có khi mua nhưng lại để thừa thãi. Ngay cả đèn Trung thu thì cũng có hình ảnh sau ngày rằm, nhìn những đống rác, xe gom rác, người ta thấy những món đồ trang trí hay đèn dùng xong, thủng, gãy bị bỏ đi, vứt lổng chổng. Tâm lý mỗi năm Trung thu chỉ có một lần, dùng xong rồi bỏ cũng thật đáng băn khoăn!
Sự lãng phí trên có những liên quan nhất định đến chính quyền, cơ quan chức năng trong việc định hướng sản xuất, quản lý và kiểm soát việc tiêu thụ; liên quan đến bản thân các gia đình trong ý thức mua sắm, nhu cầu sử dụng. Cần những định hướng, tư vấn thiết thực của các đơn vị chuyên môn đối với các nhà sản xuất; cũng như mong có sự tự ý thức, căn chỉnh hợp lý của các gia đình, để bảo đảm một lối ứng xử “biết vừa, biết đủ” trong vui chơi, hưởng thụ văn hóa dịp Trung thu.
Đây cũng là việc rất cần để tâm rà soát, gia giảm đối với các nhà trường, các tổ chức xã hội, ban, ngành ở cơ sở khi tổ chức vui đón Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn. Nếu để thừa thãi, lãng phí thì thật sự đáng tiếc và giảm đi ý nghĩa tốt đẹp của Tết Trung thu.