Vất vả mua xăng, dầu

Những ngày qua, nhiều cây xăng Hà Nội có thời điểm treo biển hết hàng, nghỉ bán, những cây còn mở thì đông nghẹt hoặc bán cầm chừng. Nhiều người cho rằng, xăng có tăng giá cũng không đáng ngại bằng việc phải đi mua ở thời điểm này.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng thiếu xăng cục bộ đang xảy ra tại một số nơi trên địa bàn TP Hà Nội.
Tình trạng thiếu xăng cục bộ đang xảy ra tại một số nơi trên địa bàn TP Hà Nội.

1/Thị trường bán lẻ xăng, dầu tại Hà Nội những ngày gần đây “nóng” lên khi một số nơi treo biển hết hàng, tạm dừng đón khách, khiến người dân rất vất vả để mua xăng, dầu. Chiều 6/11, một cây xăng nằm trên đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) thông báo hết xăng, nhiều khách vào rồi lại quay đầu ra. Tình trạng các cây xăng treo biển hết hàng, hoặc “hết xăng, còn dầu” diễn ra phổ biến trong những ngày gần đây. Thậm chí đến nửa đêm vẫn còn đông nghịt người đang xếp hàng chờ tới lượt vì nghĩ đi mua xăng ban đêm sẽ vắng hơn ban ngày. “Tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải liên tục tìm chỗ mua xăng như thế này, đi đến 4-5 cây xăng nhưng may ra có một cây hoạt động. Xui nhất là những người hết xăng giữa đường, dắt xe cả đoạn đường dài đến cây xăng nhưng đành thất vọng quay ra, chật vật dắt xe đi chỗ khác tìm mua. Xăng lên giá cũng không vất vả bằng cảnh đi đổ xăng mà tìm mãi mới thấy một cây xăng còn bán như này”, anh Đức, một khách mua xăng cho biết.

Có một nghịch lý diễn ra trong thời gian qua, đó là khi các cây xăng thông báo nghỉ bán thì ngay lập tức bên vỉa hè cạnh đó xuất hiện những sạp hàng nhỏ lẻ, bán xăng với giá 30 nghìn đồng/lít. Một số điểm bán tính giá theo vật chứa như chai, lọ. Trung bình chai 1,5 lít giá 50 nghìn đồng, chai 2 lít giá 60 nghìn đồng. Người bán tận dụng các loại chai, can để đựng xăng và bày bán sát mép vỉa hè để người qua đường dễ dàng trông thấy. Một số người cho biết, do cây xăng bán giới hạn cho khách nên mua không đủ, lại ngại chen chúc xếp hàng nên chọn mua tạm xăng vỉa hè để tránh mất thời gian.

2/Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản 3694/UBND-KTN về việc thực hiện Công điện 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Công thương thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng, dầu của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng, dầu, báo cáo đề xuất UBND thành phố để có phương án điều tiết hợp lý, kịp thời; phối hợp Cục Quản lý thị trường rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình đóng mở, kinh doanh xăng, dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố trước 17 giờ hằng ngày. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương giải quyết triệt để hoạt động bán xăng, dầu bằng chai, lọ trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng kinh doanh trái phép nhằm trục lợi, gây mất an ninh, không bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ…

Sáng 5/11, trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những ngày qua tình hình xăng, dầu thế giới và trong nước có diễn biến mới, cụ thể là nguồn cung xăng, dầu thế giới ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ mạnh để nhập khẩu xăng, dầu như USD, euro liên tục có biến động trong tuần qua và dự báo tiếp tục được điều chỉnh tăng thời gian tới đã gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng khan hiếm xăng, dầu được người đứng đầu ngành công thương cho biết có cả khách quan lẫn chủ quan. Ngoài việc tỷ giá biến động, sức hút nguồn xăng, dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt, dẫn đến đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao… Còn có nguyên nhân xuất phát từ phía doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu rất khó tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng của ngân hàng do không đủ điều kiện. Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, cùng định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong tính giá cơ sở xăng, dầu nên doanh nghiệp càng làm thì càng lỗ, và trong cơ chế thị trường thì không ai ngoài quy luật cung cầu. Doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đã không làm ăn có lãi thì cũng không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý, cửa hàng bán lẻ nên đã gây ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ một số nơi.

Về giải pháp, hiện Bộ Công thương đang được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát để sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành của Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP và sẽ sửa theo điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ phù hợp thực tế hơn. Bộ sẽ sửa theo hướng tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nói chung, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, nhất là doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Mặt khác, Bộ cũng xây dựng cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dự trữ xăng, dầu nhằm kịp thời lấp đầy các lỗ hổng, lược bỏ sự chồng chéo về quản lý, điều hành của các chủ thể trong quy định hiện hành theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.