Vật nuôi cắn người, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cả nước có khoảng 7,2 triệu chó mèo nuôi nhưng số lượng chó mèo được tiêm phòng chỉ đạt một nửa. Trong khi đó, tình trạng chó dại cắn, chó dữ tấn công người dẫn đến thương tật, thậm chí mất mạng vẫn đang tái diễn và có chiều hướng gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm phòng dại cho chó, mèo. Ảnh: NGUYỆT ANH
Tiêm phòng dại cho chó, mèo. Ảnh: NGUYỆT ANH

1/Chỉ trong vòng một tuần dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư đã tiếp nhận gần 90 trẻ bị chó, mèo hoặc vật nuôi cào, cắn, 20% bị thương nặng đến rất nặng. Đơn cử, trường hợp bệnh nhi 7 tuổi được chuyển từ Bắc Giang đến BV Nhi T.Ư trong trường hợp nguy kịch. Trước đó vào mồng 3 Tết cậu bé bất ngờ bị một con chó tấn công cắn vào vùng lưng, đùi và bụng đến mức thủng ruột và lộ ruột ra ngoài nên đã được phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột. Bác sĩ Nguyễn Đức Thường, Phó Trưởng Khoa điều trị tích cực Ngoại Khoa, BV Nhi T.Ư cho biết: “Bệnh nhi còn kèm theo một vết thương sau lưng thấu vào lồng ngực, lộ cả xương cột sống. Khi chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã báo động đỏ toàn viện. Chúng tôi đã kết hợp các chuyên khoa cấp cứu, hồi sức, gây mê hồi sức và phẫu thuật viên. Chúng tôi đã hội chẩn với các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm và Kiểm soát Nhiễm khuẩn để tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng vaccine dại và kháng huyết thanh dại cho trẻ”.

TS, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát Nhiễm khuẩn chia sẻ: “Với các trường hợp bị chó mèo cắn nhập viện, tất cả đều được các bác sĩ chỉ định tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời. Nếu không khả năng mắc bệnh dại rất lớn, khi đó, bệnh nhân không còn khả năng sống sót”.

2/Ngay từ cuối năm 2023, trước tình trạng bệnh dại có nguy cơ gia tăng và đặc biệt trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tình trạng vật nuôi cắn người, đặc biệt là trẻ em có tăng lên, Cục Thú y trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các địa phương trong việc phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh dại. Khi có các nguy cơ xuất hiện bệnh dại, các địa phương chỉ đạo lực lượng thú y các cấp phối hợp với ngành y tế tổ chức điều tra: Việc ứng phó với những trường hợp người không may mắn bị chó cắn; xem những vùng đó bệnh dại như thế nào và đặc biệt là công tác quản lý đàn chó và tiêm phòng vaccine phòng bệnh để có những biện pháp quản lý kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Thú y - Bộ NN&PTNT cho rằng, với chủ vật nuôi chó mèo, quy định pháp luật cũng rất rõ ràng, đó là, cần nuôi nhốt, ra ngoài phải rọ mõm và cần phải tiêm phòng. Nếu không may, trong quá trình tiếp xúc hoặc vì lý do gì đó không may bị con chó cắn, thì phải thực hiện ngay các bước sơ cứu y tế đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, trong đó, có giải pháp phải đi tiêm phòng ngay kể cả phải tiêm kháng huyết thanh.

Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bị súc vật cắn: Vật nuôi không được tiêm phòng dại và vật nuôi thả rông, không xích, không rọ mõm. Mặc dù đã có những quy định xử phạt nhưng nhiều người vẫn bất chấp, cố ý coi thường. Ông Long cho rằng, việc kiểm tra, xử phạt nếu vẫn còn bị buông lỏng thì người nuôi chó cũng vẫn thoải mái thả rông chó của mình. Trong công tác phòng chống bệnh dại, việc quản lý đàn chó, nuôi nhốt là khâu quan trọng nhất. Việc chưa quản lý được đàn chó dẫn đến chưa tiêm phòng đạt hiệu quả. Nguyên nhân chính là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, chính quyền xã, phường còn hời hợt. Bên cạnh đó, hiện nay mức xử phạt từ 1-2 triệu đồng nếu vật nuôi thả rông, không đeo rọ mõm là thấp, chưa đủ sức răn đe. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cả nước có khoảng 7,2 triệu chó mèo nuôi nhưng số lượng chó mèo được tiêm phòng chỉ đạt một nửa, chỉ có 10 tỉnh thành có số chó mèo tiêm phòng đạt 70% trở lên.

Theo ông Long, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu nuôi chó mèo, nhất là chó mèo cảnh ngày càng tăng nhưng khi tham gia chuỗi chăn nuôi phải hiểu rõ quy định của nhà nước, phải hiểu rõ đặc tính của vật nuôi. Cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức tiêm phòng, kiểm tra, đôn đốc thực tế.

“Cục Thú y cũng đang xem xét để đề xuất tăng nặng hình phạt, nhất là trong các trường hợp để chó thả rông cắn thương tâm thậm chí chết người hoặc chó không tiêm phòng vaccine bệnh dại cắn làm chết người…để đủ sức răn đe”, ông Long cho biết.