Vạn cuốn sách nơi Thế Uẩn thư trai

Tôi biết PGS, TS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện lâu rồi, thăm nhà riêng thì chưa. Anh từng 16 năm là Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (2006-2022). Tình cờ, một lần được anh mời đến nhà chơi, ở phố Trần Quốc Hoàn, Hà Nội. Và tôi bất ngờ... Bốn tầng, sách và sách.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện (bên trái) tặng cuốn sách - Khúc hợp đàn văn - cho nhà thơ Lê Tuấn Lộc - tác giả bài viết.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện (bên trái) tặng cuốn sách - Khúc hợp đàn văn - cho nhà thơ Lê Tuấn Lộc - tác giả bài viết.

1/Theo chỉ dẫn của anh, tôi đến phố Trần Quốc Hoàn. Bấm chuông, mãi mới thấy anh ra mở cửa. Tôi vào phòng khách. Trên bàn đã có hoa quả tươi và trà thơm mời khách. Rồi anh hồ hởi: Tôi phải dẫn anh đi thăm nhà tôi. Tôi chưa hiểu tại sao anh muốn dẫn tôi xem nhà. Thì ra là đi xem sách.

Từ tầng 1 lên tầng 4, hầu hết là sách quý. Phải là một người yêu quý sách mới giữ được sách thế. Những sách anh mang từ nước ngoài về, sách bằng các ngôn ngữ khác nhau, sách mới nhất năm 2023, sách cũ từ những năm đầu thế kỷ XX... anh xếp cẩn thận theo thời gian. Tôi hỏi: Anh đã gần 80, giữ sách để làm gì? Anh trố mắt nhìn tôi như nhìn một vật lạ. Tôi hỏi: Vì sao anh tổ chức thư viện. Anh trả lời nghiêm túc: Vì tôi học lãnh đạo. Tôi học

Lê-nin. Người nói: “Học, học nữa và học mãi”. Còn Bác Hồ nói: “Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng. Hăng hái học theo cách mạng, điều đó rất hay, nhưng tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng. Vì thế cần phải học tập để sửa chữa cho đúng... Trích “Tập huấn về công tác huấn luyện học tập” (Hội nghị huấn luyện toàn quốc lần thứ nhất, tháng 5/1950”. Anh trích thế, nói thế thì tôi cũng phục luôn.

Vạn cuốn sách nơi Thế Uẩn thư trai ảnh 1

Không gian sách của PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện.

2/Về mục đích lập thư viện cá nhân, anh Nguyễn Ngọc Thiện nói: Tôi muốn “Nói có sách, mách có chứng”. Đúng vậy, nhờ có 61 năm lưu trữ mà bây giờ anh có một thư viện khổng lồ. Trong đó, riêng anh có đến 50 cuốn sách chủ biên và 10 cuốn sách nghiên cứu riêng như 10 bông hoa bằng vàng.

Tôi thấy trên giá tách riêng: Sách về khoa học xã hội và nhân văn, sách lý luận phê bình văn học, sách văn học của các nhà văn, các sách của các xuất bản từ xưa đến nay, sách dịch, sách in bằng các thứ tiếng, các công trình khoa học đã công bố, sưu tầm các tạp chí, bài báo. Cách phân loại rất hợp lý, khoa học, dễ tìm.

Tôi biết, anh có ý thức lưu giữ sách từ khi đang còn là sinh viên tức từ 1962, đến nay 1962-2023 là 61 năm. Nhưng mặt khác, văn hóa sách của anh có truyền thống gia đình từ xưa. Gia đình anh là một gia tộc có học. Cụ thân phụ là Nguyễn Ngọc Mai (1917-1954) là người đầu tiên trong làng quê anh, theo học trường Pháp - Việt, được cấp bằng Sơ đẳng tiểu học lúc ấy là không phải vừa. Tên Thiện do các cụ nội ngoại đặt cho, rút từ ba chữ vàng: Thế Uẩn Thiện - châm ngôn khắc trên bức hoành phi của đại gia đình treo trên gian thờ tự trong ngôi nhà cổ do ông bà nội để lại ở Từ Sơn, Bắc Ninh, nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Thì ra là thế. Cái gì cũng có gốc gác mà ra.

3/Theo quan điểm của Nguyễn Ngọc Thiện, sách lưu giữ để: Phục vụ cho nghiên cứu khoa học, để tiếp tục tự học sau khi đã trưởng thành, để giúp cho các học trò, các nghiên cứu sinh có tư liệu nghiên cứu để lấy bằng tiến sĩ và thạc sĩ... Anh cho sinh viên mượn sách mà không sợ họ không trả. Hướng dẫn họ cách đọc và cách tra cứu, biết cách giữ gìn sách và cách lưu trữ tài liệu ở nhà mình. Thật quý!

Có được một thư viện tư nhân như nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện, tôi nghĩ, hiếm lắm. Tôi chưa thấy ai dành cả bốn tầng lầu chỉ để “trang trí” sách. PGS, TS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện đã làm được một việc đáng trân trọng để lưu lại trí tuệ cho đời sau. Trí tuệ quý hơn tiền bạc.

Thế Uẩn thư trai, thư viện sách vạn cuốn. Bạn chưa đến thì đến đi! Coi như một du lịch văn học.

Anh Nguyễn Ngọc Thiện đã tính đến việc lưu trữ các công trình nghiên cứu của mình. Tất cả các công trình nghiên cứu, các sách của Nguyễn Ngọc Thiện viết ra được đưa về lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Lưu trữ thứ hai mới là ở Thư viện gia đình.