Vẫn còn “lỗ hổng” từ phố cà-phê đường tàu

“Phố cà-phê đường tàu” - nơi giao giữa các phố Lê Duẩn - Phùng Hưng - Điện Biên Phủ (Hà Nội) từng là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Song do tiềm ẩn một số nguy hiểm về an toàn hành lang đường sắt nên ngành du lịch Hà Nội vừa yêu cầu không tổ chức các tour tới khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Khách nước ngoài chụp ảnh đường tàu ở khu vực ngoài rào chắn.
Khách nước ngoài chụp ảnh đường tàu ở khu vực ngoài rào chắn.

Vẫn có cách để khách… check in đường tàu?

Mới đây, Sở Du lịch TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch dừng việc đưa khách tham quan đến các địa điểm có đường sắt chạy qua. Trước đó, vào tháng 9/2022, UBND quận Hoàn Kiếm từng yêu cầu xử lý dứt điểm những hành vi có tính chất vi phạm an toàn giao thông đường sắt, trong đó có dịch vụ kinh doanh cà-phê tại phố đường tàu.

Dù đã có công văn yêu cầu, nhưng theo quan sát mới đây, khi thấy có người đến đứng chụp ảnh trước khu vực rào chắn tại đầu đường sắt Điện Biên Phủ, các chủ cửa hàng kinh doanh cà-phê tại đây đã… tiếp cận, mời chào, tư vấn nhiệt tình và hứa hẹn sẽ dẫn vào thưởng thức cà-phê. Một chủ hộ kinh doanh chia sẻ, nếu muốn vào đây chụp ảnh thì phải có người làm việc ở quán dẫn vào và phải uống cà-phê, nếu không thì sẽ chỉ được đứng ngoài chụp ảnh. Và vào ban ngày thì sẽ chỉ có thể đón được khách trong nước, còn khi trời bắt đầu tối thì sẽ dễ dàng để dẫn khách nước ngoài “qua cửa” hơn.

Theo quan sát của chúng tôi, các quán cà-phê tại đây thường có tình trạng tụ tập đông người, chụp ảnh và ngồi uống cà-phê ngay sát đường sắt, tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường. Dạo quanh một vòng, chúng tôi bắt gặp ông Christopher Brian - 52 tuổi, nhiếp ảnh gia đến từ nước Anh đang cặm cụi chụp từng tấm ảnh người dân sinh sống, hoạt động tại con phố này. “Dù biết có thể sẽ nguy hiểm nhưng tôi đã phải vượt quãng đường gần 10.000km chỉ để tới chụp ảnh tại con phố này. Cà-phê đường tàu để lại ấn tượng cho tôi vì đây là con phố mới lạ, nhộn nhịp, có nét sinh hoạt rất độc đáo. Tôi sẽ lưu giữ những điều này trong máy ảnh của mình”. Ông cùng những người bạn của mình cũng chia sẻ thêm, trước khi bước chân vào khu vực này đã đọc được biển báo trước khu vực hàng rào và được nhân viên hướng dẫn, nhắc nhở khi chuẩn bị có tàu đến hoặc khi đứng quá sát đường tàu hay có những hành động có thể gây nguy hiểm.

Nghiêm túc thực thi trách nhiệm

Trên thực tế, hình thức kinh doanh cà-phê trên phố đường tàu cũng mang lại một khoản thu nhập không nhỏ cho các hộ gia đình nơi đây. Chị H chia sẻ: “Sau đợt dịch Covid, gia đình tôi gần như mất đi nguồn thu nhập chính. Nếu như sắp tới không được tiếp tục mở bán cà-phê thì chúng tôi cũng sẽ mất một khoảng thời gian nữa để tìm công việc khác mưu sinh”.

Tuy nhiên cũng có những hộ dân cho biết, việc kinh doanh cà-phê trên con phố này là hành động tự phát và không được cấp bất kỳ một loại giấy phép nào, nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ vẫn quyết định làm. “Tôi mới mở quán này sau khi dịch bệnh kết thúc, dù có công việc khác ở ngoài nhưng quán cà-phê này giúp tôi có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống, lo việc ăn học cho các con. Ngày nào ế ẩm lắm thì cũng kiếm được 500.000 - 600.000 đồng”, một ý kiến cho biết.

Bên cạnh những băn khoăn chung quanh vấn đề này, không thể phủ nhận những cố gắng trong công tác bảo vệ tại đây. Theo quan sát của chúng tôi, các lực lượng chức năng đang rất nỗ lực để ngăn chặn tình trạng ra vào khu vực đường sắt này. Từ những biển báo khu vực nguy hiểm được đặt gần như kín mọi lối đi vào đến nội quy ghi rõ hai phần tiếng Việt dành cho khách trong nước và tiếng Anh dành cho khách nước ngoài. Cùng với đó là sự túc trực liên tục của lực lượng chức năng, dân phòng trên địa bàn các khu vực này, đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm, có lượng khách du lịch ghé qua đông.

Thậm chí, khi được hỏi về việc liệu có tiêu cực để được dễ dàng dẫn khách vào hay không, chủ hộ kinh doanh một quán cà-phê nọ cho hay: “Không có chuyện đó. Vì anh em ở đây đi ra đi vào đều biết mặt nhau, nhưng một khi có công văn, lệnh cấm căng thẳng thì tôi thấy lực lượng chức năng ở đây đều cố gắng hết sức để hoàn thành công việc. Trong cái lý có cái tình, họ cũng nói thẳng rằng, không thể để cho khách du lịch vào trong khu vực này”.

Điều này không chỉ cho thấy sự cố gắng trong công tác làm tròn trách nhiệm bảo vệ, trông giữ khu vực này mà còn cho thấy sự nỗ lực thấu hiểu người dân sinh sống tại nơi đây của lực lượng chức năng.