Vẫn chật vật “rốn lũ” trong lòng Đà Nẵng

Cuối tháng 10, đợt mưa lớn thứ ba tại Đà Nẵng trong một tháng qua xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của người dân các vùng ngập lụt. Những ngôi nhà nằm sâu trong khu vực “rốn lũ” đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tất tả kê cao đồ đạc, vá lại tường nhà, cầu sao trời bớt mưa, bớt lụt…
0:00 / 0:00
0:00
Anh Bùi Xuân Bình, trú tổ 36 trong căn nhà tạm bợ của mình.
Anh Bùi Xuân Bình, trú tổ 36 trong căn nhà tạm bợ của mình.

Ba lần chạy toàn lũ lớn

Đúng một năm tròn từ khi Đà Nẵng bị trận lũ lịch sử do mưa lớn ngày 14/10/2022, nhiều hộ dân khu vực đường Mẹ Suốt bị ảnh hưởng nặng nề vẫn chưa thể hết bàng hoàng. Cả khu vực này lại vừa bị ngập sâu trong đợt mưa lớn vừa qua.

Chúng tôi trở lại tổ dân phố 36, nơi có 11 hộ dân sinh sống và đã trải qua rất nhiều khó khăn. Trong căn nhà toang hoác, tường đổ sập, nước dột tứ bề, chị Huỳnh Thị Hương, 39 tuổi, nghẹn lời nhớ lại những mất mát và nỗi đau tột cùng khi vĩnh viễn mất đi đứa con gái 17 tuổi trong trận lũ ngày 14/10/2022. Trong ngôi nhà này, chỗ khô ráo nhất hiện tại là nơi đặt bàn thờ của em Võ Huỳnh Nguyên Thảo, đứa con gái đầu của anh chị, đã mất khi cố cứu sống các em mình. “Tròn một năm con mất, cả nhà lại chạy lũ. May mà bà con chòm xóm thương yêu, đùm bọc, dù khó khăn mấy tôi cũng có thể vượt qua. Chỉ mong chính quyền các cấp sớm có phương án hỗ trợ người dân thoát khỏi cảnh ngập lũ này”, chị Hương trăn trở.

Nhà mua hồi đó giấy tờ phường, hiện chưa có sổ đỏ, dù đã không còn nằm trong quy hoạch dự án đường sắt, nhưng khó khăn vô cùng. Mấy ngày qua, vợ chồng chị Hương xin phép chính quyền cho cải tạo lại tường nhà và gia cố thêm phần móng cho vững chắc.

Cạnh nhà chị Hương, hộ anh Bùi Xuân Bình cũng đang dùng bạt che làm chỗ sinh hoạt của cả nhà. Ngôi nhà cấp bốn xây dựng từ năm 2012, nay xuống cấp nghiêm trọng, cùng với ngập lụt khiến tường nhà sập, la phông trần nhà rơi, nước mưa dột từ trên xuống, nước lụt ngập từ dưới lên. Anh Bình vừa viết đơn gửi lên chính quyền xin sửa chữa nhà. “Tôi vay mượn thêm ít tiền mua ít xi-măng, gạch để xây thêm một bờ tường cạnh tường cũ. Nguyện vọng của gia đình là xin đổ cái gác lửng 20 m2 để có chỗ trú lụt. Vì nhà ở ngay cạnh hệ thống kênh thoát nước nên mưa lớn, nước dâng nhanh”, anh Bình cho hay.

Ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, đợt mưa lũ vừa qua gây ngập 10 tổ dân phố, với trên 1.000 hộ dân, trong phạm vi khoảng 2 km2. Nước ở thượng nguồn đổ về lượng lớn mà phía hạ lưu bị nghẽn nên tràn lên trên. Phần kênh ở bên kia cầu Đa Cô bị hẹp lại tạo thế “thắt nút cổ chai” gây tràn ở phía thượng lưu tại khu vực Mẹ Suốt.

Mỗi khi ngập lụt, chính quyền lại vất vả sơ tán dân. Tình trạng này dự báo còn kéo dài. Khu vực ngập lụt sâu tại tuyến đường Mẹ Suốt đã ảnh hưởng gần 500 hộ dân tại 3 tổ dân phố 36, 37 và 42. Nhà cửa người dân ở đây đa phần xây dựng tạm bợ, không có đủ chỗ trú ẩn khi nước lụt bất ngờ ập đến. Nước lụt chủ yếu từ núi đổ về, trong khi hệ thống thoát nước và hệ thống kênh chưa bảo đảm. Việc xây dựng nhà trái phép san sát cũng gây áp lực lên hạ tầng. Trong đợt mưa từ ngày 13 đến 17/10 vừa qua, chính quyền phải sơ tán gần 5.000 hộ.

Vẫn chật vật “rốn lũ” trong lòng Đà Nẵng ảnh 1

Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời dân khu vực ngập sâu tại đường Mẹ Suốt đi tránh lũ.

Cần giải pháp đồng bộ

Để giải quyết bài toán chống ngập lụt tại khu vực này, chính quyền đã đề xuất nhiều giải pháp, trước mắt là mở thêm lối thoát nước ra biển ở đường Phùng Hưng; đề nghị làm cống hộp ở đường Hoàng Văn Thái. Về lâu dài, đề nghị xây dựng bổ sung tuyến thoát nước chính ra khu vực vịnh Đà Nẵng nhằm giảm tải cho sông Phú Lộc.

Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, nếu đầu tư nhỏ lẻ “chắp vá” tại khu vực đường Mẹ Suốt sẽ không bao giờ xử lý triệt để vấn đề. Cần đầu tư lớn và có bài toán tổng thể, lâu dài, bắt đầu từ việc quy hoạch lại các khu trên. Đối với vị trí trước đây quy hoạch ga đường sắt, hiện nay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, định hướng thành một khu sử dụng hỗn hợp để khuyến khích phát triển thương mại dịch vụ, tạo thành một trung tâm mới của quận Liên Chiểu. Tại khu vực này sẽ là một nút giao thông quan trọng với tuyến đường vành đai phía tây 2 và tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài kết nối với đường Bà Nà - Suối Mơ cùng các tuyến giao thông MRT, đường sắt LRT quan trọng kết nối với trung tâm thành phố.

Hiện thành phố đang cụ thể hóa định hướng này trong đồ án quy hoạch phân khu ven vịnh Đà Nẵng và lõi xanh trung tâm. Việc UBND thành phố hủy bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt tại quận Liên Chiểu, gấp rút triển khai quy hoạch phân khu là cơ sở để xác định dự án, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư tiếp theo theo đúng quy hoạch chung được duyệt, giúp giải quyết tình trạng đã tồn tại kéo dài trước đây. Tuy nhiên, theo ông Phong, việc triển khai các dự án thoát nước tại khu vực này ở thời điểm hiện nay cần phải tính toán, cân nhắc kỹ, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp định hướng quy hoạch sử dụng đất tại khu vực.

Nhiều hộ mua đất đã 30 năm, nhưng trước kia, khu vực này phần lớn đất thuộc loại phi nông nghiệp, giấy tờ “ba lá”, nên đến ngay cả việc lắp điện nước, gia hạn tạm trú cũng khó khăn.

Chờ tái thiết đô thị?

Dự án ga đường sắt Đà Nẵng được quy hoạch từ năm 2004 vừa được chính quyền thành phố Đà Nẵng “khai tử” năm 2022, sau 19 năm vướng mắc không thể triển khai. Người dân mong chính quyền sớm có hướng dẫn cụ thể đối với các quy định liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) để ổn định đời sống, sửa sang nhà cửa, an cư. Tình trạng ngập lụt tại đây trong hai năm qua, khiến cho bài toán về xử lý các vướng mắc, tồn tại trong quản lý đất đai, chỉnh trang đô thị, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Sau khi bỏ quy hoạch, nhiều người dân đã lên phường xin được xây dựng, sửa chữa nhà cửa nhưng không được vì giấy tờ “ba lá” - gồm ba loại giấy tờ như giấy tờ mua bán viết tay, giấy tờ nộp thuế sử dụng đất và giấy tờ xác minh nguồn gốc đất. Các loại giấy tờ này đều được UBND phường chứng thực. Ngoài ra, tổ 42 và nhiều tổ khác thuộc phường Hòa Khánh Nam “dính” quy hoạch đô thị xanh từ năm 2030 đến năm 2050 của thành phố nên người dân chỉ được sửa tạm, không được làm nhà kiên cố. Trận mưa lũ lịch sử năm 2022 và hai đợt ngập lớn vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân khu vực này.

Hộ bà Đoàn Thị Hương Lan, tổ 42, có bốn người, đang tá túc nhiều năm qua trong căn phòng dựng tạm gần 20 m2. Cả gia đình còn nhớ cảm giác kinh hoàng trong trận lũ lịch sử đêm 14/10 năm ngoái khi chỉ chậm một chút thì không biết tính mạng sẽ ra sao giữa dòng lũ dữ. Rồi năm nay lại chạy lũ. “Mong rằng Nhà nước mình làm thế nào đó để cho dân có được một cái nhà, an cư lập nghiệp, còn giờ nếu cứ sống tiếp tục thế này thì quá khổ. Vì mượn tiền Nhà nước về để xây nhà cũng không được xây, hoặc xây là bị quy tắc đập ngay, rồi lại trắng tay. Nhà có bốn đứa con, lên đây ở khi bé út học mẫu giáo mà đến nay bé út đã 15 tuổi rồi. Vợ chồng tôi sẽ xoay xở vay mượn để có thể làm cái nhà nhỏ kiên cố, cho con cái có chỗ ngủ đàng hoàng”, bà Lan tâm tư.

Ông Nguyễn Văn Đại, trú tổ 42 phường Hòa Khánh Nam, bày tỏ: “Tôi sống ở đây hơn 30 năm. Dự án treo 19 năm rồi, dù thành phố đã công bố bãi bỏ quy hoạch, nhưng chưa có phương án để hỗ trợ người dân được an cư. Riêng tổ 42, dân làm nhà chủ yếu trên đất bỏ hoang, nhưng khi bỏ quy hoạch rồi thì vì cuộc sống ổn định của người dân, chính quyền cần xem xét và rà soát lại, để dân sớm được ổn định nhà cửa, đặc biệt trong mùa mưa lũ này”.

Nhưng, để chờ đô thị được tái thiết với các giải pháp chống ngập lụt đô thị được triển khai, người dân “rốn lũ” đường Mẹ Suốt, vẫn phải tự xoay xở, tự “cứu lấy mình”.