Ứng xử với đốt vàng mã cho phù hợp

Trong việc đốt vàng mã hiện nay, có nhiều trường hợp lạm dụng thái quá, làm biến dạng các giá trị văn hóa truyền thống. Tập tục này cần duy trì và biến đổi như thế nào để thích ứng với xã hội hiện đại?
0:00 / 0:00
0:00
Cần tiết kiệm và bảo vệ môi trường trong việc sử dụng vàng mã. Ảnh: DƯƠNG NGUYÊN
Cần tiết kiệm và bảo vệ môi trường trong việc sử dụng vàng mã. Ảnh: DƯƠNG NGUYÊN

Khi nét đẹp truyền thống bị lạm dụng

Đốt vàng mã từ lâu đã trở thành một nét truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Nhìn về giá trị nhân văn ẩn chứa trong tập tục này, TS Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận thấy, đây là sự tỏ bày tôn kính đối với các vị thần thánh, lòng hiếu thuận và biết ơn những người có công với cộng đồng và ông bà, tổ tiên.

Tuy vậy, hiện nay, không ít trường hợp diễn ra tại một số cơ sở thực hành tín ngưỡng bản địa như đền, phủ, miếu… có dấu hiệu lạm dụng những đồ mã. Lý giải cho hành vi này, ông Chung cho hay, mục đích của sự tiêu dùng quá mức này là để thu hút nhiều người đến cơ sở thờ cúng đó dâng lễ. Trong một số trường hợp, còn có sự ganh đua, gây chú ý trong đốt vàng mã, nhằm tạo ấn tượng với người đi lễ giữa các cơ sở thờ cúng với nhau. Đồng thời, điều này đôi khi còn dẫn đến sự lầm tưởng trong một bộ phận người thực hành tín ngưỡng rằng càng dâng cúng nhiều vàng mã thì càng được phù hộ nhiều. Hành vi lệch chuẩn này đang làm méo mó truyền thống tốt đẹp, thậm chí gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Cùng với đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và mất an toàn con người, chẳng hạn như cháy, nổ.

Khắc phục ra sao?

Đề phòng hỏa hoạn, cũng như giảm ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, xuất hiện trên thị trường sản phẩm vàng mã với kích thước nhỏ bằng lòng bàn tay do họa sĩ Yến Năng thiết kế. Sản phẩm này đặc biệt phù hợp những hộ gia đình sống ở chung cư, khu tập thể với không gian chật hẹp. Thời gian đầu mới xuất hiện, đồ mã mini gây được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng. Thế nhưng, gần đây, sự hiện diện của chúng dường như không được mọi người chú ý nhiều đến nữa. Đánh giá rất cao nỗ lực như trên, tuy nhiên, ông Chung vẫn trăn trở, những sản phẩm như thế này chưa thật sự phù hợp cách nghĩ của số đông người sử dụng vàng mã. Đặc biệt là những cơ sở thực hành tín ngưỡng, họ không thích những thứ nhỏ bé, vốn không gây ấn tượng với người đi lễ.

Trước mắt, khi đồ mã kích thước nhỏ chưa thật sự tìm được chỗ đứng, nghệ nhân vẫn có những cách khác giúp giảm bớt lượng rác xả ra môi trường sau quá trình sản xuất vàng mã. Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có truyền thống làm đồ mã từ rất lâu đời. Tại đây, hộ gia đình của nghệ nhân Phùng Đình Giáp đã tận dụng một phần giấy thừa trong sản xuất đồ mã, phục vụ cho một nghề thủ công khác là làm đồ chơi con phỗng đất. Một phần giấy được ông Giáp lựa chọn để ngâm với nước, sau đó, vớt giấy ướt ra và trộn đều với đất thó đã được rây mịn, tạo ra đất nặn để làm đồ chơi.

Tuy cả một địa phương làm vàng mã, mới chỉ có duy nhất gia đình ông Giáp biết cách tận dụng như vậy, nhưng cách nghĩ này vẫn là một sáng kiến đáng được nhân rộng và phát huy. Thí dụ, nhìn sang nhiều cơ sở sản xuất chăn, ga đã tận dụng vải thừa trong quá trình gia công sản phẩm, sản xuất thành các sản phẩm túi xách, ví, lót cốc. Chính vì vậy, phần giấy thừa hoàn toàn có thể được tận dụng cho những sản phẩm mỹ nghệ với kích thước nhỏ hơn, tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của nghệ nhân.

Năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn yêu cầu không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự tự viện của Phật giáo. Tuy nhiên, ở các đền, phủ, miếu thuộc tín ngưỡng bản địa, việc làm này vẫn khó kiểm soát. TS Chung đề xuất, nên đề ra giới hạn về kích thước của đồ mã đối với các cơ sở sản xuất. Có thể thấy, bao nhiêu năm nay, bánh chưng, hộp mứt Tết bày biện trong không gian thờ đều có kích cỡ như vậy, vẫn đủ trang trọng. Vậy không có cớ gì đồ mã phải làm thật lớn, khác xa truyền thống lâu nay. Vì thế, quy định được đầu ra của sản phẩm sẽ góp phần ngăn chặn được xu hướng lệch lạc trong nhận thức của những người thực hành văn hóa này.

Quan trọng hơn hết, cần tìm những cách thức truyền thông từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, để chuẩn hóa nhận thức của mỗi người dân. Qua đây, giúp mọi người có những hành vi ứng xử đúng với tập quán truyền thống, đấu tranh với những cái lệch chuẩn, phi truyền thống. Cùng với đó, tuyên dương những tấm gương, phong trào có hành vi ứng xử văn minh với văn hóa tiêu dùng vàng mã. Đây đều là những quan điểm được TS Chung nhấn mạnh.