“Tuổi thơ dữ dội” trong sách một người tù hoàn lương

Nhà văn Nguyễn Đình Tú luôn nhớ câu chuyện năm 2009, khi anh đang là Trưởng ban văn xuôi tạp chí Văn nghệ quân đội. Một ngày nọ nhà văn nhận được lá thư từ trại giam Nam Hà. Lá thư dài tới… 23 trang vở học trò, được viết tay cẩn thận. Tác giả lá thư là một… tử tù.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách Biến tấu của ký ức.
Cuốn sách Biến tấu của ký ức.

Những trang viết từ trại giam

Người tù đó tên là Phạm Ngọc Định, qua những cuốn sách văn học được đọc ở trại giam, trong đó có tiểu thuyết “Phiên bản” của nhà văn Nguyễn Đình Tú mới xuất bản thời điểm ấy, người tù này cảm thấy có nhiều điều chuyển biến trong con người mình… Trong thư, ông Định nhờ nhà văn nếu có thể, gửi giúp một số tư liệu, sách báo vào tù để… thử sức với việc viết lách.

“Ngày xưa tôi rất ghét văn chương. Giờ học văn, tôi chỉ ngồi vẽ thầy giáo, cô giáo”, ông Phạm Ngọc Định chia sẻ trong cuộc ra mắt cuốn truyện dài “Biến tấu của ký ức” mới được NXB Văn học ấn hành, mà chính ông là tác giả. “Trong trại, mang án tử, tôi ân hận lắm, muốn làm gì có ích cho cuộc đời trước khi quá muộn. Tôi đọc được lời nói của nhà văn Victor Hugo, đại ý: Tình yêu quê hương, đất nước, con người xuất phát từ những gì nhỏ bé, gần gũi nhất, thấy đúng quá! Tôi đọc báo thấy tấm gương người khuyết tật chỉ còn mấy ngón tay mà miệt mài nhấn phím viết bài kiếm tiền nuôi bản thân, đỡ vất vả cho gia đình… Và tôi nghĩ về văn chương”.

Nhưng nhà văn họ viết hàng trăm trang sách, mình thì viết một lá thư về nhà đã thấy mệt, suy nghĩ ấy khiến người tù Phạm Ngọc Định nung nấu, phải đặt ra hướng đi cụ thể. Và thế là, những tờ tạp chí gia đình gửi vào để đọc, ông Định tách đôi từng trang để lấy mặt trắng. Viết thì tận dụng bút của cán bộ trại giam khi người ta chuyển vào cho tù nhân ghi nhu cầu mua những thứ thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt. “Ngày đó lo sợ, hào hứng, tôi viết không kịp suy nghĩ, cứ cơm xong là tôi viết, cứ thế liền trong năm, sáu tháng, viết thật nhanh vì sợ phải trả án, có ngày viết đến 20 trang”, ông Định nhớ lại. Viết được nhiều nhiều, ông lại gửi cho gia đình đánh máy. Có khi qua người quen, ông Định gửi nhà văn Nguyễn Đình Tú giữ hộ hai cuốn vở viết tay dày đặc, nhờ giữ hộ, sợ nếu chuyển trại sẽ không giữ được bản thảo.

Các cán bộ trại giam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để ông Định sáng tác. Ông viết liên tục cùng với quá trình cải tạo tốt, được giảm án từ tử hình xuống chung thân, rồi từ chung thân xuống có thời hạn, cho đến ngày được trở về cuộc sống bình thường.

“Tuổi thơ dữ dội” trong sách một người tù hoàn lương ảnh 1

Nhà thơ Thụy Kha chia sẻ cảm nhận về cuốn sách.

Tuổi thơ của thành phố anh hùng

Những điều người tù Phạm Ngọc Định viết, thật kỳ lạ, lại là cuộc trở về với ký ức tuổi thơ trong trẻo và sôi sục những tháng ngày thành phố Hải Phòng quê hương chao đảo trong bom đạn giặc Mỹ bắn phá năm 1972. Các nhà máy, khu cảng, từng trường học, khu phố, mỗi gia đình, từ nội thành cho đến các làng mạc ngoại thành, và những người lính… đều căng mình lên qua những đợt tấn công dữ dội của giặc, qua tàn phá và hy sinh anh dũng, qua những đợt sơ tán hàng nghìn, hàng vạn con người. Trong bối cảnh khốc liệt đó, tác giả tái tạo những nhân vật thiếu nhi từ nguyên mẫu bản thân và các bạn bè, gia đình, hàng xóm… Bao quanh những cuộc phiêu lưu trẻ thơ là nhiều câu chuyện sinh động, diễn biến gay cấn, là những tháng ngày Hải Phòng chiến đấu kiên cường và bền bỉ khôi phục từ những đau thương, mất mát.

Cuộc ra mắt sách của tác giả Phạm Ngọc Định đã diễn ra vui vẻ, thân tình trong không gian bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương của một người bạn - ông Cao Văn Tuấn, vốn được biết đến ở cả trong lẫn ngoài Hải Phòng với cái tên “Tuấn cá sấu” cùng trại nuôi cá sấu và dịch vụ cung cấp thịt, da cá sấu có tiếng lâu nay. Gia đình, các bạn cùng lứa, bạn thuở học trò, bạn cùng khu phố nay tuổi đã trên dưới lục thập vui mừng với thành quả đặc biệt của tác giả. Nhiều văn nghệ sĩ ghi nhận sự hồn nhiên, chất sống, nhiều chi tiết chân thực, sinh động mà tác giả kể, được viết như một sự trả nợ ân tình với cuộc đời, gia đình. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tâm sự: Là một người con của Hải Phòng, trong ký ức của tôi thiếu phần về Hải Phòng khi tôi ở chiến trường. Đọc sách của Phạm Ngọc Định từ bản thảo, tôi cảm nhận được sự khủng khiếp của chiến tranh trên quê hương mình trong những năm tháng đó. Cuốn sách của anh Định là một thí dụ rất rõ ràng cho việc văn chương đã cứu rỗi con người.

Cuốn sách đã được Phạm Ngọc Định tặng cho các thầy, cô giáo đại diện một số trường phổ thông trên địa bàn Hải Phòng. Ông mong muốn chân thành, những gì mình kể sẽ đến với thật nhiều bạn đọc nhỏ, giúp các em hình dung về một phần tuổi thơ Hải Phòng thời gian khó. Tuổi thơ mà như ông Tuấn bạn ông nói, đọc lên, tôi nhớ về sức sống mãnh liệt của người dân Hải Phòng, luôn sống và vượt qua bom đạn.