Triển lãm hội họa của Lê Quốc Huy

Trở về với mẹ ta thôi...

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học) đang diễn ra triển lãm hội họa của họa sĩ Lê Quốc Huy, sinh năm 1968 tại Quảng Ninh, tác giả đang công tác tại chính bảo tàng. Hội họa của anh gợi ra hướng trên con đường về nguồn, một con đường lớn, nhưng ít người theo đuổi trong đời sống hội họa đương đại.

Tác phẩm “Hạ Long”.
Tác phẩm “Hạ Long”.

Hệ thống mỹ thuật được xác lập từ những năm 60 thế kỷ trước, vẫn còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay mặc dù tình hình nghệ thuật đã đổi khác, có các chân kiềng là Vụ (Nay là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm), Viện, Bảo tàng, Trường và Hội Mỹ thuật, Bảo tàng mỹ thuật quốc gia là một chân kiềng quan trọng. Đây là đích đến của những triển lãm lớn. Ai là họa sĩ, cùng từng mong muốn có tác phẩm được lưu giữ ở đây. Cán bộ của bảo tàng, ngoài công việc là các chuyên gia nghiên cứu và thẩm định, bảo tồn, phục chế, trưng bày, cũng thường là các nghệ sĩ được đào tạo căn bản. Bắt đầu từ vị giám đốc đầu tiên là ông Nguyễn Đỗ Cung, các thế hệ sau đó duy trì được một truyền thống tốt đẹp. Đó là ngoài công việc nhà nước, họ vẫn dành thời gian riêng cho sáng tạo cá nhân. Nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ sáng tác có tên tuổi với giới nghề trong các loại hình điêu khắc, hội họa, đồ họa, gốm… Họa sĩ Lê Quốc Huy là người đang nối tiếp được truyền thống đó.

Lê Quốc Huy có nhiều duyên cơ với biển. Cha anh, họa sĩ Lê Vân Hải là một người nổi tiếng gắn bó với việc vẽ biển Vịnh Hạ Long. Tốt nghiệp Trường cao đẳng (nay là Đại học) Sư phạm Nhạc họa trung ương từ rất sớm, anh trở về quê hương công tác và có triển lãm cá nhân tại Quảng Ninh năm 2007. Sau một quá trình dài nhiều việc không được như ý, anh dồn sức quay lại với hội họa như một nơi để gửi gắm, để xác định giá trị bản thân mình, với hai chất liệu chính là sơn dầu và acrylic. 32 bức tranh triển lãm lần này được tinh tuyển, chiếm một phần mười các tác phẩm họa sĩ đã sáng tác trong hơn năm năm trở lại đây.

Xem hội họa của Lê Quốc Huy, chợt nghĩ đến câu thơ của “nhà thơ ca dao” Đồng Đức Bốn: “Trở về với mẹ ta thôi/ Kẻo mai chết lại mồ côi dưới mồ”. Hội họa của Lê Quốc Huy tìm về với hai “người mẹ” lớn. Người mẹ đầu tiên là biển, nơi vùng đất đã sinh ra và nuôi dưỡng anh. Người mẹ thứ hai là các mẫu thức biểu tượng trong nghệ thuật Đông Sơn, hay các cách thức tạo cấu trúc tự nhiên, có thể phát triển thoải mái đa hướng của điêu khắc đình làng. Cùng là vẽ biển, nhưng họa sĩ thân sinh của anh thuần túy là một họa sĩ hiện thực, với cái nhìn khách quan của người quan sát phong cảnh. Lê Quốc Huy vẽ biển khác hẳn, qua những tranh sơn dầu vẽ khoảng năm 2012 của anh, có cảm giác như ta lặn chìm hẳn trong nước, để cùng bơi với cuộc sống ở trong lòng biển. Bước sang acrylic những năm gần đây cho tới nay, Huy lại phát triển nội dung bức tranh theo một dạng thức khác. Vẫn là biển, nhưng các hình chi tiết và bố cục chuyển sang dạng thức đồ họa. Một số hình cá, chim, con người, động vật biển, cầu gai, sá sùng, con đẻn… được vẽ bằng chấm, vạch làm ta liên tưởng cách vẽ của hoa văn Đông Sơn. Những mảng cong hay zic-zắc tùy biến tràn đầy và vượt ra ngoài tranh, trên những nhát phết mầu nhanh duy trì nền thống nhất. Xem một bức tranh, giống như xem một phần cắt khúc của một tổng thể dài dằng dặc.

Còn có thể nhận thấy cả những nguồn ảnh hưởng cụ thể khác nữa trên tranh Huy. Gần thì là người họa sĩ đàn anh Nguyễn Xuân Tiệp hay người bạn thân Trần Công Dũng, xa thì là bậc thầy duy sắc Paul Klee (1879 - 1940). Tác giả là người đủ tuổi và bản lĩnh để không tự ái khi người khác đọc ra những sự ảnh hưởng này, thậm chí có thể anh còn tự hào. Bởi Huy không có chất cô độc nội tâm như Nguyễn Xuân Tiệp, hay chất trang trí nhằng nhịt của Trần Công Dũng, hoặc chất tôn giáo cổ tích như Paul Klee. Lê Quốc Huy giữ riêng cho mình được hòa sắc tươi tắn và cái nhìn như cách vẽ của trẻ thơ, là đời sống trong đó con người và vạn vật tự nhiên hòa làm một. Tuy tranh đấu đấy nhưng rồi cũng ổn thỏa và vui vẻ, mặc dù cũng vân vi. Những cách kiến tạo hình thể và bố cục mà anh cố tình học của cha ông (nghệ thuật Đông Sơn, điêu khắc đình làng) cũng không quá câu nệ, mà được diễn dịch tự nhiên với ý vị của cá nhân thời hiện đại.

Nhiều người cho rằng, điều thú vị nữa ở hội họa của Lê Quốc Huy là không bị đóng trong một loại hình nào, có thể thoải mái chuyển dịch chất liệu sang đồ họa, sơn mài, thậm chí cả điêu khắc, mà chỉ có tăng, chứ không làm giảm giá trị.