Xuất khẩu gạo tăng mạnh
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan công bố ngày 16/9, xuất khẩu gạo trong tháng 8/2022 đạt 718 nghìn tấn, tăng 23,2% so với tháng trước. Lũy kế tám tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 4,79 triệu tấn gạo, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2021, là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo hiếm thấy.
Việt Nam hiện đang xuất khẩu gạo sang 29 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp các châu lục, nhiều nhất là châu Á và châu Âu. Trong đó, có 24 thị trường đạt sản lượng xuất khẩu hơn 1.000 tấn; 14 thị trường đạt hơn 10.000 tấn; 5 thị trường đạt hơn 100.000 tấn…; nước nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất là Philippines. Tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt 2,3 triệu tấn, tăng 49%; xuất sang Bờ Biển Ngà đạt 489 nghìn tấn, tăng 86,2%... so với cùng kỳ năm trước.
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh là do sản lượng lúa trong nước tăng. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng lúa trong nước năm 2021 đạt 43,853 triệu tấn, tăng gần 1,1 triệu tấn (tương đương 2,5%) so với năm 2020. Ngoài ra, do ảnh hưởng xung đột giữa Nga - Ukraine nên nguồn cung lương thực trên thế giới khan hiếm, nhiều nước tăng chế độ bảo hiểm mậu dịch, tạo điều kiện cho gạo Việt Nam xuất khẩu.
Thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng, mặt hàng xuất khẩu này của Việt Nam sẽ được hưởng lợi do Ấn Độ vừa siết xuất khẩu gạo để tăng nguồn cung và ổn định giá gạo trong nước, trong bối cảnh diện tích canh tác đã giảm 5,6% vì hạn hán.
Theo đó, ngày 8/9, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành thông báo quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và Bộ Tài chính Ấn Độ cũng ban hành thông báo về việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc, gạo khác. Cả hai quyết định có hiệu lực từ ngày 9/9/2022.
Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Bởi vì, gạo đang là lương thực chính của hơn ba tỷ người trên khắp thế giới. Trong đó, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo vào năm 2021, chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu, nhiều hơn tổng khối lượng gạo của bốn nước xuất khẩu lớn liền kề gồm Thailand, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các nước nhập khẩu gạo trên thế giới đang cố gắng bảo đảm nguồn cung từ Việt Nam, Thailand...
Sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu nhiều vào thị trường ASEAN. |
Nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thailand, với sản lượng hàng năm khoảng 6-6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ, chiếm 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thailand và Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra hôm 5/9, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, chúng ta đủ lượng 6,5-6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2-3,3 tỷ USD trong năm nay.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện các thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam đều đang ổn định, dự kiến năm 2022, xuất khẩu gạo sẽ ở mức tương đương hoặc cao hơn năm trước.
Tuy vậy, hiện tại gạo Việt Nam đang đối diện với vấn đề là sản lượng gạo xuất khẩu tăng cao (20,7%) nhưng do giá xuất khẩu giảm, nên kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn nhiều (9,9%). Tại cuộc họp báo của Bộ NN&PTNT hôm 5/9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang thấp, trong khi lạm phát trên toàn cầu đang cao với tốc độ tăng chung gấp hai - ba lần cùng kỳ năm trước và cao nhất trong mấy chục năm gần đây.
Trong báo cáo triển vọng ngành gạo mới phát hành, Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng 390-490 USD/tấn từ tháng 9/2021 đến nay, bất chấp giá thực phẩm tăng cao và chỉ bắt đầu tăng sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.
Trao đổi ý kiến với báo chí mới đây, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, Việt Nam và Thailand đã cùng nhau thảo luận giải pháp để nâng giá gạo lên, giúp người nông dân có được lợi nhuận. Do đó, động thái áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu của Ấn Độ có thể là cơ hội cho gạo Việt Nam và Thailand. Chủ tịch VFA cho rằng, trong thời gian tới giá gạo có thể tăng thêm, nông dân có thể phấn khởi sản xuất trong vụ đông xuân 2023.
Cũng tại báo cáo nói trên, VNDirect đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu gạo lớn sẽ hưởng lợi trong thời gian tới, đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG), Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) và Công ty CP Tập đoàn PAN (mã PAN).
Cụ thể, LTG sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc. Với định hướng phát triển tập trung vào mảng lương thực, tỷ trọng doanh thu mảng gạo của doanh nghiệp này đạt 39% trong năm 2021 (2020 là 28%) và 57% trong sáu tháng đầu năm 2022.
Theo xu hướng thị trường, chuyên gia VNDirect kỳ vọng giá gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng, sản lượng gạo xuất khẩu của LTG tăng sẽ kéo theo những hợp đồng với người nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu, từ đó sẽ thúc đẩy doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng giống cây trồng của LTG.
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh là do sản lượng lúa trong nước tăng. |
Đối với TAR, VNDirect cho rằng, TAR sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên đến 27% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, VNDirect kỳ vọng, Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, điều này cũng là động lực giúp TAR tăng sản lượng xuất khẩu.
Tương tự, theo VNDirect, PAN sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc châu Âu giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Hiện nay, mảng nông nghiệp đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của PAN khi đóng góp 19% vào tổng doanh thu và 39% vào tổng lợi nhuận gộp.
Từ đó, VNDirect chỉ tên ba cổ phiếu hưởng lợi nhờ xu hướng tăng giá gạo mà nhà đầu tư chứng khoán có thể xem xét đưa vào danh mục là LTG, TAR và PAN.