Bảo đảm chuyên môn
Trong bốn năm qua đã có tới ba lần thay đổi quy định về lựa chọn SGK. Năm 2020, năm đầu tiên thay SGK, Hội đồng trường sẽ lựa chọn SGK và quyết định học sinh trường mình sẽ học sách gì. Tuy nhiên, trong ba năm tiếp theo (2021-2023) quyền quyết định này lại thuộc về các Hội đồng thuộc UBND tỉnh, thành phố. Các giáo viên chỉ đóng góp ý kiến. Trong lần dự thảo này, quyền quyết định lại chuyển về các nhà trường.
Theo Luật Giáo dục năm 2019, UBND các tỉnh, thành phố lập Hội đồng chọn SGK. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, có nơi chưa bảo đảm tối đa việc chọn sách của các trường, vì thế cần có sự thay đổi. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học nói: “Một số cuốn SGK do một số cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn đã đề xuất lựa chọn nhưng lại không được Hội đồng bỏ phiếu lựa chọn dẫn tới cơ sở giáo dục phổ thông phải lựa chọn lại trên danh sách mà UBND các tỉnh đã phê duyệt. Quyền lựa chọn của giáo viên trong các nhà trường chưa được bảo đảm đầy đủ. Lần này, để bảo đảm về mặt chuyên môn là trao quyền lựa chọn SGK cho chính các thầy, các cô - những người trực tiếp giảng dạy”.
Tại dự thảo, có ba nguyên tắc lựa chọn SGK: Lựa chọn danh mục đã được phê duyệt; Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn một bộ SGK; Bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Anh Nguyễn Tùng Lâm có con theo học tại Trường THCS Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ: “Theo dõi quá trình lựa chọn SGK cho học sinh thời gian qua, nhiều phụ huynh dễ nhận thấy việc thương mại hóa, phục vụ một nhóm lợi ích, cạnh tranh giữa các nhà xuất bản dẫn đến quyền lợi học tập của học sinh không được chú trọng. Đáng lẽ SGK tốt thì được chọn, nhưng vì thương mại hóa thì lại chọn bộ không tốt. Điều này cần phải tránh!”.
Cô giáo Hoàng Thị Tuyết, giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy dự thảo này hoàn toàn hợp lý vì với cương vị là giáo viên, chúng tôi nắm rõ những nội dung phù hợp các em học sinh, nhà trường và phù hợp tình hình kinh tế, xã hội của địa phương”.
Cần thanh tra, giám sát chặt chẽ
Với chủ trương một chương trình, nhiều SGK, bỏ độc quyền xuất bản, chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện có ba bộ là: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo và Cánh diều. Các giáo viên, nhà trường có thể chỉ chọn một bộ hoặc có thể chọn sách từ cả ba bộ.
Theo dự thảo, quy trình chọn SGK sẽ thực hiện theo nhiều bước. Đầu tiên, toàn bộ giáo viên môn học sẽ tham gia lựa chọn sách của môn học đó. Sau đó, tổ trưởng chuyên môn sẽ họp với các giáo viên để bỏ phiếu và lập danh sách lên hội đồng. Hội đồng họp đánh giá việc tổ chức lựa chọn sách của các tổ chuyên môn, đề xuất danh mục SGK với người đứng đầu nhà trường. Sau đó các trường sẽ lập hồ sơ lựa chọn SGK gửi về Phòng/Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT trình UBND cấp tỉnh/thành phố phê duyệt. UBND các tỉnh/thành phố phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách được phê duyệt để sử dụng trong các trường trước ngày 30/4 hằng năm. Hội đồng lựa chọn sách dự kiến do hiệu trưởng thành lập. Mỗi trường sẽ có một hội đồng độc lập gồm: Hiệu trưởng, Hiệu phó, Tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện Ban phụ huynh.
Cũng đã có ý kiến cho rằng, khi hội đồng lựa chọn sách chuyển về các trường có thể xảy ra tiêu cực là Ban giám hiệu tác động lên các giáo viên trong việc lựa chọn SGK. Về vấn đề này, ông Thành cho rằng: “Quy trình kiểm tra, giám sát việc lựa chọn SGK phải chặt chẽ. Việc kiểm tra, thanh tra vẫn bắt đầu từ cơ sở, hội đồng dù là cấp tỉnh hay ở nhà trường thì đầu tiên vẫn phải tôn trọng ý kiến giáo viên. Phải lấy ý kiến của đại đa số giáo viên và thành phần trong Hội đồng SGK. Cho dù ở cấp nào thì việc kiểm tra, giám sát, thanh tra đều phải tuân theo quy trình và do cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương thực hiện”.
Anh Nguyễn Hoàng Hải có con đang học Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) băn khoăn: “Mỗi phụ huynh sẽ có một quan điểm khác nhau và phụ huynh cũng không thể bảo đảm được chuyên môn để đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc lựa chọn SGK”. Tuy nhiên, như ông Nguyễn Xuân Thành thì, phụ huynh tham gia vào hội đồng là để xem việc lựa chọn SGK có minh bạch hay không.