Trang sức làm từ pháp lam

Không chỉ được hồi sinh một cách kỳ diệu sau trăm năm thất truyền, giờ đây pháp lam Huế đã đến gần hơn với công chúng trên các sản phẩm trang sức thủ công khiến phái đẹp mê mẩn. Nghề pháp lam Huế đang vươn xa hơn trong hành trình quảng bá ngành nghệ thuật độc đáo của cố đô.
0:00 / 0:00
0:00
Trang sức làm từ pháp lam

Pháp lam là tên gọi sản phẩm mỹ thuật có cốt bằng đồng, bên ngoài phủ nhiều lớp men với những hình ảnh và mầu sắc trang trí rồi được đem nung ở nhiệt độ cao. Do cách thức chế tác đặc biệt đó nên pháp lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền cao, có khả năng chống chịu trước sức va đập hoặc sự ăn mòn của môi trường.

Vào thời Nguyễn, các nghệ nhân đã tiếp thu kỹ thuật làm pháp lam từ Trung Quốc, rồi biến hóa thành kỹ thuật pháp lam Huế. Nghệ thuật pháp lam Huế phát triển mạnh dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến thời vua Đồng Khánh thì sa sút dần rồi mất hẳn.

Đầu thập niên 2000, việc khôi phục pháp lam thành công đã được ứng dụng, phục vụ cho cuộc trùng tu di tích Huế. Nhưng không dừng lại đó, pháp lam còn được ứng dụng vào đời sống với các sản phẩm được các nghệ nhân chế tác điêu luyện. Nổi bật trong số đó và được nhiều người biết đến là sản phẩm trang sức làm từ pháp lam.

Trên nền các kim loại quý như vàng, bạc, đồng các nghệ nhân đã trang trí men nhiều mầu lên bề mặt trước khi trải qua nhiều công đoạn quan trọng khác như gọt giũa, đổ men, cho vào lò nung. “Mỗi công đoạn đều có cái khó riêng, đòi hỏi người làm luôn chăm chú, cẩn trọng. Nhờ thế, sản phẩm khi ra lò ngoài việc có mầu sắc tươi sáng còn có độ bền và thẩm mỹ hoàn hảo”, họa sĩ Nguyễn Văn Hiếu, nghệ nhân làm pháp lam của Công ty TNHH Pháp Lam chia sẻ.

Những họa tiết cách điệu về cung đình, về khung cảnh Huế được ứng dụng trên các loại trang sức pháp lam khiến nhiều du khách ưa thích. Ngoài chọn mua, bạn còn có thể đặt hàng riêng theo phong cách mình muốn.

Nhờ được làm hoàn toàn bằng thủ công nên các mặt hàng trang sức pháp lam như vòng, nhẫn, khuyên tai, mặt dây chuyền trở nên lạ mắt nhưng vẫn sang trọng. Tùy theo mẫu mã, kích thước mà mỗi món nữ trang này có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. “Trang sức nói chung vốn sang trọng, riêng trang sức chế tác từ pháp lam ngoài sự sang trọng còn có nét riêng, độc đáo không thể nhầm lẫn với món đồ nào khác”, họa sĩ Hiếu cho biết.