Xoa dịu nỗi đau
Trong số hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố có gần 1.400 nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, gây ra các dạng dị tật, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, nhiều em đã và đang nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống. Để vun đắp những mầm xanh ấy, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng vận động các nguồn lực trong và ngoài nước hỗ trợ học bổng, nhận đỡ đầu nuôi dưỡng hàng chục nạn nhân da cam. Em Bùi Thị Thảo Uyên (học lớp 11, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) khuyết tật bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố đau ốm nằm một chỗ, mẹ bán rau củ đổi gạo qua ngày. Dù vậy, Uyên chưa từng nghĩ đến chuyện nghỉ học. Để tiếp sức cho Uyên, từ năm 2008 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng vận động Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin tại Pháp (VNED) nhận đỡ đầu, hỗ trợ học bổng hằng năm giúp em đến trường. Không những vậy, Hội VNED còn cho gia đình Uyên mượn vốn vay vòng để làm ăn, phát triển kinh tế. Đáp lại ân tình ấy, suốt 11 năm qua, Uyên luôn cố gắng vượt khó vươn lên, đạt thành tích tốt trong học tập.
Em Trần Thị Thanh Tú (học lớp 12, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) sinh ra cơ thể lành lặn nhưng không may khuyết tật trí tuệ. Hơn 5 năm nay, qua sự kết nối của Hội VNED, Tú được bà Phạm Thị Uyên (sống tại Pháp) đỡ đầu, nuôi dưỡng giúp em trang trải chi phí học tập. Bên cạnh đó, Hội VNED còn hỗ trợ gia đình Tú mượn vốn vay vòng 3 lần, tổng số tiền 21 triệu đồng để làm ăn, buôn bán.
Với những nạn nhân da cam không thể đến trường, Hội tổ chức nuôi dưỡng bán trú tại 2 cơ sở của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. Hằng ngày, gia đình đưa các em đến đây để tham gia học văn hóa, học các nghề thủ công phù hợp theo khả năng, sở thích. Đồng thời, các em được hướng dẫn kỹ năng tự phục vụ và làm những công việc đơn giản để có thể tự tin trong cuộc sống.
“Trao cần câu” làm ăn
Với phương châm “trao cần câu”, tạo động lực để gia đình nạn nhân da cam phấn đấu làm ăn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng thường xuyên vận động, kết nối hỗ trợ phương tiện sinh kế cho nạn nhân da cam và gia đình.
Do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam, em Võ Thị Thúy Nga (SN 2003, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) bị liệt toàn thân, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, mong muốn của gia đình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng vận động Đảng ủy Khối các cơ quan TP Đà Nẵng hỗ trợ một con bò giống trị giá 11 triệu đồng giúp mẹ của Nga phát triển chăn nuôi tại nhà. Trường hợp gia đình ông Nguyễn Hòa càng bi đát hơn. Sau khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia trở về, ông Hòa kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Thống. Sau nhiều năm mong ngóng nhưng không có con, vợ chồng ông Hòa quyết định xin con nuôi để có người chăm lo tuổi già. Tuy nhiên, số phận lại khiến cô con gái Nguyễn Thị Hồng Mơ sau một đợt ốm bị liệt toàn thân. Dù vậy, suốt thời gian qua, ông Hòa, bà Thống vẫn kiên trì mưu sinh bằng gánh bánh bèo nuôi con. Để hỗ trợ gia đình ông Hòa, vừa qua, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Đà Nẵng hỗ trợ một máy xay bột trị giá 6,5 triệu đồng, giúp gia đình vừa xay bột làm bánh bèo, vừa xay bột thuê kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí thuốc men, ăn uống.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết, nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, từ đầu năm đến nay, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, các cấp hội đã tiếp nhận hơn 11,043 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp. Qua đó chi hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ 16.847 lượt đối tượng nạn nhân da cam, tổng kinh phí 11,157 tỷ đồng, góp phần giúp nạn nhân da cam và gia đình vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.