Từ ngôi làng 800 năm của Đông Nam Á
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, thành viên đi trong đoàn Việt Nam tham dự phiên họp của UNESCO tại Ma-rốc cho biết, từ năm 2018, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”; đồng thời xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Một phần của kế hoạch này đã thành hiện thực, góp phần đưa gốm Chăm thành di sản văn hóa đặc biệt tầm cỡ quốc tế.
Theo ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu Bàu Trúc, tương truyền vợ chồng ngài Pokong Chanh (Po Klaong Can) là người cùng với Vua Pokong Garai (1151-1205) là vị tổ nghề gốm được dân làng lập đền thờ. Nghề làm gốm Bàu Trúc có lịch sử khoảng 800 năm, là một trong những làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á và giữ được nét nguyên thủy của nó, không bị thay đổi theo thời gian về mặt chế tác, công nghệ làm gốm.
Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng thường ngày, đồ dùng cúng lễ và sau này có thêm đồ mỹ nghệ như tượng, chum (jek), nồi đất (gok), mâm-khay (cambak), bình lọ (bilaok)… Tất cả các sản phẩm đều là sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra theo phong cách lưu truyền học nghề giữa mẹ và con gái. Nguyên liệu làm gốm được khai thác tại chỗ trên cánh đồng. Ở làng gốm Bàu Trúc, đất lấy trên cánh đồng Hamu Tanu Halan, bên bờ sông Quao và một số nơi khác. Đồ nghề chế tác rất đơn giản, mộc mạc thô sơ như: vòng quơ, vòng cạo, vỏ sò, vải để hoàn thiện sản phẩm. Ông Kadhar Kỷ - Pháp danh Jalan Dhar phuel - Hội đồng chức sắc Chăm Balamôn tỉnh Ninh Thuận cho rằng từ lâu cùng với thổ cẩm, gốm Chăm là hai sản phẩm đặc sắc cùng với các lễ hội của người Chăm đã đem lại nét riêng biệt của cộng đồng bản địa. Riêng với gốm Chăm luôn là biểu tượng đậm chất dân tộc, nay được nâng tầm thế giới. Đó thật sự là niềm động viên lớn lao cho người Chăm, đặc biệt các nghệ nhân đã làm ra sản phẩm gốm nổi tiếng bao đời nay.
Kỳ vọng cống hiến cho bức tranh văn hóa
Thời gian qua, đông đảo các nghệ nhân làm gốm Chăm đều thống nhất việc đề cử di sản này vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Những ngày vừa rồi, cùng đi trong đoàn Việt Nam tham dự chương trình họp của UNESCO tại Ma-rốc có bà Đàng Thị Tám, 71 tuổi, là nghệ nhân làm gốm ở làng gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Bàu Trúc thật sự là biểu tượng của làng gốm Chăm. Bà Đàng Thị Tám bày tỏ, hết sức tự hào vì lần đầu tiên cái tên “gốm Chăm” được thế giới biết đến và bà được làm đại biểu cho những nghệ nhân - phụ nữ làm gốm suốt hàng nghìn năm qua của người Chăm miền Ninh Thuận nói riêng và Nam Trung Bộ nói chung. Nghệ nhân người Chăm Vạn Quan Phú Đoan, người làng gốm Bàu Trúc, có sản phẩm gốm để đoàn Ninh Thuận đem đi Ma-rốc để làm quà tặng cho đại biểu quốc tế bày tỏ rất tự hào về di sản quê hương mình được UNESCO quan tâm. Theo ông Phú Đoan thì, ông cùng các nghệ nhân làm gốm đã mong chờ rất lâu về sự kiện này và nay đã thành hiện thực thật vui sướng vô cùng. Có tiếng nói của tổ chức UNESCO thì cộng đồng sẽ có trách nhiệm để bảo vệ phát triển gốm Chăm được ổn định và vững bền hơn.
Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Chế Diễm Trâm cho rằng, gốm Chăm từ lâu là báu vật của người Chăm với những âm hưởng văn hóa cả nghìn năm văn hiến, nó mang tính biểu tượng gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Chăm. Ngày nay khi xã hội phát triển, gốm Chăm có bước tiến rất dài về nghệ thuật, mẫu mã do nhiều nghệ nhân tham gia kể cả đàn ông. Họ sẽ song hành cùng với các nữ nghệ nhân tạo nên một bức tranh văn hóa đặc sắc. Còn điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng người nhiều năm nghiên cứu văn hóa và điêu khắc trong đó có gốm Chăm cho rằng, nét độc đáo của gốm Chăm chính là sự nguyên thủy vững bền, đặc sắc từ bàn tay người phụ nữ tần tảo, chịu khó và rất tài hoa. Vì thế nay được UNESCO ghi danh thật xứng đáng với cống hiến của các nghệ nhân tài hoa miền đất này.
Theo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hiện nay số lượng nghệ nhân và người thực hành và học nghề tại các làng gốm còn ít, có nguy cơ mai một, đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian của làng nghề thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến nguyên liệu, chi phí tăng cao. Nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu đa dạng… Do đó nghề gốm cần phải được bảo vệ khẩn cấp.